Phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương nằm trên nền đất cũ của Vương phủ của cố An Sinh Vương Trần Liễu. Trong ba cuộc đại chiến chống Thát tặc, nơi này giống như một biểu tượng của quân đội Đại Việt, chính vì thế nó cũng là cái gai trong mắt giặc, từng bị chúng phá hủy một lần. Sau khi giặc ngoại xâm bị đánh đuổi, người dân Vạn Kiếp vì để tri ân công đức của Đại Vương đã đồng lòng xây nên phủ đệ khổng lồ này.
Nơi này rộng lớn không khác gì một hoàng cung thu nhỏ. Nhưng khác với hoàng cung, tòa phủ này được xây dựng bằng tình yêu nước của bá tính chứ không phải xương máu của nô bộc. Nói về quy mô của nó, riêng khu hậu viên đã có tới mười mấy khu nhà ở lớn nhỏ, tiền viện lại chia ra làm nhiều khu chức năng khác nhau, mé tả còn có một sân luyện binh đủ lớn để huấn luyện voi chiến. Nghe nói, sân luyện binh này thường được Đại Vương dùng để bày tiệc tiếp đón quân phiệt và sơn vương khắp nơi mỗi khi họ tới chào hỏi.
Đúng như quản gia Đại Hành sắp xếp, ba nữ nhân bọn ta cùng sư tổ được đưa tới một viện nhỏ ngay cạnh chính viện của lão cáo già.
Tòa chính viện của Hưng Đạo Đại Vương khá lớn với nhiều cây ăn trái xum xuê, um tùm, từ chuối, nhãn, vải, na, mít, cam, xoài, ổi ... đủ cả. Nghe người trong thiên hạ đồn thổi, Vạn Kiếp là vùng đất cằn cỗi, nhiễm phèn. Để tránh lời dèm pha đất này là vùng rừng thiêng nước độc, khi mới chuyển tới đây, An Sinh Vương đã cho người ngày đêm tìm các giống cây ăn trái mạnh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt để mang về trồng trong vương phủ. Người ta nói cây độc không trái, gái độc không con, chỉ cần cây có thể ra quả thì tức là đất này không phải đất độc, người dân sẽ có hi vọng đổi đời. Về sau này, mùa nào quả ấy, cứ tới ngày mười bốn và hai mươi chín hàng tháng, vương phủ sẽ có lệ phát tặng hoa quả cho người dân và cúng dường chùa chiền trong vùng lân cận. Lâu dần, tiếng đồn Vạn Kiếp thưa người, nghèo nàn dần phai nhạt mà thay vào đó là tiếng tăm về một vùng đất trù phú, người dân và thương nhân tấp nập đổ về đây an cư lạp nghiệp.
Bây giờ là giữa tháng năm, chuẩn bị tới mùa vải thiều, từng chùm quả mọng màu vàng cam xen giữa sắc tím bằng lăng đã phần nào đánh tan sát khí trên người lính thủ vệ. Tuy nhiên ta cũng không ngây thơ mà tin vào những gì trước mắt, ta có thể dám chắc giữa những tán cây xum xuê kia là hàng trăm ám vệ đang ẩn thân.
Còn nhớ lần đầu tới đây, ta vẫn còn là một cô nương vui vẻ hoạt bác. Dù khi ấy cũng đã bắt đầu buôn bán xa nhà, của ngon vật lạ đều không hề hiếm, nhưng như một thói quen khó bỏ từ ngày thơ bé, hễ nhìn thấy hoa quả sai trĩu trên cành là sẽ không cách nào kìm nén bản thân tới sờ mó rồi vặt trộm.
Hôm ấy, ta tới chào hỏi lúc sáng sớm, mặt trời qua đỉnh ngọn sào là đã xong chuyện. Trên đường xuất phủ ta liền táy máy với tay hái vài quả ổi lê, không ngờ lại khiến người đang nấp trên tán cây ấy bị động. Hắn ta xấu tính giơ chân dậm nhẹ cành cây, ta liền cứ như vậy lãnh trọn một cơn mưa bọ nẹt xanh xanh, đen đen, bị ngứa mấy ngày không khỏi.
Vừa nhớ lại ký ức đau khổ ấy, toàn thân ta liền rùng mình. Số đen ở chỗ, giờ cũng vừa đúng lúc bọn ta đi qua trước mặt một đội lính canh, không ngờ, một cử động nhỏ như vậy lại khiến người bên cạnh để ý. Ta bị một thanh kiếm sáng loáng chặn lại.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Tiểu thuyết lịch sử Việt ] Đại Việt đệ nhất thương gia
Ficción históricaTự cổ chí kim, phàm là kẻ đã ngồi trên ngai vàng, dưới chân hắn luôn luôn là núi xương, biển máu, sau lưng hắn lại là rất nhiều suy tính, mưu toan. Cho tới cuối cùng, cái giá của đế vị vẫn luôn là sự cô đơn trong tận xương tủy. Bởi khi ngươi đã sống...