Bí ẩn cơ thể người: “Công năng thấu thị” dựa trên nghiên cứu cận tâm lý
Tác giả: Ngô Uyên
[Chanhkien.org] “Cận tâm lý học” (parapsychology) đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 như một bộ môn tâm lý học thực nghiệm mới. Mục đích của nó là chứng thực thông qua khoa học thực nghiệm về sự tồn tại của các tiềm năng trên cơ thể người và các nhân tố ảnh hưởng đến những tiềm năng này. Tiềm năng cơ thể người còn được gọi là “công năng đặc dị”, và ở phương Tây nó được biết đến với cái tên “hiện tượng Psi”, có nghĩa là “chưa biết”. “Hiện tượng Psi” đã được nghiên cứu theo hai loại chính: tri giác siêu cảm (extrasensory perception) và trạng thái xuất thần (psychokinesis). “Tri giác siêu cảm” là chỉ khả năng có được năng lực tri giác mà không qua các giác quan, bao gồm tha tâm thông hay cảm ứng từ cự ly xa (telepathy), công năng thấu thị hay thiên mục (clairvoyance), công năng dao thị hay nhìn xa (remote viewing), công năng túc mệnh thông hay biết trước tương lai (precognition) và nhớ lại quá khứ (retrocognition). “Trạng thái xuất thần” là chỉ khả năng ảnh hưởng hay thao túng thế giới vật chất bên ngoài mà không cần động tay hay động chân, bao gồm công năng ban vận hay dùng ý niệm di chuyển vật thể (teleportation), dùng ý niệm điều khiển thiết bị điện tử, hoặc thúc đẩy hạt giống nảy mầm, v.v.
Trong hơn 70 năm nghiên cứu thực nghiệm, người ta đã chứng thực được sự tồn tại của những công năng này. Các nhà khoa học đã nhận thức thêm và hiểu rõ hơn rằng những công năng này đều bắt nguồn từ một dạng năng lượng tâm lý bí ẩn, điều mà sinh lý học hiện đại đã công nhận. Để vén bức màn bí ẩn bao phủ các tiềm năng của cơ thể người, người ta phải đột phá những rào cản cố hữu mà khoa học hiện đại dựng nên và thiết lập một cách tiếp cận mới để nhận thức cơ thể người và vũ trụ.
Vào cuối năm 2001, “Nghiên cứu cơ sở về cận tâm lý” (The Fundamental Study of Parapsychology) đã được biên soạn và xuất bản bởi nhà cận tâm lý nổi tiếng, K.R. Rao. Cuốn sách điện tử này đã tổng kết các thí nghiệm trong lĩnh vực cận tâm lý và sau đó phân tích kết quả. Qua tham khảo cuốn sách này, chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ trong nghiên cứu lĩnh vực cận tâm lý và cùng nhau thảo luận về các bí ẩn của cơ thể người.
1. Công năng thấu thị: Chuỗi thí nghiệm Pearce-Pratt
Công năng thấu thị (clairvoyance) chỉ khả năng nhìn một đồ vật bị che khuất hoặc được ngăn cách bằng một bức tường (“cách tường khán vật”). Thí nghiệm kinh điển trong lĩnh vực này chính là chuỗi thí nghiệm Pearce-Pratt.
Năm 1934, Tiến sĩ J.B. Rhine thuộc Đại học Duke ở Hoa Kỳ đã thiết kế 5 bộ thẻ được gọi là Thẻ Trắc nghiệm Siêu cảm (Extrasensory Testing Cards). Trên mỗi bộ thẻ là một hình vẽ đơn giản: hình tròn, hình vuông, hình chữ thập, hình sóng nước và hình ngôi sao.
Bằng việc sử dụng 5 bộ thẻ này, ông và cộng sự, Tiến sĩ J.G. Pratt, đã tiến hành một chuỗi thí nghiệm trên một học sinh, H. E. Pearce, Jr., người tuyên bố là có công năng thấu thị.