Nhận định 1: Bàn về thơ Xuân Diệu, nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”.(Hoài Thanh và Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam)
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên đây thông qua sự hiểu biết về thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.Nếu phải chọn một nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới (1930-1945), mọi người sẽ không chút ngần ngại, chọn ngay Xuân Diệu, một nhà thơ từng được nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh xem là mới nhất trong các nhà thơ mới. Bàn về thơ của nhà thơ tài danh này, nhà phê bình tác giả quyển Thi nhân Việt Nam cũng đã khẳng định:
Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này, Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết.
Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu đã được tôn vinh là “Ông hoàng thơ tình” với hai tập thơ: Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Hai tập thơ này cùng chung một mạch cảm xúc là say đắm tình yêu và khao khát hạnh phúc: cuồng nhiệt. Đủ thấy nhà thơ đã tìm nguồn cảm hứng lãng mạn ở ngay cuộc đời trần thế. Thơ Xuân Diệu là thơ của một tâm hồn rất yêu đời, yêu tha thiết cuộc sống. Đối với tác giả tập Thơ thơ, điều kì diệu nhất là cuộc sống, điều đẹp đẽ đầy ý nghĩa nhất là con người, tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ ham sống, tha thiết với đời và khao khát tình yêu đến độ mê say. Thật vậy, Xuân Diệu yêu cuộc sông trần thế này với tất cả về bình dị, trong trẻo và nồng nhiệt nhất bàng một trái tim đắm đuối đến phút cuối cùng.
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực đổ vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tinh đến ngất ngư
(Không đề)
Chính vì vậy, nhà thơ đã quan sát, ghi nhận, và phát hiện ra được những lạc thú của cuộc sống. Hãy nghe chính Xuân Diệu đã tâm sự: “Với lòng tôi, trời đất chỉ có hai mùa: Xuân với Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh... Chứ còn từ Đông sang Xuân, sao mà sung sướng thế! Lạnh chuyến ngược lên ấm, từ một điều rất khó chịu chuyển ngược sang một điều rất dễ chịu. Theo lệ ấy, Hè sang Thu là bao nhiêu khoái trá cho giác quan, được rời bó lửa chói chang mà vào trong nước hiền hòa mát mẻ... Đầu xuân là bình minh ấm của lòng tôi. Và ấm hay mát. Thu hay Xuân, lòng cũng rạo rực những tiếng mùa ái tình ghé môi gọi mời trong gió.