41. Truyện ngắn (lịch sử năm 1945)

15 6 0
                                    

Năm Ất Dậu 1945, miền Bắc bị tàn phá nặng nề về cả sức người và sức của. Người chết liên miên, dịch bệnh hoành hành, nạn thất học càng là cái gong siết chặt lấy máu thịt nhân dân. Dăm ba chỗ lại xác chết, dăm ba chỗ lại xác khô. Ấy thế mà vẫn có người sống, sống như không sống, hơi thở nhẹ đến nỗi chẳng nâng nổi lông hồng kia mà.

"Ch.ó thật, lũ giặc kia lại dẫn quân đi. Sao tụi nó không chết quách đi!"

Một tình báo từ bên ngoài trở về làng, hậm hực kêu rên, nước mắt lại không kìm được mà chảy xuống. Đất mẹ còn chưa kịp cứu thì đã phải chết, súng còn chưa kịp bắn thì tay đã chẳng còn sức nâng.

"Ừ, lũ kia chó thật. Lũ Nhật chặn đường từ miền Nam rồi, còn không cho mở kho gạo cứu đói mà. Sao tụi nó ác thế không biết."

Chị ôm đứa con nhỏ thoi thóp của mình vào trong lòng. Đã bao lâu nhỉ? Chắc cũng đâu đó một tuần rồi, thằng nhỏ có được cái gì vào bụng đâu? Mà sao nó vẫn sống, sống để làm cho chị đau hết cả tim can.

"Mày có muốn chết thì chết đi con ạ, mẹ mày cũng không có gì cho mày ăn. Mày có sức thì mày cắn thịt tao mà ăn đi này."

Chị khóc. Sao chị lại phải sinh một đứa nhỏ khi đất nước lâm nguy? Chị nghĩ, giá mà chị được cầm súng ra chiến trường thì cũng tốt lắm. Giá mà chị chết cho tổ quốc, còn hơn là phải nhìn con mình chết.

"Chị lại nói điên nói dại gì thế? Có khổ cũng không được."

Hắn hơi bực, chả cần lý do. Chắc là vừa giận, vừa thương, nên đâm ra bực.

Xóm nhỏ này toàn là dân chạy nạn đến, toàn là miền Bắc. Người ta chạy trốn cái đói, chạy trốn cái chết. Nực cười nhất là ở cái chốn khỉ ho cò gáy này có khấm khá hơn là bao, chạy được đến đây cũng mệt lả người, một hạt gạo còn chưa thấy thì đã phải phơi thây.

Đằng xa, người đàn ông gầy nhòm cầm gậy gỗ chạy đến. Cái gậy to tướng lắm, thế mà vẫn nâng được đấy, dẫu là có hơi khó khăn.

"Mày đứng đây làm gì thế? Người ta đua nhau đi phá kho thóc đấy, đi giúp nhanh!"

À, mấy hôm nay cứ lao xao chuyện này đây. Việt Minh đứng lên chỉ trích triều đình Huế, đồng thời kêu gọi nhân dân đi phá kho thóc, cướp lương thực tiếp tế ra chiến trường. Nhưng mà cũng không đúng, sao có thể gọi là cướp là phá, trong khi đó đều là bọn chúng cướp từ tay họ chứ?

"Chỗ nào? Lâu chưa? Sao chẳng thông báo trước."

"Thông báo cái gì? Để lũ tay sai nghe được à? Mày điên à?"

Hắn vắt cái áo khoác nặng mùi cỏ cháy lên vai, hai bước gộp thành một chạy theo người kia. Lúc đi qua bụi cây gai góc còn không quên bẻ lấy một nhánh dài. Nhỏ nhỏ, mềm, nhưng đau. Gai đâm vào tay mà hắn lại chẳng hó hé lời nào. Có lẽ cái đói đã thấm vào trong tâm thức, làm cho ngay cả phản xạ cũng bị tê liệt mất rồi.

Hai người chạy một lúc là đến.

Lũ tay sai cầm súng hiên ngang lắm, nhưng chỉ biết nả vào người làm loạn. Nhìn kĩ thì chúng có vẻ run sợ nhỉ, ngoài việc dùng mấy viên kim loại lạnh ra để so thì chúng có được gì chứ? Lũ lính quèn chẳng được tích sự gì.

Hắn đứng sau lưng Việt Minh, tránh đi mấy phát bắn nham nhở. Giá mà hắn có súng trong tay thì cũng chẳng nên cơ sự này. Nhưng người nhiều lắm, đạn so không nổi.

"Lũ ngu, bắn đi! Bắn hết!"

Vài tên trong lũ tay sai hét. Hắn không hiểu, vì chúng nói bằng tiếng Nhật. Nhưng mà cái giọng điệu khinh rẻ ngông cuồng kia làm hắn giận, hắn chẳng tiếc mạng đâu. Hắn không có gia đình, không có vợ con, vậy hắn có gì để tiếc.

Khi mà hắn định lao ra thì có người giữ hắn lại. Cái mùi thuốc súng trong không khí làm hắn khó chịu. Hắn hất phăng cái tay kia đi, nhưng lại chẳng hất được câu nói đó.

"Anh đi đâu, ra để chết à? Vô ích lắm!"

Ừ, vô ích thật. Nếu hắn vì giận mà chết thì có lỗi với tổ tiên, với đất nước lắm. Hắn nghĩ đến cha mẹ, cũng vì gia nhập quân khởi nghĩa mà chết. Có lúc hắn hận đất nước lắm, nhưng giờ hắn hận lũ cướp nước hơn. Hắn hận đất nước vì chẳng bảo vệ được gia đình nhỏ này, nhưng hắn càng hận lũ cướp nước vì đã làm biết bao mái ấm phải đồ than. Bởi vì hắn hận đất nước nên hắn quyết không làm gì cho nó, nhưng hắn sẵn sàng chết để giết địch vì hắn càng hận lũ cướp nước. Ừ, hắn chỉ vì hận lũ cướp nước thôi, chứ hắn chẳng yêu gì đất nước này.

Phải chết mất hơn nửa số người thì mới cướp được kho thóc, nhưng số lượng ít lắm. Hắn cũng được phân cho một chút, chả bỏ cho hắn nhét kẽ răng. Lúc này, hắn nghĩ, có lẽ đứa trẻ kia chẳng cần phải ăn thịt mẹ nó nữa rồi.

Hắn cho hai mẹ con kia số gạo đó, bọn họ mừng phát khóc, kém chút nữa đã muốn quỳ xuống lạy tạ. Con người những năm 45 chính là thấp hèn thế đấy, chỉ vì miếng ăn cũng có thể khụy gối cúi đầu kia mà. Nói sao đây, cái xấu có phải sinh ra đã có đâu, mà nó là hậu quả của cái đói và cái dốt đây mà.

"Người ta có chết vì đói không anh nhỉ?"

Đứa trẻ kia tươi tỉnh hơn nhiều, cái dạ dày rỗng cuối cùng cũng được tráng một lớp men mỏng. Cu cậu chỉ còn da bọc xương, làn da đen nhẻm bẩn thỉu, gương mặt hốc hác bạc sắc. Chẳng khác gì con chó hoang bị người ta đánh đập, lâu ngày trở nên dáng vẻ ngày càng ưu thương. Tệ thật, đúng là nên chết quách đi cho xong.

"Có. Mấy hôm trước mày cũng thế đấy."

Hắn lúc nào cũng thấy bực dọc. Sao cứ phải tìm hắn nói chuyện nhỉ?

"Làm sao để có cái ăn hở anh?"

"Mày hỏi tụi Việt Minh ấy, tụi nó chỉ cho. Mà chắc là phải đi theo tụi nó mới có cái ăn thôi. Cầm súng giết địch đó, hiểu không? Bùm một phát, chết tươi. Mà có khi mày cũng chết đấy."

Đi theo cách mạng, đi theo chân lý, đây phải chăng là con đường duy nhất để giải thoát bản thân? Một là sống trong hoà bình, hai là dùng cái chết để khẳng định sự thành công trong việc trốn chạy cái đói.

Con đường khó nhất là cách mạng, con đường dễ nhất là cách mạng, con đường xa nhất là cách mạng, con đường ngắn nhất là cách mạng.

Con đường duy nhất là cách mạng.

Trăng tròn rồi trăng khuyết, vẹn nguyên là chẳng thể mãi mãi.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ