4. Song sinh

257 37 12
                                    

Ma Kết búi mái tóc dày đen nhánh, rồi gọn gàng quấn dưới chiếc khăn trùm. Trời đông gió thổi, cô với thêm lớp áo choàng, trước khi rời khỏi nhà với cái làn mây to đùng trên tay. Thường thì bà Mùi mới là người đi chợ, nhưng hôm nay cô Kết đã xông xáo nhận việc. 

Lúc đầu bà gàn, không cho cô đi đâu. Bởi, bà kĩ lắm. Bà bảo cô Kết đoảng, từ bé tới giờ đi chợ được mấy lần mà biết chọn đồ cho ngon. Nhòm cái mặt là biết rõ con nhà giàu, lớ nga lớ ngớ, khéo còn bị thiên hạ lừa tiền ấy chứ. 

Thế mà cô vẫn được đi đó thôi. Nói, thì nói, bà Mùi vẫn thương Ma Kết như con gái ruột. Cô đoảng, nhưng cái tính cô lành, lại hay thương người nên bà không nỡ cấm đoán. Bà biết thừa cô Kết đi chợ là phụ, cái chính là cô đi gặp ai kìa.

Tờ mờ sáng, sương hẵng còn giăng mù lối, mà chợ đã đông lắm rồi. À, thì hôm nay hăm hai, ngày họp chợ. Ngoài mấy gánh rau hay hàng thịt thường ngày, còn có đủ các thứ hàng hóa lạ mắt từ thương lái, sắc màu rực rỡ trông đến là thích mắt. Đi qua một sạp, lại muốn nấn ná, ướm thử chiếc nón thêu xinh xinh, tưởng có ngày dạo chơi trên phố.

Sẽ có người khen cô má đào, dễ thương chứ?

Ma Kết nghĩ tới vậy thì tủm tỉm. Nhưng cô tỉnh nhanh lắm, mơ nhiều làm gì, việc nhà đầy ra, ở đấy mà đi chơi. Giờ thì đi mua thức ăn, chứ dở mà nó ôi, bà Mùi lại càm ràm cả ngày cho nghe. Sẽ còn dư mấy xu lẻ, cô để mua cái bánh rán mật cho Song Tử và Kim Ngưu.

Nhớ đến chúng nó, tâm trạng Ma Kết bỗng chùng xuống. 

Song Tử và Kim Ngưu là cháu ông Giải bà Mã, nhà ở cuối làng Kim. Nói là nhà, nhưng cũng chỉ là mấy miếng vách dựng lên sơ sài, trên lợp rạ mỏng xin từ khắp nơi. Người ta bảo, nơi ấy đất dữ, trừ ông bà ra thì cho vàng cũng không ai tới ở.

Thế con cái đâu mà để hai cụ sống nơi cô quạnh kia? Thì xin thưa rằng, đó là cả một sự éo le. Dạo trước ông bà làm nghề buôn vải trên kinh thành, cũng khấm khá lắm. Bỏ đi cái nhà mặt tiền cho con làm vốn, thì vẫn còn một khoản dưỡng già. Sáu mươi tuổi, dắt tay nhau về quê, an nhàn, vậy là hết một đời. Ông bà có mong gì hơn đâu, mà ông trời nỡ sắp đặt vận tang thương. Một trận cháy, của cóp nhặt bao năm bỗng hóa tro, cùng với con trai, con dâu và đứa cháu lớn.

Đám tang ai khóc nỉ non, nào ngờ người đầu bạc lại đi tiễn kẻ đầu xanh. Họ tới an ủi chia buồn không ít, song cũng lắm kẻ hả hê trốn nợ. Đau thương, oán giận, cùng quẫn, Cự Giải và Nhân Mã dắt hai cháu thơ trở về nơi xóm cũ, bỏ lại nơi kinh thành tuổi trẻ và cuộc sống hạnh phúc không thể quay lại.

Ngang trái hơn nữa, khi ông Giải đổ bệnh. Nhân Mã có quần quật cả ngày, khi thì trông trẻ, khi thì gánh nước, khi thì chẻ củi, cũng không thể bằng công đám thanh niên. Ăn, thì nhịn một tí, không chết được. Nhưng thuốc, thì nhịn làm sao. Người ta bảo để ông đi cho nhẹ gánh, nhưng chuyện tình nghĩa đâu thể phủi cái là xong. Phàm không phải chuyện của bản thân, thiên hạ nói nhẹ nhàng lắm. Chỉ khi đắm ở cái nỗi niềm thì mới thấy: còn lay lắt, tức là còn hy vọng. Thương ông, thương bà, Song Tử và Kim Ngưu đã đi làm mướn cho người ta khi mới được sáu tuổi đầu.

Phận đời, đến là khốn! 

Mặt trời đã lên, nhưng cái góc túp lều còn nhuốm màu u tối. Gió không mạnh, nhưng nó rít qua rặng tre phía sau, thêm phần ớn. Ma Kết xếp gói bánh lên trên để tiện lấy, rồi gọi vào. 

"Mấy đứa ơi, chị Kết nè."

Ngóng thấy tiếng người quen, từ trong nhà, có hai đứa bé chạy vội ra. Chúng nó cười, nhưng sao mắt chúng nó đỏ quá. Mà hình như, má còn hơi ươn ướt nữa?

"Ch..chị Kết... t..tới rồi ạ." 

"Song, Ngưu, hai đứa làm sao thế? Lại bị đánh ở chỗ làm à?" 

"Không phải đâu..." Bé gái tên Ngưu lắc đầu, giọng lí nhí.

Ma Kết đặt cái làn xuống, vòng tay ôm lấy, lòng xót xa. Mới bé thế này, mà sao chúng nó không được vui vẻ như đám trẻ trong làng, cứ phải khóc hoài. 

"Chị đem bánh này, ngon lắm. Hai đứa mang vào mời ông bà cùng xơi nhé."

Nhắc đến ông bà, chúng nó lại càng nức nở. Dỗ không được, Ma Kết đành bế hai đứa vào trong, thì liền hiểu nguyên do.

Mùi ẩm mốc ám từng kẽ của túp lều lụp xụp. Trên chiếc giường tạm bợ, ông Giải đương ho khù khụ, hình như còn bắn cả máu ra, thấm đầy vạt áo. Bên cạnh là vợ già, tay run run cầm thìa thuốc, trông loãng như thể đã chia thành nhiều toa, bón từng chút cho ông. Trông thấy cô, bà bèn bảo hai cháu dọn chỗ cho khách. Nghèo, nhưng lễ tiết, thì vẫn phải giữ lấy.

"Lạy cô Kết tới chơi ạ."

"Cần gì cầu kì hả bà. Cháu ghé qua một chút, rồi về ngay ấy mà."

Để gói bánh lên chiếc bàn con duy nhất trong nhà, rồi Ma Kết hỏi luôn về bệnh tình của ông. Nhận lại, là một tiếng thở dài của bà, cùng cái nhìn xa xăm về đằng tây.

"Không giấu gì cô, thầy lang bảo khó lắm. Mà tôi cũng sắp hết thì, khéo lại..."

Chung quy, vẫn là vấn đề tiền bạc. Sang, ai cũng quý. Hèn, ai cũng xa. Sự sống chết của người ngoài, hay là miếng cơm đổ vào miệng người nhà. Lựa chọn thật quá hiển nhiên. Người ta vật vã với cái khổ của mình, thì còn đâu sức mà lo cho cái bất hạnh của người khác nữa. Ma Kết liệu khác họ? Thương cảm tỏ ra, có vì cô chưa từng trải qua cuộc thiếu thốn nào?

Nghĩ ra gì đó, Ma Kết liền mở lời đề nghị với bà Mã.

"Bà ơi, cháu có ý này. Song với Ngưu sắp lên bảy rồi, bà cho hai em qua nhà cháu làm. Ở đó thì cơm ăn không lo, cuối tháng còn được trả thêm tiền công. Có điều, sẽ ít về nhà hơn thôi. Bà tính có ổn không?"

"Tạ ơn cô đã có lòng. Nhưng... chúng nó bé thế, tôi sợ không gánh nổi việc, ông Bình lại mất công đuổi về."

"Bà đừng lo. Cháu sẽ xin cậu cho chúng nó theo hầu cháu, học từ giờ là vừa. Tới tuổi, thì cho về dựng vợ, gả chồng. Thế lại đẹp đấy, bà ạ." 

Bà Mã băn khoăn quá. Ở nhà cô Kết thì chẳng phải lo cái ăn rồi, nhưng bà nhớ lắm. Ngoài chồng, bà chỉ còn hai đứa chúng nó làm vui qua ngày. Mà lỡ có sao, thì có kịp về không đây?

Bà ngó qua hai đứa cháu. Hai tay lấm lem dính những mật ngọt, chúng nó chia nhau miếng bánh thơm, đứng ở góc nhà, ăn ngon lành như đang thưởng mĩ vị cung đình. Nét mặt ngây ngô, vui vẻ của đứa trẻ được no bụng khiến tâm can bà quặn lại. 

Cuộc đời đã tước đi hầu hết của thân già này, nhưng, tương lai của chúng nó đang ở trong tay bà.

"Tôi xin nhờ cô thưa chuyện với trưởng làng Bình. Nếu được, ba hôm sau, tôi sẽ dắt hai cháu tới."

[12 chòm sao] Hôm đằng làng KimNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ