Hôm nay nhà tôi có khách. Tôi đang mải bắc nồi chè đậu trong bếp thì nghe tiếng chó sủa ran ngoài sân, vội vàng bỏ cả lại đó tôi tất tả chạy ra xem ai đến chơi.
- Nhà giáo Minh đây phải không cô?
Một người đàn ông áng chừng ngoại tứ tuần, dáng người gầy gò khắc khổ nhưng nét mặt lại có phần tinh anh. Tôi chắc mẩm hồi trẻ người này hẳn phải rất khôi ngô tuấn tú. Ông ta mặc áo sơ mi màu xanh nhạt bỏ trong quần âu phẳng phiu, một tay gỡ chiếc nón cói trên đầu xuống một tay chống cây batoong bằng gỗ đã phai màu.
- Dạ phải, cha tôi đang ở trong nhà. Xin hỏi bác là ai đến chơi ạ?
- Cô là con giáo Minh? – Người đàn ông sững người nhìn tôi hồi lâu rồi khẽ lẩm bẩm trong miệng – Cô có những nét rất giống Tư, hèn gì...
Tôi khẽ hắng hắng giọng để nhắc, ổng mới sực tỉnh chớp mắt nói:
- Tôi... tôi là người vùng này đi làm ăn xa đã lâu... Cứ nói với ông giáo là tôi tên Hai Trí, bạn cũ của ổng, ổng tự khắc sẽ nhớ ra.
- Bác là Hai Trí? – Tôi gần như sững sờ kêu lên. Đây là người con trai trong mối tình năm xưa của má? Bác ấy đã trở về sau hơn mười bảy năm rời làng ư?
Bác Hai Trí hình như hơi giật mình sau tiếng reo của tôi, bác nghiêng đầu nhìn tôi bằng ánh mắt nghi hoặc như muốn hỏi: "Cô biết tôi hả?" Tôi vội vàng mở toang cổng và xuỵt lũ chó về chuồng, hồ hởi nói:
- Mời bác vô nhà!
Sau khi pha trà sen và mời cha ra tiếp khách thì tôi phải lui xuống bếp không được bén mảng đến gần gian nhà trên nên không nghe rõ câu chuyện giữa hai người bạn cũ. Mãi tới khi cha tiễn bác Hai Trí ra tận cổng thì tôi mới lân la đứng ngoài cửa bếp hóng chuyện, đúng lúc đó má đội nón đi làm đồng về.
Ba người lớn đứng sững như trời trồng ở giữa sân. Tôi nép mình sau bức tường ám khói, lén đưa mắt nhìn má. Một tia bàng hoàng, mừng rỡ vụt qua đáy mắt nhưng rồi gương mặt má lập tức trùng xuống. Nhìn má như đang mếu, hai cánh tay buông thõng làm chiếc nón lá rơi xuống sân lộn vài vòng trong gió.
- Anh Trí đã về đấy ạ?
Má như bừng tỉnh khỏi ký ức đau đớn, vội vàng cúi người nhặt cái nón lên và khẽ gật đầu với bác Hai Trí. Chào hỏi xong, má rảo bước cắm cúi đi xuống nhà dưới, một lần cũng không ngoảnh đầu lại, bỏ mặc sau lưng ánh mắt ngỡ ngàng sửng sốt của bác.
Má ơi có phải con nghe thấy tiếng khóc than trong lòng người thiếu phụ?
*
Bác Hai Trí đã có có vợ và hai người con, một trai một gái nhưng hiện thời họ đều đi học trên Sài Gòn cả. Bác cùng với vợ trở về ngôi nhà hương hỏa của cha mẹ để thờ cúng tổ tiên cũng coi như là lá rụng về cội.
Mười bảy năm đằng đẵng xa cách, chuyện tình năm nào cũng đi vào dĩ vãng. Má quyết tâm chôn chặt khúc lòng mình vào nơi sâu thẳm để rồi mỗi lần vô tình gặp bác Hai Trí gương mặt má luôn giữ một vẻ lành lạnh bình thản.
Chuyện đã cũ, người đã đổi thay, giờ đây còn có nuối tiếc được chi nữa?
Suốt bao tháng năm sau này, biển xanh hóa nương dâu1 nhưng tôi chưa bao giờ quên được câu nói của má vào cái đêm mà chị Huệ vô tình tìm thấy những lá thư ố vàng.
Tôi đã hỏi má: "Nếu được quay ngược thời gian trở về ngày đó thì má có quyết định khác đi hay không?"
Má mỉm cười ngắm nghía hai chị em tôi hồi lâu, bàn tay má lần theo nếp gấp của lá thư tay với một vẻ luyến tiếc.
- Câu trả lời của má là không, Út à. Cuộc đời của má phải như vậy, nó đã được ấn định sẵn rồi: sanh ra ở làng chết đi cũng ở làng, gả cho cha con, và có được hai đứa con gái xinh đẹp nhường này. Trên má là song thân, dưới má còn đàn em thơ dại, má không thể nào chỉ ích kỷ nghĩ riêng cho mình má được. Thế nên dẫu có cho má chọn lựa lại một trăm lần thì một trăm lần má vẫn sẽ làm như thế. Nhưng các con thì khác, cuộc đời của các con tươi sáng hơn má nhiều, ráng mà tìm hạnh phúc cho bản thân mình nghe không?
BẠN ĐANG ĐỌC
[Làng quê miền Tây, Full] Thôi Duyên
Romance"Thôi cũng đành thôi, duyên em cũng đành thôi!" - Út Liên ca bài gì mà buồn quá vậy? Cậu Khải hai tay đút túi quần âu, thong thả bước đến sau lưng tôi. Tôi cười mà lòng tràn ngập chua xót. - Em ca cuộc đời em đó cậu! (* Trích lời bài hát "Thương kiế...