Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời

2.5K 20 0
                                    

1

30 năm vẫn còn là bí mật

Peter Ross Range - “burô”, sếp của ông thời kỳ ở Việt Nam khi ông làm cho tờ Time đã nghĩ ra hẳn tên một cuốn sách để khuyến khích ông viết lại cuộc đời mình. Nếu không có câu chuyện của anh, một mảnh quan trọng của lịch sử sẽ bị thiếu - Peter viết - Không ai có một câu chuyện như anh để kể lại: làm việc trong một cơ quan báo chí Mỹ trong khi cung cấp tin tức cho miền Bắc. Không ai có một cuộc đời như đời anh, tham gia Việt Minh ở một lứa tuổi rất trẻ - Một câu chuyện lý thú biết bao!

Peter thuyết phục một cách đầy hứng khởi. Ông ta còn đề nghị cái tựa cho quyển sách ấy: A man of honor: The life of Pham Xuan An.

Bây giờ Peter đi dạy học và viết sách: Khi Miền Nam giải phóng, ông ta về nước, dẫn theo cô bồ người Việt. Trong khoảng thời gian dài sau này hình như họ đã ly dị. Thì Phạm Xuân Ẩn, năm nay cũng đã ngoài 70, vẫn tính hài hước đặc sắc: “Thành họ nhà ma rồi còn gì” - Thời gian đang trôi nhanh. Nói như triết, thì chẳng có gì mất đi hết, mặc dù chẳng có cái gì tồn tại mãi. “Chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Các yếu tố tinh thần có như vậy không? Nó có chuyển các đặc điểm của mình vào các thế hệ sau? Hay là nó mang đi theo các người già nằm xuống? Có người không chịu viết hồi ký, vì dù có khách quan đến mấy thì cũng viết về mình - Mà con người ta thường nhớ kỹ những điều hay, quên đi điều dở… Nhưng cuộc đời của vô số trong số họ, đã là tài sản tinh thần, là những số phận cụ thể không có viện bảo tàng nào giữ được, nếu họ không ghi lại… Rồi đến con cái cũng chẳng hiểu ngày xưa bố mẹ mình làm gì. Đó là những lý thuyết đối chọi nhau trong việc viết hồi ký.

Với Phạm Xuân Ẩn, lý do cũng mang đậm màu sắc khó tả: Ông không viết hồi ký, từ chối tất cả các cuộc gặp gỡ báo chí để viết về ông. Tuy nhiên ông sẵn sàng gặp với tư cách đồng nghiệp hay tình bạn. Vừa mang đặc điểm thận trọng của nghề tình báo, vừa là ý thích của một “ông già” tự thấy cần một cuộc sống thanh thản. Luôn tự trào, nhìn mọi việc bằng cái nhìn hài hước: “Chẳng có ông già nào không bảo thủ hết. Thay đổi là khó chịu. Dọn nhà là khổ. Tụi trẻ đang lên, anh này lấy cô kia, chẳng sợ thay đổi. Nó chưa trải. Hồi nhỏ mình bạt mạng, nay thấy con cái bạt mạng lại không cho. Thì mày trả giá bằng cuộc đời mày. Học bài người khác trả tiền hơn là học bài mình trả…”

Ông đã trải đời mình cùng với lịch sử kháng chiến của Việt Nam, là quân nhân trong ba quân đội khác nhau. Tham gia Vệ quốc đoàn khi 18 tuổi, bị trả về vì thiếu súng đạn, vũ khí lúc đó dành cho thành phần cơ bản. Ông hòa vào phong trào học sinh sinh viên Trần Văn Ơn tại Sài Gòn năm 1950.

Trở thành lính trong quân đội Pháp, không phải lính bộ binh, mà là bí thư cho trưởng phòng lo về chính trị trong quân đội. Khi hòa bình lập lại ở Đông Dương sau hội nghị Genève, Mỹ can thiệp dựng Ngô Đình Diệm với chủ trương phá hoại Hiệp định, không chịu tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam sau hai năm như đã ký kết. Mỹ đổ tiền của vào Việt Nam để giúp họ Ngô đứng vững. Ba cơ quan như cái trụ ba chân được thành lập: Phòng thông tin Mỹ (USIS), Quân sự (MAAG) và kinh tế hành chính (USOM). Đến năm 1962 USIS đổi tên là JUSPAO và MAAG lấy tên là MACV, USOM lấy tên là USAID. Ông Ẩn do có tiếng Anh và thạo nghề, nên lại trở thành nhân viên dịch thuật tại Bộ Tổng tham mưu, tham dự vào việc thành lập những sư đoàn đầu tiên do Mỹ tuyển chọn và đào tạo.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Apr 16, 2011 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đờiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ