Hà Nội những ngày giao mùa nên thơ vô cùng. Từ cảnh quan cho đến con người đều đẹp đẽ, chỉ riêng mỗi cái thời tiết là có chút chướng khí. Tiết trời thủ đô vào tháng Ba thất thường cũng như là tính khí của Phạm Ngọc Hân mấy ngày gần đây vậy: sáng thì nắng chiều thì mưa, đôi lúc thì lại âm u khó đoán.Cán bộ của phòng Tình báo mặc dù đa số đều là những bậc thầy suy luận, nhưng riêng đối với trường hợp Phạm Ngọc Hân thì cho dù có vắt óc ra nghĩ bọn họ cũng chẳng thể nào cho ra một lời lí giải.
Ngày hôm qua cả phòng đều gặp chút bí bách trong việc điều tra vài tệp hồ sơ, vậy nên khi Kim Mẫn Trí đứng dậy khỏi ghế thì các đồng chí đều tự động biết là cô lại định ra ngoài hút thuốc cho thư thái đầu óc. Vấn đề là Phạm Ngọc Hân thấy vậy không những không thể hiện chút xíu nào là khó chịu, mà thậm chí còn ngỏ ý muốn đi cùng!
Những người còn lại ai nấy cũng đều tạm gác công việc sang một bên, trố mắt lên nhìn. Trời ơi tin được không? Kim Mẫn Trí đỡ làm sao nổi đây, chỉ biết đóng băng tại chỗ, đến lúc rã đông thì Phạm Ngọc Hân đã mặc xong áo khoác từ bao giờ. Đi với tôi là không được hút thuốc đâu đấy, cả cái Bộ Tổng này chỉ có mỗi Phạm Ngọc Hân là ngang ngược như thế.
Trưởng phòng Tình báo thấy cán bộ gương mẫu xin phép ra ngoài thì liền đồng ý, sau đó còn khuyên nàng đi lâu một chút, nới lỏng căng thẳng hẳn đi rồi về. Kim Mẫn Trí đứng ngoài cửa nhìn vào, vậy mà lại bất ngờ bắt gặp ánh mắt phức tạp của vị Trưởng phòng đáng kính. Tâm tư trong lòng cô anh sớm đã nhìn thấu, chỉ là không biết lửa gần rơm chừng nào mới bén mà thôi.
Bộ Tổng tham mưu vốn cách Hồ Tây không xa, chỉ cần đi dọc theo phố Hoàng Diệu một chút là tới. Nơi này trước giải phóng từng được gọi là Đại lộ Victor Hugo, nơi mà cái vẻ nhẹ nhàng, sức sống lịch sử trường tồn vẫn chưa từng bị cuốn trôi theo khói lửa cuồn cuộn của kháng chiến.
Đường Hoàng Diệu vốn yên bình, vào khoảng đầu giờ chiều thì lại càng vắng vẻ. Gần cổng Tây Hoàng thành khi ấy không quá nhộn nhịp, chỉ có lác đác vài gánh hàng rong. Một thứ mùi vị thân thuộc, vừa béo vừa thơm xộc vào trong mũi Kim Mẫn Trí khiến cô không tự chủ được mà nắm lấy tay Phạm Ngọc Hân, kéo nàng tiến về phía một gánh bắp luộc. Bảng ghi "năm đồng một quả", nhưng hai trái bán cho Kim Mẫn Trí lại bị người ta tính đến hai mươi đồng. Khi bị Kim Mẫn Trí gặng hỏi, chủ gánh lại trả lời đó là vì người khác mua quả ngô, còn cô thì mua trái bắp.
Phạm Ngọc Hân đứng đó che miệng cười thích thú, cũng không có ngờ được một Kim Mẫn Trí phong thái tự tin mà cũng có lúc bị trêu đến cứng họng như thế. Cuối cùng Kim Mẫn Trí chỉ trả mười đồng cho hai trái bắp, đưa cho Phạm Ngọc Hân một trái.
Hôm ấy nắng đẹp, rải sắc vàng lên những hàng cây xà cừ xanh mát của phố Hoàng Diệu. Kim Mẫn Trí cùng Phạm Ngọc Hân đã đi đến cuối con đường, chọn một băng ghế gỗ rồi ngồi xuống bên bờ Hồ Tây, vừa gặm ngô vừa tán dóc, nội dung cuộc trò chuyện cứ lan man chẳng đâu vào đâu.
Ánh chiều rọi lên gương mặt ưu tú của Kim Mẫn Trí, khiến cho hình ảnh phản chiếu của cô trên mặt Hồ Tây lại càng thêm rực rỡ. Kim Mẫn Trí ngồi sát bên cạnh Phạm Ngọc Hân, bắp luộc trên tay không biết đã hết sạch từ bao giờ. Ánh mắt người đồng chí yêu nước bâng quơ nhìn về phía trước, tâm trí có lẽ đã sớm trở về với xấp hồ sơ lộn xộn đặt trên bàn làm việc rồi.
Tháng Ba năm 1946, hoa ban trắng xoá cả một góc trời Hà Nội. Cây cối vạn vật đâm chồi, một chút cảm tình của Phạm Ngọc Hân dành cho Kim Mẫn Trí cũng theo đó mà nảy lộc.
Nhiều năm sau, mỗi lần Phạm Ngọc Hân trở về Hà Nội vẫn luôn nhìn thấy dáng vẻ lo lắng chuyện chiến sự của Kim Mẫn Trí nơi đó. Phạm Ngọc Hân của năm mười tám tuổi nào có ngờ rằng, gương mặt phản chiếu dưới mặt nước Hồ Tây năm ấy, mai này sẽ trở thành chấp niệm duy nhất của cuộc đời nàng.