Ngày thánh thượng và hoàng thái tử hồi kinh, đám trên dưới cung Long Đức đều được một phen tất tả. Từ sáng sớm tinh mơ, các cung nhân đã phải ra vào quét tước, bày biện lại phòng ốc lẫn chuẩn bị cơm rượu. Ấy là vì cũng ngày hôm nay, hoàng thái tử rước về thêm một vị phu nhân nữa. Chuyện chàng phụng mệnh đến Đọi Sơn lo liệu lễ tịch điền rồi được thần nhân báo mộng để gặp gỡ giai nhân đã đồn về thành Thăng Long này. Người ta rủ rỉ nhau, bàn tán đủ điều khắp chốn quán xá, chợ búa nhưng cũng chỉ rôm rả dăm hôm lại lắng xuống. Cho đến lúc chàng hồi kinh, chẳng còn ai nhớ về cái cô thôn nữ ướm vừa hài ở xứ xa tít kia nữa. Dân chúng quên, quan lại trong triều cũng không để tâm, mà thánh thượng cũng như muốn làm ngơ. Thế nhưng, ở cung Long Đức này vẫn còn Thuần Đức nhớ đến. Từ trước đấy mấy ngày, nàng đã cho gọi người hầu kẻ hạ, dặn dò họ phải dọn dẹp Sùng Hoa đường thật cẩn thận, không được để cho phu nhân mới vào cung thấy tủi. Đám người hầu ngày thường đều hưởng ân đức của nàng cũng theo lệnh mà dốc lòng lo liệu. Cứ như thế, nhờ một tay Thuần Đức thu xếp, phu nhân Lương thị cũng được đón vào cung, dẫu không rình rang khua chiêng gõ trống nhưng đúng lễ nghi, chẳng khác mấy con gái trong dân gian về nhà chồng, duy chỉ khác một điều là Thận dẫn nàng về cung chứ không phải hoàng thái tử. Thuyền rồng vừa cập bến ngự, thánh thượng đã nhận được tin báo hai vạn quân Chân Lạp tiếp tục làm loạn, cướp phá bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Mục Huyền cũng phải theo vào điện Thiên An để nghị sự chuyện quân tình cùng thái úy Đoàn Thái Trác. Suốt hai ngày sau đấy, chàng không hồi cung mà nghỉ lại trong Long Phượng thành cùng thánh thượng. Mãi đến ngày thứ ba, sau khi nhập nội thái phó Dương Viêm dẫn quân lên đường dẹp loạn, thánh thượng mới giục chàng về thăm nom gia quyến.
"Bẩm điện hạ, cậu nhà con có mấy chữ dâng điện hạ ạ." Vừa ra khỏi cửa Tường Phù, đang lúc Mục Huyền toan lên kiệu, người làm mà chàng quen mặt ở phủ Đông Chính hầu rón rén đến trình thư. Huy Vũ nổi hứng đi câu ở hồ Lãng Bạc, muốn rủ chàng góp vui.
"Suốt ngày chỉ ăn chơi đàng điếm, nói với nó ta bận việc không đến được." Mục Huyền thảy lại thư cho kẻ kia rồi nghiêm giọng.
"Bẩm điện hạ, cậu nhà con còn dặn chuyến này đi có cả cậu Đỗ Tuấn nữa..." Kẻ hầu rành rọt đáp, tựa hồ là Huy Vũ đã đoán trước chàng sẽ từ chối nên căn dặn anh ta thưa bẩm ra sao.
"Đỗ Tuấn... Có phải là con giai thứ hai nhà quan thiếu úy không?" Mục Huyền hỏi dồn.
"Bẩm, là cậu ấy đấy ạ. Cậu ấy vừa từ châu Nghệ An ra đến hôm qua, nghe đâu dọc được gặp phỉ, chùng chình mãi mới về được..." Vẫn giữ giọng dè dặt của dân đen trước cửa quan, kẻ nói thêm. Nhưng không cần đợi anh ta dứt lời, Mục Huyền đã xua tay cho đám phu kiệu đứng đợi sẵn lui về, còn ra lệnh cho lính canh dắt đến một con ngựa. Chàng nhờ kẻ hầu kia chuyển lời cho Thận, báo rằng giờ Dậu mới hồi cung rồi leo lên lưng ngựa, đi về hướng hồ Lãng Bạc.
Trong thư Huy Vũ chỉ nhắc chuyện câu cá, nhưng kỳ thực chàng ta còn không vác theo cần. Khi Mục Huyền đến nơi, chỉ thấy có con thuyền câu be bé đợi sẵn, ông lão chèo thuyền đưa chàng lại gần thuyền to đang lướt nhẹ giữa hồ. Vừa nhác trông thấy bóng chàng, Huy Vũ hớn hở vẫy gọi loạn cả lên. Đoạn chàng với tay lấy hình rượu, rót sẵn ra chén chiết yêu. Ngồi bên cạnh Huy Vũ là một chàng thiếu niên độ hai lăm, hai sáu tuổi vận áo gấm, đang nhẩn nha thưởng rượu mơ. Cả hai chàng thanh niên đều kỉnh cẩn chắp tay hành lễ với Mục Huyền, rồi họ chừa cho chàng một chỗ trên con thuyền.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ
RomanceChớ tham ngồi mũi thuyền rồng Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta Chớ ham vóc lĩnh trìu hoa Lấy chồng làm lẽ người ta giày vò. - Lời chèo cổ, trích "Những làn điệu chèo cổ chọn lọc", NXB Văn hóa thông tin, 2007 - Một vài lưu ý gửi đến bạn đọc: ...