Đoàn người mới tới được đưa ngay đến ra mắt tù trưởng của El-Fayum. Cậu chăn cừu không dám tin ở mắt mình: ốc đảo không phải là một cái giếng với dăm ba cây chà là bao quanh - như cậu đã đọc trước kia trong một quyển sách sử - mà lớn hơn nhiều so với không ít làng ở Tây Ban Nha. Ốc đảo có ba trăm giếng nước và rất nhiều lều đủ màu sặc sỡ xen giữa năm vạn cây chà là.
“Cứ như trong truyện Nghìn lẻ một đêm,” chàng người Anh nhận xét. Anh ta nôn nóng muốn đi tìm nhà luyện kim đan ngay.
Chẳng mấy chốc họ bị một đám trẻ vây quanh; chúng tò mò nhìn đoàn người lạ và lũ vật. Còn cánh đàn ông hỏi họ có thấy đánh nhau gì chưa, trong khi các bà các cô tranh nhau mua vải vóc và đá quý do khách thương thồ đến. Sự yên ắng của sa mạc giờ đã như thể xa vời lắm, vì những người lữ hành nói không ngừng; họ cười, họ hò hét khác nào mới được từ thế giới bên kia trở về với thế giới loài người. Họ sung sướng và hết hẳn lo âu.
Ở sa mạc thì họ phải hết sức cảnh giác, chứ bây giờ - người phu lạc đà giải thích cho cậu biết - ốc đảo luôn luôn được coi là vùng đất trung lập, vì đa số dân ốc đảo là phụ nữ và trẻ em. Hai bên chiến tuyến đều có ốc đảo nên các bộ lạc chỉ đánh nhau ngoài sa mạc, dùng ốc đảo làm nơi tạm lánh.
Trưởng đoàn khá vất vả mới tụ tập mọi người trong đoàn lại được để phổ biến chỉ dẫn. Đoàn sẽ ở lại ốc đảo cho đến khi cuộc xung đột giữa các bộ lạc chấm dứt. Là khách, họ phải ở chung lều với người ốc đảo và sẽ được nhường chỗ tốt nhất. Lòng hiếu khách đòi hỏi phải như thế. Rồi ông yêu cầu mọi người, kể cả đội gác của ông, trao vũ khí cho những người được tù trưởng chỉ định.
“Đây là luật lệ khi có xung đột,” ông giải thích. “Ốc đảo không được chứa chấp đội quân nào, dù chỉ một chiến sĩ lẻ loi.”
Cậu ngạc nhiên khi chàng người Anh móc túi lấy ra một khẩu súng lục mạ kền, trao cho những người đi gom vũ khí.
“Anh cần súng lục để làm gì?” cậu hỏi.
“Có thể tôi mới dám đi chung với người lạ,” anh ta đáp và thấy sung sướng vì đã tới được đích mình tìm kiếm.
Còn cậu lại nghĩ về kho tàng. Giấc mơ của cậu càng sắp thành sự thật bao nhiêu thì mọi sự lại rối rắm bấy nhiêu. Hình như cái nguyên lý mà ông vua già gọi là "thánh nhân đãi kẻ khù khờ” không còn giá trị nữa. Trên đường đến với giấc mơ, lòng can đảm và sự kiên trì của cậu đã thường xuyên bị thử thách. Thành ra cậu không thể khinh suất hay sốt ruột được. Nếu cứ xông bừa tới trước thì cậu sẽ không nhìn thấy được dấu hiệu Chúa bảo dọc đường.
“Điềm Chúa báo dọc đường” cậu nghĩ rồi sửng sốt trước ý nghĩ của mình. Cho tới nay cậu vẫn cho điềm là cái gì đó rất tự nhiên, giống như ăn, ngủ, theo đuổi chút tình yêu hay tìm công ăn việc làm. Cậu chưa hề nghĩ rằng đó có thể lại là thứ ngôn ngữ Chúa dùng để bảo cậu phải làm gì.
“Đừng nôn nóng,” cậu lại tự nhắc nhở. “Hãy làm như người phu kia nói: lúc cần ăn thì ăn, lúc phải đi thì đi.”
Ngày đầu tiên ai cũng ngủ nhiều vì quá mệt, kể cả chàng người Anh. Cậu ngủ trong một lều khác, với năm chàng trai trạc tuổi cậu. Họ là những thanh niên sa mạc nên thích nghe chuyện các thành phố lớn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Nhà Giả Kim full
PertualanganNhà Giả Kim Tất cả những trải nghiệm trong chuyển phiêu du theo đuổi vận mệnh của mình đã giúp Santiago thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc, hòa hợp với vũ trụ và con người. Tiểu thuyết Nhà giả kim của Paulo Coelho như một câu chuyện cổ...