1. Anh người rơm - Chà

15 0 0
                                    

Cuối tháng 2, tôi xin được việc làm trong một tiệm lego.

Trước khi có việc làm, vào thời điểm đi tìm việc, tôi đã nghĩ nhiều lần rằng mình không thể sống ở cái đất Hà Nội này được, hoặc nghĩ rằng người vô dụng như tôi thì không thể xin nổi việc gì đàng hoàng.
Tất cả người xung quanh tôi đều khẳng định điều ấy, lý lẽ và niềm tin của họ mạnh tới mức chính tôi cũng dần dần tin tưởng theo. Tôi coi lần tìm việc này như một lần giãy dụa cuối cùng của mình. Sau đấy, tôi đành cam chịu là được.

Nghe lời khuyên của một người bạn, tôi mò tới Royal City tìm việc. Bạn tôi đúng. Ở đó người ta tuyển người rất nhiều, đi vài bước lại thấy một tấm bảng tuyển người treo trước cửa tiệm. Tôi loanh quanh trong đấy mấy ngày, đọc không dưới bảy chục cái bảng tuyển người như thế. Có cái, do đã đọc đi đọc lại nó nhiều quá, tôi thậm chí còn thuộc lòng cả số điện thoại kèm phía dưới.
Nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Lý do duy nhất là vì trong hai ngày lang thang ở Royal, tôi không dám mở miệng ra hỏi về công việc một lần nào.
Sáng sớm, tôi đi bộ từ phòng trọ cách xa hơn 3km tới Royal, tôi loanh quanh cả ngày, đọc kỹ từng cái từng cái bảng tuyển người trong đấy, sau đó, im lặng bỏ qua tất cả bọn chúng. Tôi về phòng trọ lúc tối mịt.
Trong đầu tôi nhồi đầy suy nghĩ rằng mình là một kẻ vô dụng. Đã rất lâu rồi, nếu không tính các câu chào hỏi đơn giản thì tôi không còn nói chuyện trực tiếp với người khác nữa. Lần cuối cùng là cách đấy mấy tháng, khi mẹ tôi và bà hàng xóm bảo, loại ăn hại lại lầm lì như tôi, đi ra đường có chó nó thuê.
Trước đó, trước đó nữa, tất cả những người xung quanh biết tôi đều thống nhất một nhận thức chung như thế: tôi là loại lầm lì vô dụng.

Đúng là tôi ăn hại thật, tôi không có kinh nghiệm làm bất cứ thứ gì, kể cả phục vụ bàn. Tôi rất lầm lì, cái này cũng đúng. Khi còn ở nhà, có những ngày từ sáng đến tối tôi không hề nói một lời nào cả. Và dường như chả ai thèm thuê người như tôi cũng là một sự thật. Tất cả các bảng tuyển dụng ở đây, dù là tìm thu ngân, phục vụ, bán hàng, hay bảo vệ, đều luôn có một yêu cầu thống nhất: nhanh nhẹn.
Thế là tôi lầm lũi lang thang hai ngày trong ấy, đứng lại đọc kỹ trước mỗi một bảng tuyển dụng mà tôi nhìn thấy đến mức thuộc lòng cả chúng nó, rồi sau đó thì lần lượt bỏ qua tất cả. Sự tự tin không nhiều bao nhiêu đã rơi rụng gần hết mất.

Tôi nghĩ tôi sẽ thất bại trở về khi mà thậm chí còn chưa mở miệng ra hỏi việc một lần nào.

Đấy là cuối buổi chiều của ngày lang thang thứ ba, khoảng 5h. Mấy người quản lý của các cửa hàng có lẽ sẽ về hết trước 6h.
Tôi cũng muốn về.
Sau đấy, như hai hôm trước, tôi sẽ lại im lặng tháo giày, ngâm hai chân phồng rộp và đau nhức trong nước lạnh một lúc, rồi lên giường và tự sỉ vả mình là đồ vô dụng. Ngày hôm sau, tôi sẽ lại thức dậy từ sáng sớm và lang thang vô ích thêm một ngày nữa. Cũng có thể là thêm nhiều ngày nữa.

Tôi ngồi xuống ghế, im lặng nhìn xuống đôi giày giá rẻ của mình. Đôi giày mới mua, gần trăm nghìn, tôi mua để chuẩn bị cho chuyến đi xin việc lần này - như một nghi lễ tự cổ vũ. Giống như ngày bé khi đi thi, tôi thường mua bút và tẩy mới để dùng trong kỳ thi vậy.
Đi hơn hai ngày, quãng đường cộng lại có lẽ đã ngót nghét năm chục km, hoặc hơn, tôi không tính nên không rõ. Đôi giày thì đã có dấu hiệu nứt ra - nó không còn giữ được dáng vẻ cứng cáp lúc mới mua nữa, ở hai bên thân giày do đi quá nhiều đã nát tươm.
Nó không chịu thêm được vài ngày xin việc như thế nữa. Tôi cũng không hơn gì.

Những mẩu chuyện cóp nhặt Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ