Nhân sinh như một bình thiền trà
Hoa nở gặp Phật. Phật ở nơi nao? Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một ngọn cỏ xanh non là Phật, giữa đêm tuyết im lìm không một tiếng động, một chậu than hồng là Phật; giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật; giữa sắc màu đan xen rối rắm, đơn sơ là Phật; giữa tháng ngày loạn lạc huyên náo, bình an là Phật. Gặp Phật khi nào? Trong năm tháng đợi chờ hoa nở, giữa phù hoa giữ sự đơn thuần, trong phồn tạp tĩnh tâm dưỡng tính, sẽ có thể gặp Phật.
Nhân sinh như một bình thiền trà
Sau này mới biết, trong lòng chúng sinh, trà có mùi vị khác nhau. Thứ trà mới dùng nước tinh khiết đun sôi trong bình đó, quẩn quanh giữa răng và môi của trà khách, uống xong, có người cảm thấy đắng như sinh mệnh, cũng có người thấy nhạt như gió lành.Trà có đậm có nhạt, có nóng có lạnh, có buồn cũng có vui. Dùng một trái tim trần tục để thưởng trà, khó tránh khỏi chỉ chăm chăm vào sắc, hương, vị, mà thiếu đi một phần thanh đạm và chất phác. Trà có ngàn vạn vị, thậm chí hoà lẫn với thế sự và cảm tình. Dùng một trái tim siêu thoát để thưởng trà, thì có thể ung dung tận hưởng sự tĩnh lặng tuyệt mỹ của mây bay ngang trời, của nước biếc không gợn sóng.
Trà, bắt nguồn từ tự nhiên, trải tinh hoa năm tháng, tắm thử thách xuân thu, từ đó mà có linh tính như phách hồn non nước. Trà có thể dùng để gột bỏ bụi trần, gạn lọc tâm tình, kết nối thiện duyên. Cho nên, người biết cách thưởng trà, cũng là một người tình nguyện để bản thân sống một cách giản đơn và thuần khiết. Hãy tin rằng, thiền là một cảnh ý, có những người dùng cả đời cũng không thể rũ bỏ chấp niệm, ngộ được bồ đề. Mà có những người chỉ dùng thời khắc của một chén trà, cũng có thể bước ra từ vạn điều hỗn tạp, trở nên tinh khiết như hoa sen.
Đời người có bảy nỗi khổ [1], chúng sinh lưu lạc trong nhân gian, nếm hết mọi đắng cay, đổi lấy vị ngọt ngào. Phồn hoa ba ngàn, nhưng cuối cùng đậu lại trần ai, giống như màn đêm trút bỏ lớp trang sức của ban ngày, trầm tĩnh mà yên ắng. Thời gian trôi qua như một cái búng tay, năm nào còn quan tâm được mất, tính toán bại thành, giờ đều đã thành khói mây qua mắt. Bất cứ khi nào, bờ bên kia đều chỉ cách một bước chân, lạc lối biết quay lại, trời sẽ quang đất lại rộng dưới chân mình.
"Tâm kinh [2]" viết: "Vô quải ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Nhất thiết tuỳ duyên, nhất sinh tuỳ duyên, phương đắc tự tại." (Tâm không uế chướng, nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm. Tất cả tuỳ duyên, một đời tuỳ duyên, mới được tự tại) Một người ngoan cố níu giữ cả đời không buông, không thích hợp tu hành. Một người si mê nhân quả, cũng không thích hợp tu hành. Trà có Phật tính, giống như mây in bóng nước, vài chén trôi xuống ruột, đầu óc liền thảnh thơi. Cho nên người ta tu hành thường thích cả ngày chìm đắm trong trà, vứt bỏ tạp niệm, chứng ngộ tâm bồ đề.
Trời đất mênh mông, chúng ta như cọng cỏ. Không khiến bản thân kinh động thế giới, cũng không để thế giới kinh động bản thân. Khi con người chào đời, vốn chẳng có hành lý, cứ đi thêm một đoạn đường, lại mang thêm một tay nải. Mà chúng ta gói ghém thế tục thế nào, để có thể chuyển thành hành lý Thiền? Chỉ có dùng một trái tim thanh tịnh, nhìn ngàn vạn thế thái nhân tình, mới có thể xoá bỏ định kiến, vui vẻ an nhiên.
BẠN ĐANG ĐỌC
Năm tháng tĩnh lặng kiếp này bình yên - Bạch Lạc Mai
Poetry" Phật ở nơi nao? Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một ngọn cỏ xanh non là Phật, giữa đêm tuyết im lìm không một tiếng động, một chậu than hồng là Phật; giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật; giữa sắc màu đan xen r...