1. Hoàng tử đương triều

43 8 0
                                    

    Đêm tối, đất trời một màu ảm đạm. Ở góc trời phía Nam, dường như có ẩn hiện những vầng sáng trắng. Nam hải nổi những ngọn sóng đánh tan những khối đá già, đánh đổ cả những cổ thụ xơ xác. Biển đang giận dữ mà thét gào. Mỗi con Cốt Long chia tách lách qua từng cơn sóng để đến vị trí của mình, hợp vào lại với khối đá ẩn dưới đại dương.  Trận pháp hoàn thành, Hạ Huyền đứng ở sảnh lớn, niệm chú quyết, U Minh thủy phủ mới yên bình giữa hàng dặm gió gào.

Những con quỷ nước ngoi khỏi biển, chúng đều cảm nhận được sự dị thường của trời đất. Là nhân gian phải đón một trận tai họa, hay một hạt cát nhỏ bé nào bị trời phạt, bắt buộc tồn tại trong kiếp người khổ cực ở chốn đất trời xa xăm.

    Đây là sự trừng phạt đầu tiên, cũng là sự mở đầu cho tương lai xán lạn ở những kiếp đời sau. Hạ Huyền nhìn khói lan ra từ bốn bát hương trước mặt, trong lòng cũng mang chút ý vị sâu xa.

...

  Viễn Quốc, Thuận Hòa đế năm thứ ba, bát hoàng tử ra đời, lấy tên Sư Thanh Huyền, là đệ đệ cùng sinh mẫu với tam hoàng tử Sư Thanh Luân. Tuy cùng bước chân vào một nhà, nhưng lại đối lập với ca ca của y. Sư Thanh Luân sinh ra là đứa trẻ khỏe mạnh, tiếng khóc vang cả vương phủ. Sư Thanh Huyền ốm yếu, lúc lọt lòng thấy ánh sáng nửa ngày trời chưa khóc thành tiếng. Ngày ấy, khí tượng không tốt, điềm báo không lành. Vốn nghĩ y sống không được bao lâu, nhưng nhờ sinh mẫu được sủng ái, thuốc bổ vẫn đun đều đều mà dâng lên, lại thực sự kéo dài được mạng của Sư Thanh Huyền ngót nghét đã mười sáu năm. 

   Thuận Hòa Đế đăng cơ mười chín năm có đến mười bốn vị hoàng tử, mười một vị công chúa, nhưng tranh đấu tiền triều, hậu cung, thời điểm hiện tại số lượng còn lại đều đếm trên đầu ngón tay. Trong số sống sót ấy, một nhân tố không ngờ đến là Sư Thanh Huyền vẫn ung dung trong vương phủ của y làm con ma bệnh sống nhàn nhã qua những cuộc mưa máu ngầm rơi suốt hàng chục năm trời. 

   Sở dĩ Sư Thanh Huyền cốt là hoàng tử mà vẫn bình yên một phần là nhờ mẫu phi cùng ca ca che chở hết mình, còn phần khác là y quá yếu, tính tình ôn hòa, không phân tranh với đời mà cũng không đủ khả năng tham gia cuộc đua vương quyền. Được nuôi dưỡng thận trọng đến tuổi thiếu niên y mới ra ngoài dạo chơi nửa ngày mà không lăn đùng ra đất. Với tiến độ chậm như thế, các vị hoàng tử khác cũng chưa để Sư Thanh Huyền vào mối nguy cần diệt trừ ngay, y cứ như vậy mà muốn học gì học nấy, làm thơ, viết văn, vẽ tranh, học đạo,... chỉ cần trong giới hạn thì đều được thông qua.

   Dường như một thiếu niên như Sư Thanh Huyền ngày ngày bầu bạn cùng thuốc men hiểu rằng, y không thể và không nên là vật ngáng chân huynh trưởng đến hoàng vị, cũng không được trở thành gánh nặng cho người y thương yêu. Vậy nên, bề mặt Sư Thanh Huyền là mọt sách suốt ngày chỉ biết hi hi ha ha, lui về trong tối lại là cái ấm thuốc cứ vơi lại đầy hăng say học nghệ. 

...

  Mùa đông Thuận Hòa đế năm hai mươi, một ngày trời tuyết dày, Sư Thanh Huyền sau khi thỏa hiệp với mẫu phi về chuyện ra ngoài thành chơi phải mang theo năm người cận vệ và hai bình thuốc để uống sau ăn đang hí hửng ngồi trong xe ngựa. Vốn nghe nói ngoài hoàng cung ra thì cái gì cũng thú vị, quanh năm suốt tháng đều có trò hay. Sư Thanh Huyền từ nhỏ đến lớn không ở trong cung của mẫu phi thì lại qua đến vương phủ ca ca, sau ở trong phủ đệ của bản thân đến chán ngấy. Đây là lần đầu y ra ngoài, tâm trạng không khỏi có phần khẩn trương. Sách Thánh hiền trong phủ vốn đã đọc thuộc hàng chục lần, những vở kịch trong cung mùa nào cũng có mới mẻ, nhưng những câu chuyện về thú vui dân gian mà các quan lại nói với nhau lại thực hấp dẫn. Con người luôn hướng đến những thứ mới mẻ, tìm kiếm, chinh phục và thưởng thức. Sư Thanh Huyền vẫn luôn muốn trải nghiệm ít nhất một lần. 

Song Huyền - Năm Lần Đón GióNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ