Phân tích bài “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu
Bài làm
Trên đất nước Việt Nam, dòng sông Bạch Đằng lịch sử là nơi tụ hội sức mạnh và chiến công dân tộc, chảy nối các thế hệ, thời đại, trở thành biểu tượng tinh túy của non sông: “Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Chế Lan Viên).
Trong lịch sử văn học Việt Nam cũng có một dòng thơ Bạch Đằng một dòng thơ mà không ít thi nhân từng “quá giang” và qua thử thách giữa “luồng to sóng cả”, con thuyền thơ của họ được tôn vinh. Đó là Trần Minh Tông với Bạch Đằng giang, Trương Hán Siêu với Bạch Đằng giang phú, Nguyễn Sưởng với Bạch Đằng giang, Nguyễn Trãi với Bạch Đằng hải khẩu, Nguyễn Mộng Tuân với Hậu Bạch Đằng giang phú...
Bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là một chiến tích thơ ca trên dòng thơ Bạch Đằng.
Bài Phú có hai nhân vật trữ tình. Nhân vật khách là sự phân thân của chính tác giả và nhân vật tập thể các bô lão địa phương. Nhân vật tập thể này, có thể là thật, là những người dân địa phương ven sông Bạch Đằng mà tác giả gặp trên đường vãn cảnh. Cũng có thể nhân vật bô lão là nhân vật có tính chất hư cấu, là tâm tư tình cảm của chính tác giả hiện thành nhân vật trữ tình. Do vậy, dưới hình thức đối thoại giữa khách và bô lão địa phương, bài Phú đã thể hiện những cảm xúc, suy tư của tác giả về đất nước, dân tộc, về đạo lí nhân nghĩa từ một dòng sông lịch sử.
Mở đầu bài Phú, nổi bật lên là hình tượng khách. Trong cuộc dạo chơi ngắm phong cảnh, nhân vật khách xuất hiện với cảm hứng bi tráng, hào hùng, với tư thế ung dung, phóng khoáng, tự hào. Đó là cảm hứng của con người có “tráng chí bốn phương”, dạo chơi phong cảnh không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức. Đó là tư thế của con người với tâm hồn khoáng đạt, với hoài bão lớn lao:
“Nơi có người đi
Đâu mà chẳng biết
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”.
Cái tráng chí bốn phương của khách - cũng là của tác giả được gợi lên qua những địa danh. Có hai loại địa danh mà khách đã đi qua và dừng lại. Loại địa danh thứ nhất lấy trong điển cố Trung Quốc. Đây là loại địa danh tác giả “đi qua” chủ yếu bằng sách vở, bằng trí tưởng tượng như “sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”. Những hình ảnh không gian to rộng: biển lớn (lướt bể chơi trăng), sông hồ (Cửu Giang, Ngũ Hồ), những vùng đất nổi tiếng (Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng) đã thể hiện tráng chí bốn phương của khách. Loại địa danh thứ hai là những địa danh của đất Việt, với không gian cụ thể: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng. Đây là những hình ảnh thật có tính chất đương đại, đang hiện ra trước mắt và được tác giả trực tiếp mô tả. Chính vì vậy, cảnh sắc thiên nhiên nơi tác giả dừng lại là cảnh thực, cụ thể. Cảnh hiện lên thật hùng vĩ, hoành tráng (“Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu”) song cũng ảm đạm, hiu hắt (“Bến lách đìu hiu, Sông chìm giáo gãy, Gò đầy xương khô”). Trước cảnh tượng đó, với một tâm hồn phong phú, nhạy cảm, tác giả vừa vui, tự hào vừa buồn đau, nuối tiếc. Vui trước cảnh sông nước hùng vĩ, thơ mộng (“Nước trời: một sắc - Phong cảnh: ba thu”), tự hào trước dòng sông từng ghi bao chiến tích. Buồn đau, nuối tiếc vì chiến trường xưa một thời oanh liệt nay trơ trọi, hoang vu, dòng thời gian đang làm mờ bao dấu vết.