3/7/2023
ĐỀ: BÀN VỀ THƠ CA CÓ Ý KIẾN CHO RẰNG: "THƠ CA BẮT RỄ TỪ LÒNG NGƯỜI, NỞ HOA NƠI TỪ NGỮ". QUA CÁC TÁC PHẨM NGỮ VĂN 12 HÃY CHỨNG MINH NHẬN ĐỊNH TRÊN.
Nhà phê bình người Nga Bêlinxkin viết: "Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó". Thơ ca cũng vậy. Như cây không thể thiếu gốc, thơ sẽ chết nếu nó chỉ là xác chữ vô hồn vì bản chất của thơ bao giờ cũng là tiếng nói tình cảm con người, sự giãi bày và gửi gắm tâm tư. Bàn về giá trị ấy của thơ, nhà phê bình Viên Mai cho rằng "Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ".
Kẻ say tìm đến rượu vì nhớ hơi men, tuổi trẻ tìm đến tình vì muốn được yêu, chàng thi sĩ tìm đến thơ có phải vì trong lòng đang chất chưa điều khó nói. Thơ là khúc hát của cảm xúc cất lên từ sâu thẳm người nghệ sĩ. Đến với thơ là đến với bầu trời cảm xúc, nơi con người ta giãi bày những vui buồn, hạnh phúc, nơi con người ta được sống thật với cảm xúc của chính mình và là nơi tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn. Như Raxun Gamzatov- nhà thơ Nga vĩ đại từng nói: "Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người. Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay". Nếu ví thơ là cây xanh, thì nó "bắt rễ từ lòng người". Thơ lấy những tình cảm, rung động của người nghệ sĩ để phát triển rồi cuối cùng là "nở hoa". Đó là sự thăng hoa của nghệ thuật, sự hòa quyện giữa cái "tình" và cái "tài" trong thơ ca kết tinh thành những vần thơ tinh túy nhất. Tóm lại, qua nhận định của Viên Mai, ông đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của tình cảm trong quá trình sáng tác nghệ thuật.
Nhận định của Viên Mai có giá trị rất lớn trong góc nhìn thơ ca. Thơ là tiếng nói nghệ thuật, là tiếng lòng của người viết. Vậy nên thơ là phương thức biểu hiện trữ tình, thi sĩ lấy những rung động và cảm xúc của con người làm điểm tựa để sáng tạo nghê thuật, và chính những tình cảm chân thành đã làm nên những tư tưởng, giá trị sâu sắc của thời đại.
Thơ là phương thức biểu hiện trữu tình. Từ lâu, con người là nguồn cảm hững bất tận, là trung tâm của thơ mà người nghệ sĩ hướng đến. Thơ đi sâu vào lòng người, cảm nhận những ẩn khuất, thắp sáng lên những hi vọng và ước mơ, an ủi những mất mát, đau thương của kiếp sống con người. Sẽ "chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép" (Chế Lan Viên), sẽ chẳng có thơ đâu nếu người làm thơ không tìm thấy sợi dây giao cảm giữa mình với đời để tâm hồn nảy nở, ươm trồng. Con người tìm đến thơ để được đắm chìm mình trong cảm xúc, để tâm hồn được thanh thản, vỗ về, để tìm được chính mình trong từng áng văn chương.
Trong quá trình sáng tác nghệ thuật, rung động và cảm xúc là điểm tựa. Thơ ca là một khía cạnh của nghệ thuật, vậy nên sáng tác thơ không phải chuyện của ngày một ngày hai. Họa sĩ muốn vẽ một bức tranh hoàn hảo, không phải cứ cầm bút lên là vẽ được, có khi hàng tháng trời vẽ mãi cũng chẳng vẽ được. Nhưng chỉ cần một chút rung động nhỏ cũng thổi bùng lên cảm hứng sáng tạo. Thơ ca cũng vậy, vì bản chất của thơ ca là trữ tình, thơ dựa vào cảm xúc, tình cảm để viết lên những áng thơ hay, chạm đến trái tim độc giả. Nhưng tình cảm trong thơ không phải thứ tình ơ thờ, đột phát, cũng không phải thứ tình cảm khiến con người ta mụ mị, quên đi thực tại mà đó là thứ tình cảm mãnh liệt. Được sinh ra từ những con người từng trải, đã đi qua không biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, để rồi qua những chiêm nghiệm cuộc đời họ phát hiện ra tình cảm ấy, nâng niu và ngợi ca nó trong tác phẩm của mình. Chính nỗi nhỡ da diết, cùng tình cảm quân dân thắm thiết đã thôi thúc Tố Hữu viết lên bài thơ Việt Bắc. Lấy cảm hứng từ sự kiện có thật, cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn giữa đồng bào miền núi với cán bộ kháng chiến đã là nguồn cảm hứng to lớn để nhà thơ viết những trang thơ thấm đậm nỗi nhớ khiến bao thế hệ phải xúc động trước tình cảm của nhà thơ. Hay trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi; sự vui sướng, xúc động khi kháng chiến thắng là điểm tựa để thi sĩ viết lên những dòng thơ hào hùng:
"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước của chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"
Bắt rễ từ những tình cảm chân thành làm nên giá trị, tư tưởng của thời đại. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính không chỉ để lại cho độc giả ấn tượng về tài năng mà phải là những giá trị, tư tưởng nhân văn sâu sắc. Chính những tình cảm, rung động về một kỉ niệm đã qua cùng với những chiêm nghiệm khi đã bước qua những thăng trầm cuộc đời đã làm nên những tư tưởng, giá trị lớn trong thơ của họ. Đến với Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, ông đã viết:
"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa linh hồn"
Hai câu thơ trên vừa thể hiện tình cảm của nhà thơ nhưng cũng thể một tư tưởng sâu sắc rằng hãy trân trọng, yêu thương những gì mình đang có để sau này mất đi không phải hối tiếc.
Thi phẩm Sóng của nữa sĩ Xuân Quỳnh là một khúc hát tình yêu. Đến với Sóng là đến với nội tâm của người con gái khi yêu. Là những cảm xúc, trăn trở, nỗi lòng không thể nói với ai. "Em" ẩn mình vào trong sóng để giãi bày những tâm tư, tình cảm khiến bao thế hệ không khỏi xúc động. Dựa vào những cảm xúc, tâm tư của người con gái khi yêu cùng với những trải nghiệm trong tình yêu của mình, Xuân Quỳnh viết lên Sóng để thổ lộ tâm tư, tình cảm cũng như là những tư tưởng, chia sẻ sâu sắc đến với độc giả. Nếu Sóng là khúc hát du dương của tình yêu thì Tây Tiến của Quang Dũng lại là khúc ca hào hùng của những người lình trên đường hành quân. Những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt ùa về khi Quang Dũng nghĩ về kỉ niệm xưa ở binh đoàn Tây Tiến. Cảnh rừng núi hùng vĩ, những đêm hội ở các bản làng và cả những khó khăn, mất mát trên đường hành quân đều được Quang Dung đưa vào trang thơ của mình. Chính những cảm xúc chân thành, những áng thơ được viết tài tình đã giúp Tây Tiến chiếm trọn trái tim độc giả. Để rồi trước bước đi mạnh mẽ của thời gian Tây Tiến vẫn sống mãi với những giá trị của tác phẩm. Chỉ bắt nguồn từ tình cảm, cảm xúc đơn thuần nhưng với tâm hồn nhạy cảm, người nghệ sĩ lấy đó làm cảm hứng để viết lên những thi phẩm của thời đại.
Vậy sẽ ra sao nếu nghệ thuật không bắt rế từ lòng người? Lúc đó nghệ thuật sẽ chỉ là công cụ để con người ta thỏa mãn cái ham muốn ích kỉ, chỉ là phương thức để giúp con người thành công, nhận được sự tôn sùng. Sẽ chẳng con ai đồng cảm với những đau khổ vui buồn của một kiếp người, sẽ chẳng còn những áng thơ người ta tìm thấy mình trong đó, những vẻ đẹp cuộc sống, những giá trị nhân văn sẽ chẳng bao giờ được tìm ra. Lúc đấy nghệ thuật sẽ chết, thơ ca cũng chỉ là xác chữ vô hồn. Cuộc sống thiếu đi thơ ca sẽ thật tẻ nhạt, con người sống với nhau chỉ là sự ờ thơ, lạnh lùng. Nếu vậy thì con người ta có thể chấp nhận mà sống tiếp không? Tôi tin bạn có câu trả lời. Vậy tình cảm, cảm xúc trong thơ ca hay nghệ thuật đều rất cần thiết với một tác phẩm, người đọc chúng ta nên trân trọng chúng như trân trọng nhà thơ vậy.
Phần cuồi mình chưa viết kết bài rất mong mọi người bỏ chút thời gian để viết một kết bài cho bài làm hoàn thiện hơn. Mình cảm ơn những người thợ làm vườn rất nhiều.
BẠN ĐANG ĐỌC
Mảnh Vườn Thơ Ca- Nơi Giao Lưu Văn Học
RomanceĐối với cuộc sống này văn học như một mảnh đất màu mỡ. Và chúng ta là những người thợ làm vườn, mỗi người thợ sẽ có cá tính riêng, phong cách sáng tạo riêng nhưng tất cả đều mong muốn làm cho mảnh vườn này trờ nên xinh đẹp và hoàn hảo nhất. Tớ tạo...