NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI

93 2 0
                                    

NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI

Trường Tương Tư là một thế giới đầy khổ ải của những đứa trẻ.

Những đứa con bị bỏ rơi, những đứa con là nạn nhân của gia đình.

Tương Liễu đại diện cho những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị vứt bỏ, không rõ lý do, không đủ may mắn có ai đó nhặt được, vô danh, không nhà, không thân thích, không được thương xót, thậm chí còn vô cùng xui xẻo. Lớn lên ngô nghê trong đòn roi không biết biểu đạt tình thương. Quá khứ được rèn luyện trong đau khổ khiến sức chịu đựng mãnh liệt hơn vô số người. Đừng hỏi vì sao Tương Liễu có thể hy sinh nhiều đến vậy, vì tất cả những điều này đều được sinh ra từ đau khổ. Bắt đầu từ không có gì chưa hẳn đã là bất hạnh. Kết thúc có được tất cả chưa chắc đã là hạnh phúc, mất đi tất cả cũng chưa chắc đã là không có gì.

Đây là nhân vật duy nhất xuất điểm từ "không có gì". Cho nên mỗi khi nhận được một món quà đều rất trân trọng. Chỉ những người đã rơi vào tận cùng của đau khổ mới hiểu được cảm giác của sự hồi sinh. Mới tận lực thấu hiểu ý nghĩa của yêu thương là không giữ lại. Bởi chưa từng giữ lại gì cho riêng mình nên chưa bao giờ mất đi.

Phòng Phong Bội đại diện cho những đứa trẻ con vợ lẽ không được yêu thương. Từ tài năng thui chột thành kẻ ăn chơi sa đoạ, cuối cùng không về nơi đâu, không người nương tựa. May mắn của Phòng Phong Bội là có được tình thương đích thực của người mẹ. Cho dù mọi thứ đã mất thì nhờ chính tình thương này mà lương tri vẫn giữ. Lương tri này là nhân quả tốt đẹp nhất của Phòng Phong Bội, khiến hai kẻ khát cầu ấm áp ở nơi lạnh giá nhất, trao đổi "mãn nguyện" cho nhau. Anh chăm sóc cho mẹ tôi, tôi thanh thản ra đi. Tôi chăm sóc cho mẹ anh, tôi an ủi cõi lòng.

Tiểu Yêu đại diện cho những đứa trẻ sinh ra trong một cuộc tình ái không được xã hội công nhận, không có hôn ước chính quy, có mẹ không cha, dù từng được yêu thương nhưng cuối cùng vì vô vàn lý do "quan trọng hơn" bị gác lại sau lưng, cuối cùng thành trẻ mồ côi không nhà không cửa. Hạnh phúc từng có rồi lại mất, đến lúc có lại được lại tự ti không dám đưa tay ra nhận, hèn nhược không dám mong cầu yêu thương, gồng mình trong mọi mối quan hệ. Cuộc đời đứa trẻ này giống như một tâm khiên luôn "gắng gượng & chống đỡ", cuối cùng là "buông xuôi & thoả hiệp". Tự dựng lên một lớp vỏ bọc với danh nghĩa là "an toàn" mà bên trong là gông cùm. Những đứa trẻ có được rồi lại mất này luôn khát cầu yêu thương nhưng lại sợ hãi khi được yêu thương.

Đồ Sơn Cảnh & Đồ Sơn Hầu là nạn nhân đại diện cho những đứa con bị phân biệt đối xử, con anh và con tôi. Đồ Sơn Cảnh luôn nhận được những lời khen ngợi không có chỉ trích từ mẹ và những người thân. Ngược lại Đồ Sơn Hầu sống trong phỉ báng và thống khổ do người mẹ gây ra. Cái đau khổ nhất đối với Đồ Sơn Hầu là, những người xung quanh thấy mẹ y làm như vậy, cũng làm theo. Hậu quả là hai đứa trẻ này lớn lên với suy nghĩ méo mó trong định nghĩa "Tình yêu thương". 

Đồ Sơn Cảnh coi chiều chuộng là yêu thương. Ngày bé được chăm sóc ra sao liền cho đó là chuẩn mực, mang ra áp dụng với Tiểu Yêu. Đồ Sơn Cảnh thậm chí còn tự tin quan niệm rằng, mọi thứ trên đời này đều không tránh khỏi hai chữ "lợi ích", tất cả đều có thể mang ra giao dịch. Đây là hậu quả của việc sinh ra trong một gia đình lấy vật chất làm chủ đạo. Dẫn đến hẹn ước 15 năm không khác gì một vụ mua bán hợp đồng. Dẫn đến mọi món quà tặng người yêu đầy màu sắc tính toán nhắc nhở. Mọi giao dịch đều dùng tiền bạc, vật chất để che lấp đi tình cảm, 37 năm quân lương che đi 37 năm nghĩa tình cùng sinh mạng. Đến hôn lễ cũng dùng ánh trăng này che đi ánh trăng khác. Cuối cũng chiến thắng trong một cuộc tranh giành vốn chưa từng có đối thủ. Bởi "tình yêu" đầy màu sắc tính toán không đến từ sự chân thành này, cuối cùng nhận lại cũng là một trái tim không hoàn hảo. Đây cũng là nhân quả.

Đồ Sơn Hầu trở thành kẻ phá hoại không còn tin tưởng vào tình yêu, tình thân. Coi phụ nữ là món đồ trang sức trang điểm cho cuộc đời mình. Từ hận người mẹ cuối cùng trả thù lên những người phụ nữ khác. Không nắm bắt được tình yêu mà y vốn khát khao luôn ở sẵn ngay bên cạnh mình. Tưởng không có mà luôn có, nên có thành không có.

A Niệm đại diện cho những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình cha mẹ không có tình yêu. Trở thành một cô gái bướng bỉnh và oán giận luôn cầu được chăm sóc, phần thiếu hụt của người mẹ cô ấy đóng vai người đòi hỏi. Sự chiều chuộng quá mức của cha và anh trai khiến đứa trẻ này hành sự không biết suy nghĩ, không biết đúng sai, không có khả năng tự lập, hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Tác giả xây dựng cho A Niệm một quá trình trưởng thành mang đầy màu sắc tích cực. Nhưng phần "nữ quyền" lại tuyệt nhiên không thấy, cuối cũng vẫn "biết đủ" mà chấp nhận trở thành một trong những người vợ của một người đàn ông không rõ là người thân hay người tình. Cả đời nhẫn nhịn chia sẻ người chồng của mình. 

Đọc Trường Tương Tư thật sự cười vào hai chữ "nữ quyền" sáo rỗng của Đồng Hoa. Ngoài việc được đàn ông vây quanh tùy lúc, vứt bỏ tùy thời, lợi dụng tùy nơi, thì hầu hết đều là công cụ cho đàn ông thực hiện lợi ích cá nhân với danh nghĩa là yêu thương người phụ nữ của họ. Nhân vật Tương Liễu là màu sắc tươi sáng duy nhất, là món quà có tính tích cực nhất được Đồng Hoa dâng tặng cho người phụ nữ. Nhưng Tương Liễu lại luôn được miêu tả không chân thực. Tuy tất cả những gì Tương Liễu làm đều đẩy người phụ nữ tiến lên sống cho chính mình, bằng sức mạnh của chính họ, không cần phải dựa vào đàn ông. Cho dù không có y cũng không sao cả, người phụ nữ vẫn sẽ phải sống tiếp. Nhưng Đồng Hoa cũng chỉ cho nhân vật này dẫn dắt trong một đoạn đường đời ngắn ngủi cùng một kết thúc bỏ ngỏ "không thể bảo vệ tiếp". Chung quy dù ai đến bên cuộc đời bạn đi nữa, có giúp được bạn nhiều đến đâu đi nữa, họ cũng chỉ có vai trò phụ giúp và trợ lực. Bước được đến đâu vẫn phải dựa vào chính bản thân. Người đàn ông tốt nhất của Đồng Hoa cũng chỉ ôm đến một món quà ngắn hạn, hơn nữa còn rất mơ hồ không dễ nhận ra. Cũng như cuộc đời bạn ấy, nhiều khi ánh sáng ở ngay bên cạnh mà đâu biết, cánh cửa mở sẵn mà đâu hay.

Phòng Phong Ý Ánh, Hinh Duyệt, Phong Long, Chuyên Húc, đại diện cho những đứa con có xuất phát điểm cao và được người thân đặt nhiều kỳ vọng. Cuối cùng hầu hết đều chọn sống cho gia tộc, sống cho người thân, đánh đổi tất cả mà quên sống cho chính mình. Những thân nhân đã mất hoặc đã thành công đi trước họ, trở thành chuẩn mực và mục đích buộc họ phải bước lên để lấp vào chỗ trống. Dù người thân trước đó chết hay sống, đều trở thành di sản mà họ phải bảo tồn và phát triển. Chung quy đêù là công cụ phát triển của dòng họ.

Cửu

#Trường_Tương_Tư

#Tương_Liễu

#长相思相柳

http://wattpad.com/user/cuu999999999

http://truongtuongtu9menhtuonglieu.wordpress.com

http://facebook.com/truongtuongtucuumenhtuonglieu









Trường Tương Tư - Đồng hoa ( Phân Tích, Cảm Nhận, Fic )Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ