Chân nghĩa của đọc Nếu bạn nói thú đọc sách là thú quý hơn cả kho tàng của vua Salomon mà không ai cướp đoạt được thì tôi đồng ý nhưng không thỏa mãn bằng khi bạn nói đọc ngoài mục đích tìm lạc thú tinh thần, còn mục đích tìm lạc thú tinh thần, còn mục đích chính là phát triển tinh thần. Đọc hiểu như vậy đồng nghĩa với tự học. Trong nhiều tác phẩm trước, tôi có nói qua về vấn đề này. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh điểm tự học bằng sách báo bổ khuyết vốn học nhà trường và đáp ứng nhu cầu muôn mặt của ta trong cuộc sống phức tạp. Hình như phải nói tuyệt đối không ai có vốn kiến thức vững chắc mà không nhờ tự học và không ai tự học mà không nhờ đọc sách báo. Thông minh như Khổng Tử mà còn thú nhận: "Thường tôi cả ngày đêm không ăn ngủ để suy nghĩ, vô ích, không bằng học: Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm dĩ tư, vô ích, bất như học dã". Tiếng học của Khổng Tử đây có nghĩa là đọc cái di sản của cổ nhân tuy hình hài đã tan ra mà vẫn bất diệt trong sách báo, vẫn sáng suốt, lễ độ bàn chuyện với ta qua chữ nghĩa.
Nếu nhận con người sinh ra bất toàn, ai cũng phải nỗ lực vươn mình lên chân, thiện, mỹ để tạo hạnh phúc gồm hiện phúc ở đời này và siêu phúc ở cõi lai sinh thì đọc sách là tối cần cho tự học để đoạt mục tiêu ấy. Đọc không thể coi là một xa xỉ phẩm, một lối chơi vì bản tính của nó chứa đựng số mệnh cao cả là giúp con người khai trí. Vào một thư viện là mượn công sưu tầm của tiền nhân để chính ta, ta tìm ra những hay đẹp mới để góp phần phụng sự xã hội của mình. Mỗi cuốn sách, xét theo sứ mệnh ấy, phải chứa một phần tối thiểu đóng vai trò hướng đạo tâm trí ta. Có thể nói, ta một ngày một hơn nhờ sách báo và trình độ nên người của ta dựa vào trình độ thăng tiến của tinh thần mà sách báo là phương tiện hữu hiệu nhất. Nói đến vấn đề này, ta không sao quên được vai trò của ngòi bút. Khỏi cần ca tụng công cán của những người hiểu biết lành mạnh. Hãy lưu ý sự phá hoại và sự tự hạ của những nhà văn, nhà thơ mang tội đầu độc người đọc vì học non mà háo danh viết bậy vì cần kiếm cơm, vì mê tín những tà giáo, triết lý, vì tư lợi nào đó mà làm bồi bút, hay vì cốt khí dâm loạn tục tằn, mà thích lên mặt hướng đạo dư luận nên đẻ ra những đứa con tinh thần tập trung của tục tĩu, sai lầm và bóc lột từ tinh thần đến vật chất của độc giả.
CHƯƠNG II ĐỌC SÁCH BÁO LÀ CẢ MỘT NGHỆ THUẬT Tôi sợ người chỉ đọc một cuốn sách SAINT THOMAS D'AQUIN
Tôi đã bỏ tám mươi năm vào việc đọc sách mà chưa có thể nói là đã đi đến nơi đến chốn.
GOETHE
ĐẠI YẾU
1. Nhiều người không đọc
2. Một báo nguy cho dân tộc
3. Nhiều người đọc thiếu phương pháp
4. Mà đọc là cả một nghệ thuật.
Những người dốt chữ hay có trình độ học vấn thấp mà không đọc sách báo, ta miễn bàn. Hãy xét những người được gọi là trí thức mà khinh rẻ việc đọc. Xung quanh bạn, biết bao nhiêu người sau khi lìa bỏ học đường liền trả sách lại cho thầy, đáng lẽ họ phải quan niệm ngày đỗ dạt, ngày ra trường là ngày mới bắt dầu trau dồi tâm trí cho vững chắc thì họ coi ngày ấy là ngày phải quăng sách vào tủ, có kiến thức bấy nhiêu thì dùng bấy nhiêu. Đã hơn một lần chúng tôi nói nhiều người thi đỗ cao sau năm, mười năm vì không tự học thêm, không còn xứng đáng với bằng cấp của mình nữa. Bằng ấy chỉ còn là cái nhãn hiệu để họ hãnh diện một cách mù quáng và để bịp đời. Bạn hãy tưởng tượng một bác sĩ ra trường năm 1930 lo hành nghề, làm ăn không cần đọc thêm hay coi lại sách báo nào về y khoa cả, đến năm 1960 vốn kiến thức về môn này của ông thế nào? Hồi ông ra trường đâu phải ông thông kim quán cổ về nghề của Hoa Đà rồi trong khoảng 30 năm, y khoa tiến thế nào, hiểu biết của ông đã chẳng theo kịp mức tiến của y khoa mà ngày càng tiêu trầm và lãng quên. Biết bao hạng trí thức khác đã đi con đường nguy hiểm của bác sĩ ấy.