Buổi chiều trong mơ của tôi là một khoảng đầy nắng với nền gạch đỏ trước hiên man mát. Dưới bóng cây sấu đang nở ra từng chùm hoa li ti trắng mẹ tôi sẽ ngồi khâu lại chiếc gối bé xíu cho con Lu từ đống giẻ thừa mới xin được còn tôi sẽ duỗi người ngay bên cạnh với chú chó nhỏ.
Nhưng mơ mà...
5 giờ sáng thứ sáu, tôi bắt đầu đi học thường ngày. Trường của tôi khá xa, phải vào tận nội thành nên việc đi lại có phần vất vả nhưng như vậy cũng tốt: những câu chuyện cũ sẽ không bao giờ được ai biết đến.
Mùa đông năm nay đến nhanh quá, bầu trời lúc này vẫn là một mảng tối om, chẳng có dấu hiệu gì cho thấy rằng mặt trời sẽ mọc. Những con chó từ hai bên ngõ sủa inh ỏi cả lên, chẳng biết là do có người bước qua mà sửng cồ hay là đang cầu xin ông bà chủ cho mình vào trong tránh rét. Những cơn gió rít ghê rợn, cắt da thịt tôi ngọt xớt, ánh đèn đường leo lắt phải run sợ trước chúng. Tôi run rẩy một mình bước ra con đường lớn; chẳng còn có cái gì có thể che chắn cho tôi nữa nên đám gió hằn học cứ thế thoải mái mà ùn ùn đẩy đẩy.
Một ngày mới cứ thế bắt đầu. "Giới thiệu với cả lớp mình, 11A1 sẽ kết nạp thêm thành viên thứ 48. Cô rất phấn khởi bởi bạn sẽ nâng tổng số bạn nữ lớp mình lên thành 20 bạn. Em hãy giới thiệu về bản thân mình."
Tôi nhớ hôm trước bà tôi có nói, lão già sinh ra tôi sẽ quay trở về Hà Nội cùng cái gia đình lão. Ấy vậy mà oái ăm thay, nơi lão chọn lại là Cầu Giấy, trường lão chọn cho con gái yêu của lão lại là trường mà cục thịt thừa của lão đang học. Con nhỏ bước ra chẳng khác gì nữ chính phim thanh xuân Trung Quốc, nó thừa hưởng mọi cái tốt đẹp mà lão cùng con mụ có thể ban cho. Tôi chẳng muốn miêu tả kĩ ngoại hình nó làm gì, chỉ cần biết là nó đẹp, kiểu yểu điệu, dong dỏng, ra dáng tiểu thư na ná Trần Đô Linh.
"Tên mình là Trần Đan Thanh, mình và gia đình vừa mới chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh sang Hà Nội. Mong các bạn giúp đỡ mình."
Sau đó là một tràng pháo tay nồng nhiệt đón tiếp người đẹp đến lớp, Đan Thanh đi ngang qua dãy bàn tôi, không quên ném cho tôi một cái gườm đáng lo ngại. Trong ngàn tiếng hò reo phấn khích đan xen nhau, tôi biết bản thân chẳng thể bình yên được nữa rồi.
Mười phút nghỉ giữa giờ, cả toán người nam lẫn nữ nhất tề hướng về góc trái lớp, dãy bàn của tôi. Bọn họ lao đến như thể Đan Thanh sắp hóa kiếp thành Bồ Tát đến nơi, mặc cho chen lấn, dẫm gãy cả cái bút chì mới toanh tôi vừa nhặt được hôm qua.
Dường như nó cũng ngại cho cái phận không đàng hoàng đằng sau nên cũng chẳng ho he gì về mối quan hệ giữa chúng tôi, điều này dễ hiểu. Hẳn là nó cũng đã tranh cãi rất nhiều với lão già về việc này, tôi cũng băn khoăn sao lão làm vậy nhưng nếu là để hàn gắn mối quan hệ giữa tôi và gia đình lão... Nếu thế thật... thì đúng là nực cười. Ai lại làm vậy cơ chứ!? Lão già mất nhân tính đó đúng là khiến cho người ta phải canh cánh lo sợ. Tôi ngoái đầu lại để nhìn cô tiểu thư lá ngọc cành vàng kia một lần nữa, trông chẳng khác gì một vị thánh giữa bầy con chiên ngoan đạo.
Đôi mắt nhỏ nheo lại cười tưởng chừng đem cả tia ấm áp, cùng cái má hây hây ấy mang lại cho tôi những kí ức đáng lẽ ra nên bị giết sạch. Gương mặt kia chẳng biết là giống thằng bố hay là con mẹ hơn nhưng chung quy đều là thứ chẳng thể lọt mắt. Ấy vậy mà lão Hùng lại lọt vào đôi mắt xanh của mẹ tôi.
Trong kí ức của tôi, mẹ tôi là người phụ nữ xinh đẹp nhất, đảm đang nhất lại hiền dịu nhất. Suốt sáu năm tôi được mẹ chăm sóc, bà chưa từng đánh mắng tôi lần nào. Mặc dù tôi và mẹ chỉ có thể sống tạm sống bợ ở một căn nhà cấp bốn xập xệ mà bà thuê được cùng với con chó cỏ hoang mà chúng tôi tìm thấy, tôi vẫn cảm thấy tôi là người hạnh phúc nhất.
Còn ông bố hờ của tôi, thi thoảng một tháng hai ba lần thì may ra.
Chuyện gia đình cứ tiếp diễn một cách êm đẹp, mẹ tôi tần tảo sớm hôm đi bán xôi bán chè, tôi nhỏ người cũng chẳng đỡ đần được gì nhiều, chỉ có thể bồi chuyện góp vui cho mẹ, tắm rửa cho chó hay đôi khi là ngồi im như phỗng cho mẹ làm việc. Cứ thế... cứ thế cho đến năm thứ sáu.
Năm thứ sáu, trông mẹ lúc nào cũng bần thần như bị người ta lấy mất hồn. Vào những đêm mưa tầm tã tháng sáu, người mẹ giật giật, tiếng nấc nghẹn ngào hòa cùng với tiếng sấm rền vang khiến tôi thổn thức mãi không thôi nhưng linh tính lại chẳng cho tôi cơ hội quay sang vỗ về mẹ. Những đêm ấy, mẹ con chúng tôi cứ quay lưng vào nhau rồi khóc. Những hạt nước cứ ăn mòn mẹ tôi từng ngày, từng ngày. Đôi mắt mẹ mỗi sáng đều đỏ hoe, sưng húp như hai con tôm luộc chín, đồ ăn ít dần. Khi này mẹ gửi tôi về nhà bà ngoại.
Sau đó... không còn sau đó nữa.
Mẹ tôi chết rồi.
Thế là xong, tôi chưa được nhìn thấy mặt mẹ tôi lần cuối trông như thế nào. Bà cản, nói rằng trẻ con nhìn mặt người chết là gở.
"Có phải người chết đâu, mẹ con mà bà!"Đám tang cũng diễn ra sơ sài, ít người tới dự. Phần lớn người tới là nể mặt cụ ông chứ cũng chẳng xót thương gì cái phận mẹ tôi cả. Nhưng điều ấy chẳng quan trọng, tôi tin rằng bà đã ra đi một cách thanh thản - đó là cái điều duy nhất tôi cần biết.
Còn về phần người đàn ông đáng khinh kia, ông ta lừa mẹ tôi, nói rằng sau khi sinh tôi ra sẽ đưa cả hai về ra mắt gia đình. Rồi cuối cùng lão bất tín, lão ta lấy vợ khi mẹ tôi đang mang bầu! Đắng cay thay, con lão chỉ kém tôi vài tháng tuổi!
Vậy thôi, ngoài cái đấy ra đời tôi cũng chẳng có gì nhiều để kể.
"Ê Nhiên ơi, mày không ra chào bạn mới à?"
"Không."Và người bạn kia đi mất. Hết buổi học.