Lang thang

35 2 0
                                    


Năm lên đại học, cô bé lò dò đi khắp sân trường tìm giảng đường, cũng tìm luôn giám thị để hỏi đường. Nó hỏi người đàn ông trung niên cao to quắc thước, đeo kính cận dày, nét mặt nghiêm nghị. Đó hóa ra là bác lao công vừa được giới thiệu đến đây nhận việc nhưng chưa biết văn phòng ở đâu. Hai người cùng dạo một vòng quanh khuôn viên rộng, trò chuyện chán chê rồi đụng mặt một cô giáo trên tay cầm bìa giáo án. Cô ấy là giảng viên thực tập, cũng đang lang thang quanh quẩn giữa cái mê cung trường đại học cố tìm ra nơi mình phải có mặt. Ba người đi với nhau thêm một chút nữa, chuông reo hết tiết. Cả ba kéo nhau ra công viên gần đấy hóng mát, tay cầm ba ly cà phê đá vừa mua ven đường.

- Năm ngoái tuyển sinh gắt lắm - cô bé nói - tỷ lệ chọi cao kinh khủng. Cháu đã học ngày học đêm để vào được ngôi trường này.

- Bây giờ việc gì cũng thừa, có phải tôi ngu dốt gì đâu - bác lao công nói - này nhé, từ trước đến nay số sách vở tôi đọc cũng ngàn cuốn hơn, bằng cấp không có chứ trí thông minh thì thừa. Ấy vậy mà vẫn phải đi làm công việc này.

Cô giáo đã có kinh nghiệm làm giáo viên ngót nghét mười năm, lấy học vị tiến sĩ không bao lâu liền đăng ký làm giảng viên đại học, lên tiếng:

- Cuộc đời tôi chẳng có gì đáng khoe cả, chồng là công chức nhà nước làm việc tận Hà Nội. Cuối tuần nào cũng phải mua vé máy bay đi gặp anh ấy.


Họ mua thêm mấy cái bánh với tờ báo rồi trải ra giữa công viên, ngồi bệt dưới đất ăn uống như đi cắm trại. Bác lao công cầm ly cà phê giấy đã cạn ném ra ngoài đường, nước đá vương vãi bể nát. Xa xa có tiếng chửi, họ làm như không nghe thấy. Được một lúc, bác lao công phá ra cười sằng sặc. Cô giảng viên nói:

- Đạo đức nghề nghiệp của bác khá nhỉ ? Nếu chồng tôi có ở đây chắc đã lên mặt dạy đời rồi. Anh ấy gương mẫu khiếp lắm, lúc nào cũng sống rất khuôn phép chứ chả như thế hệ bây giờ!

- Đúng đấy bác ạ, cô bé học sinh cười hì hì, từ nhỏ đến lớn cháu luôn được bảo làm thế là không tốt.

Bác lao công lắc lắc đầu, cười khì

- Ừ, bác cũng hay dạy con như thế.

- Bác có con rồi ạ ?

Ông ấy rút ví, tự hào khoe ra tấm hình trong đó

- Đây là mẹ bác, vợ bác, còn đây là thằng lớn, này là còn gái giữa, còn bé này là con út, dễ thương lắm phải không?

Mặt ông ấy sáng bừng, lớp da nhăn tít trên trán dãn ra hãnh phúc. Ông tặc lưỡi:

- Nuôi cho tụi nó thành người là tốt, có điều càng lớn càng bị vợ chú làm hư đi cháu ạ. Tính toán cho lắm vào rồi còn thực dụng nữa, đáng tiếc, đáng tiếc. Thảo nào bọn trẻ nít ngày nay khó chịu như vậy, người lớn phải chịu trách nhiệm cho tất cả ! Chỉ mong con bác sau này tự định hướng được mà sống tốt.

Ông lắc đầu thở dài, cô giáo cũng thở dài, cô nói:

- Anh thế còn may mắn, như vợ chồng tôi đây hơn ba mươi tuổi rồi vẫn chưa có con mới gọi là khổ!

- Sao thế ? Chồng không cho sinh à ?

Mắt cô ta nháng lên vẻ giễu cợt, biến mất rất nhanh, lại thay bằng sự trầm lặng buồn chán, và nản, ừ, nản.


- Con cũng có một đứa em trai cách hai tuổi, vừa lên lớp 12.

- Không phải lớp 11 sao ?

- Không ạ - cô bé lắc đầu - năm ngoái không thi đậu trường này bố mẹ bảo năm nay thi lại ạ.

- Thế cả năm trời làm gì ?

- Nghỉ ở nhà, học và chơi vi tính, hi hi.

- Gia đình không bắt con làm thêm à ?

- Mẹ luôn bảo con gái lớn làm ở mấy chỗ lông bông rất nguy hiểm, đợi sau này vào làm trong văn phòng luôn cho an toàn ạ !

Bác công nhân cười lớn, cô giáo cũng cười mỉm, khóe miệng một bên cong lên hình trăng khuyết.

- Nếu lỡ năm nay lại rớt thì con làm gì ? - Cô giáo bâng quơ hỏi, đùa nghịch một lọn tóc bung ra khỏi cái búi tóc chặt cứng.

- Ưm, có lẽ là học lại ạ, ba mẹ cũng nói thế.

- Chà, con mà là con của cô thì đã chẳng dễ dàng như vậy. Chồng cô sẽ bắt con đăng ký nghĩa vụ quân sự dành cho nữ !

- Ồ, năm ngoái con cũng định đi làm tình nguyện viên nhưng gia đình không cho, bảo con còn nhỏ quá. Đi mấy cái ấy nguy hiểm lắm phải không cô ?

Bác lao công cười hà hà, xen vào:

- Dĩ nhiên rồi, nếu dễ dàng thì thiên hạ sẽ đổ xô mà đi còn gì. Hồi bác còn trẻ nhá, lên rừng xuống biển chỗ nào cũng tới. Còn nhớ năm bác đôi mươi, cùng mấy anh bạn ra tận Côn Đảo, ra biên giới Việt-Lào, đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh vui lắm con ạ ! Ngày đó người dân thân thiện vui vẻ lắm, đi lại cũng dễ. Thanh niên tháo vác đi được đến tận cùng trời đất con ạ !

Mắt cô bé sáng rỡ, cô giáo cũng tiếp lời:

- Ừ, còn nhớ năm đó tôi đi thăm trại trẻ mồ côi ở Bến Tre thì gặp anh ấy - chồng tôi đấy mà - vừa gặp đã bắt chuyện rồi thân nhau nhanh lắm, anh ấy từ ngày xưa đã rất tốt, hăng hái, nhiệt tình vô cùng !

- Hà, để con bác lớn rồi bác sẽ dắt nó đi như ngày xưa bác đã làm vậy. Rồi một thế giới rộng hơn sẽ mở ra cho nó thỏa thích tìm tòi suy nghĩ - bác lao công gật gù, châm điếu thuốc hút.

- Đừng hút thuốc bác ơi, có hại cho sức khỏe lắm.

- Nhưng ấm, con ạ, muốn hút thử một điếu không ?

- Này, anh đừng dạy hư con nít thế ! - Cô giáo nhíu mày, vừa cười khì vừa phàn nàn.

- Chỉ một điếu thôi mà, có hại gì chứ, không thấy bác đây từng này tuổi còn khỏe như vâm sao ?

Cô bé đưa tay nhẹ nhàng từ chối, chợt nhận ra con số kim đồng hồ mình đang chỉ.

- Chết, sắp đến giờ về rồi. Con phải trở lại trường đây kẻo ba đến đón không thấy lại lo.

Cô bé sinh viên đứng dậy phủi phủi quần áo, lễ phép cúi chào rồi chạy đi mất hút. Bác lao công và cô giáo ngồi lại một chút rồi cũng đứng dậy chào nhau. Cùng một đường về cổng trường đại học nhưng trên đường đi cả hai không nói với nhau câu nào, ánh mắt giữ thẳng đơ như hai người xa lạ.

[Oneshot] Lang thangNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ