Khi hoa đào nở rộ, những chú én mùa xuân lại bay về làm tổ. Những nhành dương liễu đung đưa nhè nhẹ, như quấn lấy làn gió xuân, khiến người ta có cảm giác nóng nực, mồ hôi không ngớt rỉ ra.
Từ sau khi tôi có thai, Huyền Lăng chưa tới thăm hỏi lấy một lần, cũng không cho phép bất cứ người nào đến thăm, thậm chí đến cả My Trang cũng không được bước vào Đường Lê cung một bước. Y chỉ cho phép Phương Nhược mỗi ngày đến bầu bạn với tôi một canh giờ, trông coi việc ngủ nghỉ của tôi, hoặc đưa tôi tới Thượng Lâm uyển tản bộ một lúc. Tất cả mọi việc còn lại đều được giao cho Hoàng hậu xử lý.
Tôi biết y vô cùng căm ghét tôi, bí mật mà y giấu kín không ngờ lại bị tôi biết được, chiếc áo của người mà y yêu bị tôi tùy tiện khoác lên người. Còn tôi cũng hết sức oán giận y, tình ý trong bao năm nay không ngờ lại phó thác nhầm chỗ.
Dần dần, sự oán hận trở nên không còn cần thiết nữa. Nhớ lại việc ngày trước, y từng mấy bận dễ dàng hoài nghi và ghẻ lạnh tôi, tôi hiểu ra rằng địa vị của mình trong lòng y cũng chỉ có vậy.
Người duy nhất có thể tùy ý ra vào là Ôn Thực Sơ, hắn cũng thường xuyên mang tới cho tôi một số tin tức bên ngoài. Đám thị vệ hại chết Lưu Chu đã bị Huyền Lăng phạt đến Bạo thất làm lao dịch. Huyền Thanh tuy có công trong việc bình định Nhữ Nam Vương nhưng lại từ chối mọi sự phong thưởng, vẫn tiếp tục làm một vị vương gia nhàn tản. Cha mẹ tôi và ca ca, tẩu tẩu tuy đều lo lắng cho tôi nhưng lại chẳng có cách nào, may mà Huyền Lăng không trút giận lên bọn họ. Người hắn nói tới nhiều nhất vẫn là My Trang, hôm nay tỷ ấy nhờ hắn đưa tới một hộp bánh ngọt mà tôi thích ăn, ngày mai là một phong thư có chiếc nơ như ý thắt bên ngoài, bên trên viết toàn những lời an ủi ấm áp, ngày kia lại là một chiếc áo yếm cho trẻ con. Tôi hiểu tâm ý của tỷ ấy, trong lòng cảm thấy dễ chịu vô cùng. Thỉnh thoảng Kính Phi và Đoan Phi cũng nhờ Ôn Thực Sơ gửi tới tôi những lời an ủi, duy chỉ có Lăng Dung là hình như đã hoàn toàn biến mất, không có chút tin tức nào, cũng không tỏ ý quan tâm tới tôi.
Tôi gượng cười một tiếng, tuy thói đời nóng lạnh nhưng tự đáy lòng nàng ta chưa chắc đã không oán hận tôi.
Tôi gặp lại Thụy Quý nhân một lần nữa ở Thượng Lâm uyển, đó cũng là nơi duy nhất mà tôi có thể lui tới lúc này.
Dưới ánh nắng xuân rạng rỡ như gấm vóc, nàng ta mặc một chiếc áo lụa mỏng màu ngó sen, bên dưới là tà váy dài màu vàng nhạt, nhìn hết sức thanh nhã. Mái tóc trên đầu nàng ta búi cao, chỉ điểm xuyết bằng những món đồ trang sức bằng bạc, tựa một làn khói thoảng mây mù, khí cốt lộ rõ. Cho dù bây giờ tôi không có lòng dạ nào để ý tới người khác nhưng trong lòng vẫn không kìm được thầm khen một tiếng.
Dường như nàng ta lúc nào cũng thanh nhã như vậy, khiến người ta vừa nhìn thấy đã dễ chịu, thư thái. Lúc này, nàng ta đang dắt tay thị nữ đứng trong đình Tùng Phong, nhìn cây tùng già xanh biếc mà cất tiếng ngâm: "Dài ngắn thon thon búp ngọc hồng, nghiêng con giấy Thục sáng bên trong. Không cho chàng thấy che tay lụa, học viết uyên ương chữ chửa xong [1]."
[1] Bài thơ Thập ức thi kỳ 5 của Lý Nguyên Ưng. Dịch thơ Lê Xuân Khải. Phiên âm Hán Việt: Tiêm ngọc sâm si tượng quản khinh, thục tiên tiểu nghiên bích song minh. Tụ sa mật yểm sâm lang khán, học tả uyên ương tự vị thành.
BẠN ĐANG ĐỌC
HẬU CUNG CHÂN HOÀN TRUYỆN - Lưu Liễm Tử
Художественная прозаHậu Cung Chân Hoàn Truyện xoay quanh những đấu đá của các phi tần nơi hậu cung. Chân Hoàn là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nên được Hoàng thượng nhất mực yêu mến. Cũng vì thế, cô trở thành cái gai trong mắt Hoàng hậu. Tuy nhiên, bằng sự thông minh c...