Chương 1: Thần Lúa

16 1 0
                                    

Cái Bé ngoan ngoãn đặt nắm lá trầu không vừa mới hái xuống bàn uống nước. Bà Hoan – Bà nội nó – cười móm mém, có vẻ vừa ý lắm. Bà trìu mến xoa đầu nó rồi cầm lấy con dao bổ cau sắc lẹm, nhanh nhẹn bổ quả cau ra thành sáu miếng đều nhau. Nhìn cau cứ tròn tròn như quả trứng cút màu xanh ấy nhỉ, trông thích mắt ơi là thích mắt. Khỏi cần nói thì Bé cũng biết sau đó bà nó sẽ têm trầu, vì ngày nào bà chẳng làm thế. Đấy, tay bà nội đang run run dùng chìa vôi quệt thứ chất lỏng trăng trắng, sền sệt vào trầu rồi kia kìa. Chẳng hiểu trầu cau có gì ngon mà bà ăn suốt. Bé xin bà một miếng để ăn cho biết, nhưng vừa nhai nhai vài cái, vị cau chan chát hoà với sự hăng nồng của vôi xộc thẳng lên óc khiến nó hãi quá, vội nhè ra. Bà Hoan mắng nó:

– Ơ hay cái con này, nhai chưa dập bã trầu đã...

Bé mếu máo:

– Eo ôi cay lắm bà ơi. Vừa chát vừa cay. Không ngon tí nào.

Bà nội cái Bé phì cười:

– Cha bố mày, chúng bay bây giờ không quen ăn trầu nên thế đấy, chứ bà thì thiếu một ngày thôi là không chịu nổi rồi.

Nói đoạn, bà khe khẽ ngâm nga:

–               Đôi ta như trầu với cau

          Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng

Bà Hoan bảo Bé xích lại gần đây, bà kể chuyện về trầu cau cho mà nghe. Đã không ăn được đặc sản truyền thống của dân tộc thì ít nhất cũng phải rành dăm ba chuyện xoay quanh món dân dã đậm đà bản sắc Việt này chứ. Cái Bé trề môi:

– Bà làm như cháu là trẻ còn nằm nôi, chưa từng nghe sự tích trầu cau ý. Bà mà bắt cháu kể lại, cháu sẽ kể tuốt tuồn tuột từ đầu đến cuối cho bà nghe luôn nhá.

Bà Hoan cau mặt lườm:

– Gớm thôi, sự tích đấy thì ai chả biết. Bà kể cái khác cơ. Bà chắc chắn cháu chưa nghe bao giờ cả.

Cái Bé mở to mắt nhìn bà. Bà nội thường tỉ tê với nó toàn chuyện hay chuyện lạ. Số lần tỉ tê đếm không xuể, thế mà vẫn có chuyện nó chưa nghe ư? Sự tò mò khiến đôi mắt Bé mở to nhìn bà như giục bà mau kể. Bà Hoan dịu dàng xoa lưng cháu, chậm rãi bắt đầu:

Ngày xửa ngày xưa, có một người nông dân đứng tuổi tên là Mừng. Bác ta chăm chỉ làm lụng, quần quật bán mặt cho đất bán lưng cho trời từ năm này tới năm khác. Thêm nữa, bác Mừng còn sẵn có ruộng vườn tiên tổ để lại. Tuy số ruộng đó ít ỏi nhưng vẫn đảm bảo cho gia đình bác không phải cực nhọc cày thuê cuốc mướn. Sướng nhất là chúng giúp bác chẳng lo lâm vào cảnh túng thiếu, bữa đói bữa no. Những năm mùa màng bội thu thì khỏi nói rồi, còn năm nào mất mùa... niêu cơm của vợ chồng bác Mừng cũng không cần độn thêm khoai sắn. Niêu cơm ấy chẳng đựng gạo tám xoan quý giá, niêu cơm ấy đựng loại gạo bình thường, giá cả rẻ mạt. Nhưng lòng niêu cơm ấy luôn trắng phau phau, nào đã mảy may dính màu ngô khoai vàng vọt – Mơ ước trong thâm tâm biết bao người thời điểm khốn khó đó.

Gia đình bác nông dân Mừng không dư dả gì đâu, gọi là khá khẩm hơn các bạn nghèo cùng làng chút thôi, cơ mà vợ chồng bác tốt tính, xởi lởi vô cùng. Bà con chòm xóm đều quý mến họ, cho nên mỗi khi nhắc tới bác Mừng, ai cũng tội nghiệp, ai cũng rằng cớ sao gieo nhân đức lại chẳng được gặt quả phúc: Đường con cái lận đận quá, ngoài băm mấy rồi vẫn không có một mụn con. Bác Mừng gái với chồng rầu rĩ vì chuyện này ghê lắm, song, đành tự an ủi nhau con là lộc trời cho, khi nào trời bằng lòng trao cho thì khắc có, sầu muộn làm gì.

Trầu Quế Cau SâuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ