Kinh đô pháo nổ vang trời.
*
Rạng sáng, trên cái đất cổ ngàn năm ngớt tiếng súng. Đồng bào dáo dác truyền miệng nhau trận đánh kinh thành từ tối qua, mãnh liệt hàng giờ cách một lòng sông còn chưa tan khói lửa.
Thằng Khôi đêm qua phải chui vào người ông nó ngủ. Ông gầy nhom, xơ xác, từng ngón tay chai sạn quen chịu khổ, vỗ vỗ lưng cho nó dễ ngủ. Tiếng nổ vang vọng khắp trời như tiếng ruột gan ông nóng nảy thao thức tin bộ đội chuyển về. Ông nhìn thằng bé trong lòng, nó ngủ quên trăng sao đất trời, quên cái màu kháng chiến.
Gà gáy canh năm, bà con xôn xao đầu xóm, tiếng chân rầm rập rung đất vang trời. Thằng Khôi mở mắt, nó ngồi dậy nhìn quanh làm ván giường kêu cót két.
- Ôn ơi, chuyện chi rứa ôn?
Ông nó đứng cạnh bậc cửa, trông ra đám người nhốn nháo đằng xa.
- Bộ đội về con ơi.
- Về kiểu chi mà ồn ào rứa ôn?
Thằng bé chạy tót tới cạnh ông, chân trần, áo cộc, quần đùi khâu chằng chịt, nó đưa mắt ra đường, nhoài người khỏi bậc cửa.
- Mi nhát rứa thì ở nhà đi con.
Nó trạc mười ba, mười bốn, vóc dáng cũng dạng lớn tướng so với bọn con nít trong xóm nhưng nó sợ côn trùng, sợ tối, sợ độ cao, cái chi cũng sợ nên ai cũng bảo nó nhát. Nó trố mắt nhìn ông, giọng nó thốt lên, non nớt như cái tuổi đời của nó.
- Bộ đội người mình thì sợ cái chi ôn!
Ông nhìn lại nó, đưa tay xoa đầu nó, nếp nhăn nông sâu trên từng thớ da thịt không che nổi vẻ u ám đọng ở khóe mắt. Ông nuôi nó từ khi mạ nó bỏ làng lên chiến khu, đoạn thằng Khôi còn chưa biết đi, nó bé lắm, giờ vẫn còn bé nhưng nó nghĩ được lớn.
- Đi, ra đó đừng sợ nha con.
Thế là, thằng Khôi mắt nhắm mắt mở được ông nó dắt tay ra. Đầu xóm phía bên chân cầu có cây sầu đông, độ tháng mười thay lá hoa nở, nhưng cái đói làm nó bị bẻ trụi cả lá, cành đen, khô quăn như cánh tay gầy gò của bọn con nít.
Họ thấy bộ đội về, mấy chú đánh xuyên một tối, đám đông bu kín đất nhao nhao đồn nhau chắc mẩm báo tin chiến thắng. Bà con tụ tập nghẹt cả đầu đường, nôn nao háo hức đợi ngày làm ăn, đợi ngày con về.
Dưới gốc sầu, ba bốn thanh niên ngồi quanh quầy chè cụ Lão, vừa ăn vừa tấm tắc sao chè ở đây ngọt quá, ngọt hơn cả đường phèn dăm năm ba bữa mới được ăn một lần trên chiến khu. Chè đậu của cụ ngon nức tiếng cả thôn Vĩ, hạt to lại mẩy, có chú vừa ăn vừa đút luôn cho anh bạn ngồi cùng.
Chú ngồi cùng bó cụt hai tay, nhìn trên nhìn dưới còn lộ hẳn vùng thịt đỏ hỏn, ấy thế mà ngồi nhai nuốt vẫn ngon lành. Chị mẹ xung quanh cứ xuýt xoa hỏi mãi chú bị răng rứa, thằng Tây nã bom chú à, tối qua đánh răng rồi chú, một câu lại một câu mà ồn ào khuấy động một vùng sông nước.
Đoạn thằng Khôi tới, anh lính dựa lưng vào cây sầu đông kể chuyện tối qua đánh thành, kê đạn không may bị gãy, chú phải lấy hai tay đỡ đầu súng đạn nạp vào, ống đạn nóng bỏng hai tay. Chú kể rồi huơ huơ tay, đập thẳng vào mắt nó mảng thịt chín đỏ rát dưới lớp bọc khâu từ 2-3 miếng vải. Nó bất giác quên mất việc đang nắm tay ông nó mà từng ngón tay thi nhau siết chặt. Ông nó cúi xuống nhìn, mặt nó xanh mét, ông nghĩ nó sợ một hai bảo nó về mà nó lắc đầu nguầy nguậy. Ông không đuổi nó về được thế là đứng đằng ngoài nghe chuyện, tay còn nắm tay nó. Anh lính thấy cụ lớn tuổi, đang kể dở thì quay ra chào ông rồi lại tiếp chuyện:
- Đêm qua, rứa mà đánh hăng lắm bà con ạ, bọn tui còn vô được cái cửu đỉnh, vô được đó rồi thì thằng Tây, thằng Phát-xít chi cũng đi hết.
- Anh ơi rứa khi mô tụi tui được đi mần ăn lại?
- Dăm bữa nữa bà con nhớ đi mít-tinh nghe, đi về là mần ăn lại được rồi.
Bà con rôm rả như mở hội, mắt cụ Lão sáng rực, vỗ đùi đen đét liền tay múc cho chú thêm vài chén chè. Ông thằng Khôi thở phào, mừng lắm, đung đưa tay nói nhỏ nó sắp được đón ba mạ về.
Mà Thằng Khôi cứ va vào cánh tay anh lính đung đưa mà nghe chữ được chữ mất. Nó không sợ máu, bọn con nít tụi nó cứ hở mắt không tróc da cũng xước xát, nó nhìn nhiều riết quen nhưng màu đỏ hỏn đó hiện rõ ràng trong tầm mắt từ chiều cao của đứa trẻ chưa lớn.
Nó cố gắng rót vào tai từng chữ, mồ hôi lạnh túa ra đọng bên má. Dường như khi nó ngơ ngẩn nhất, bàn tay đang siết chặt góc áo của nó được một người nắm lấy. Nó tỉnh hẳn người, quay ngoắt qua phải.
Đứa bé áp lòng bàn tay như thấm từng giọt mồ hôi lạnh của nó, nước da trắng khác hẳn bọn con nít trong xóm, mắt chăm chú nhìn nó:
- Cậu sợ hả? Nắm tạm tay tui đi.
Ngày đó, nó gặp Nguyên Vũ.
Cũng là ngày đó làm nó nhận ra, máu của kháng chiến không phải sợ, máu của kháng chiến cho người ta nếm vị chè ngọt xớt, máu của kháng chiến đón ba mẹ nó về, máu của kháng chiến để nó được nghe ông ru ngủ mỗi tối rồi tỉnh giấc trong những cái nắm tay.
BẠN ĐANG ĐỌC
meanie. mùa thu tháng tám
FanfictionTrong bối cảnh kháng chiến chống Pháp tại Huế, cụ thể từ trước cách mạng tháng tám 1945 đến những chiến thắng liên tiếp sau này trong những năm 1950.