24

2.3K 233 6
                                    

Tượng Phật bằng vàng trong bảo điện chùa Thiên Nguyên toát lên vẻ trang nghiêm, đôi mắt nhắm hờ đầy từ bi, đàn hương lượn lờ, tiếng tăng nhân tụng kinh gõ mõ khiến khách hành hương mệt mỏi chốn hồng trần bước vào điện thấy lòng mình lắng lại.

Lục phu nhân thành kính quỳ trên bồ đoàn, trước khi xuất giá bà được người nhà cưng chiều, sau này tìm được lang quân như ý, cuộc đời có thể gọi là viên mãn, nếu có khuyết điểm chính là lúc mang thai Lục Vân Đình ngồi trên xe ngựa, bị người ám sát làm con ngựa hoảng loạn kéo xe phi nước đại, trong lúc nguy cấp bà bám chặt cửa xe để khỏi văng ra ngoài, một xác hai mạng. Cuối cùng bị chấn động mạnh làm bà suýt sinh non, may nhờ đại phu y thuật cao siêu giữ lại cái thai, nhưng đứa nhỏ này sinh non nên từ khi ra đời cứ đau ốm liên miên.

Khi Lục Vân Đình đuối nước được cứu về, suýt nữa bà đã tưởng Lục Vân Đình thật sự không qua khỏi, bi thương không thôi, cõi lòng tan nát.

May mà Lục Vân Đình sống tiếp được.

Lục phu nhân nói thầm trong lòng đa tạ Phật Tổ phù hộ con trai Vân Đình của con, sau này Lục gia sẽ thường xuyên sửa cầu làm đường, cứu tế dân chúng nghèo khổ, làm nhiều việc thiện tích đức.

Bà lại thầm cầu xin Phật Tổ phù hộ hai đứa bé Vân Đình và Vu Thanh bình an, sống lâu trăm tuổi.

Đây là lần đầu tiên Giang Vu Thanh đến chùa lớn như vậy, cách thôn Giang Gia mười dặm cũng có một ngôi miếu nhưng không thờ Phật Tổ mà thờ một vị thần. Giữa tháng Chín hàng năm thôn Giang Gia mở hội chùa, Giang Vu Thanh cũng đi theo xem náo nhiệt.

Y nhớ năm mình sáu tuổi, nhà họ Giang khấm khá hơn bây giờ, ngày hội chùa y có thể xin cha mẹ mình hai đồng mua quà vặt ăn.

Trong lòng Giang Vu Thanh sinh ra một nỗi kính sợ, nhắm mắt cầu khẩn phu nhân và lão gia đều là người tốt, xin Phật Tổ phù hộ cho họ bình an, phù hộ thiếu gia không đau không bệnh, khỏe mạnh an khang.

Lục phu nhân thắp hương, góp dầu vừng và tiền hương hỏa rồi đi theo tiểu sa di trong chùa đến phòng thiền dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, để lại hai thiếu niên Lục Vân Đình và Giang Vu Thanh dạo chơi trên núi.

Vân Sơn và chùa Thiên Nguyên đều là bảo địa của giới văn nhân ở Giang Châu, Tết Trùng Dương hàng năm đều có rất nhiều văn nhân rủ bạn lên Vân Sơn, còn đem rượu theo rồi mở hội thơ trên đỉnh núi, mấy bức tường trong chùa Thiên Nguyên còn lưu lại rất nhiều bút tích văn nhân. Đây không phải lần đầu Lục Vân Đình đến chùa Thiên Nguyên, nghỉ ngơi một lát đã khỏe lại, vì nỗi bực bội vô cớ kia —— Hắn dứt khoát dẫn Giang Vu Thanh đi tham quan chùa.

Dù sao cũng chẳng có chuyện gì làm.

Khi hai người đến một thiền viện thì thấy vách tường đỏ rực khắc một bài trường ca, chữ viết rồng bay phượng múa, có thể nói là đẹp như khắc, khí chất phóng khoáng kiêu ngạo đập vào mắt.

Giang Vu Thanh chỉ biết mấy chữ, Lục Vân Đình thấy y đọc lắp bắp thì cười khẩy rồi lưu loát đọc bài thơ kia, sau đó nói: "Đây là thơ của Trương Hạc tiền triều đấy."

Giang Vu Thanh chớp mắt nhìn Lục Vân Đình, hắn nói: "Trương Hạc là đại thi nhân tiền triều, thơ của Trương một chữ ngàn vàng, nếu học làm thơ mà không đọc thơ của Trương thì cả đời cũng vô duyên," Lục Vân Đình nói, "Bài "Tặng Lưu Thập Bát" này được viết vào năm ông bị giáng chức đến Lĩnh Nam, trên đường đi qua Giang Châu, đúng lúc gặp bạn cũ dạo chơi tại đây, hai người uống say khướt bên bờ sông rồi trèo lên chùa Thiên Nguyên viết ra."

Lục Vân Đình nói: "Trương Hạc là bậc thầy kiếm đạo, mỗi nét chữ trên bức vách này đều là bút tích thực của ông, bộc lộ nỗi chua xót khi sinh ra không gặp thời."

Giang Vu Thanh cái hiểu cái không, nhưng tâm trí tựa như bay bổng theo lời Lục Vân Đình, trở lại đêm sao lác đác trăm năm trước, thi nhân nổi hứng làm thơ rút kiếm làm bút, vừa ngâm vừa hát, bạn bè gõ nhịp hòa ca, lưu lại tuyệt xướng bất hủ này.

Hồi lâu không nghe Giang Vu Thanh lên tiếng, Lục Vân Đình vô thức quay đầu nhìn y: "Nghĩ gì thế ——"

Còn chưa dứt lời thì thấy Giang Vu Thanh sững sờ nhìn bài thơ đầy chữ kia, trên mặt lộ ra vẻ thất vọng hụt hẫng, "Giang Vu Thanh?"

Lúc này Giang Vu Thanh mới bừng tỉnh khỏi mộng, Lục Vân Đình hỏi: "Sao lại ngây ra thế?"

Giang Vu Thanh lắc đầu rồi mím môi nói khẽ: "Thiếu gia, ta muốn đọc thơ Trương Hạc."

Lục Vân Đình vốn định chế nhạo y chữ còn chưa biết đủ mà đòi đọc thơ gì, nghĩ một hồi lại thản nhiên nói: "Trong thư phòng ta có tập thơ của ông ấy."

Giang Vu Thanh cười với Lục Vân Đình: "Cảm ơn thiếu gia!"

Lục Vân Đình hừ lạnh một tiếng rồi quay người đi, Giang Vu Thanh lập tức theo sau. Chùa Thiên Nguyên không chỉ có bút tích thực của Trương Hạc mà còn có thơ của rất nhiều văn nhân nghe danh mà đến, tất cả đều lưu lại trong chùa, có bài đóng khung treo trong lầu các, có bài viết trên tường trắng, Lục Vân Đình thấy Giang Vu Thanh có hứng thú nên dứt khoát dẫn y đi dạo một vòng, lang thang qua những bài thơ, Giang Vu Thanh ngẩn người mê mẩn, phút cuối ra về còn lưu luyến không rời.

Lục Vân Đình kéo tóc y, tức giận nói: "Đi thôi, nếu thích thì chờ Tết Trùng Dương lại đến."

Giang Vu Thanh mừng rỡ cười nói: "Dạ! Thiếu gia! Ngài tốt quá!"

Lục Vân Đình ngẩn ngơ, Giang Vu Thanh từng nói cha mẹ hắn tốt, nhưng hình như đây là lần đầu tiên...... nói hắn tốt.

Giang Vu Thanh không để ý Lục Vân Đình thất thần mà quay đầu nhìn bức tường chi chít chữ phía xa, trong đầu mơ hồ hiện ra một ý nghĩ, tiếc là bị sương mù che kín nên không nói được, cũng không tả rõ được.

Hôm nay hai người đến chùa Thiên Nguyên đều không ngờ rằng năm năm sau, giải nguyên trẻ tuổi của Giang Châu trong bữa tiệc Lộc Minh đã sáng tác bài thơ đặc sắc "Nhớ chùa Thiên Nguyên", để lại một dấu ấn nổi bật cho chùa Thiên Nguyên, nhưng đây là chuyện của sau này.

-------------------------------------------------

Giải nguyên: Người đỗ đầu kỳ thi Hương.

Tiệc Lộc Minh: Hoàng đế nhà Minh mở tiệc chiêu đãi học sinh khoa cử. 

[Hoàn][ĐM] Vu ThanhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ