Lời nói đầu

9 0 0
                                    

Pascal nói : ‹‹ Con người là một cộng sậy, yếu-đuối hơn hết trong tạo-vật. Nhưng, là một cộng-sậy có tư-tưởng. Có cần gì tất cả hoàn-vũ hợp sức lại để tiêu-diệt nó : một hơi khí, một giọt nước cũng đủ giết chết nó rồi. Nhưng, nếu hoàn-vũ nghiền nát nó đi, con người vẫn cao-trọng hơn kẻ giết nó, bởi nó biết nó chết, còn thế-lực của hoàn vũ đàn-áp nó, hoàn-vũ không biết gì hết... Tất cả phẩm-giá của ta, là nơi tư-tưởng... Và nhứt là tư-tưởng cho đúng. ››

Thật quả như thế. Con người sở-dĩ khác vạn-vật là nhờ nơi tư-tưởng. Đừng nói chi đến chỗ phân-biệt giữa người và vật làm gì, ngay giữa người và người, kẻ văn-minh người dã-man, kẻ trí-thức người ngu-si cũng do nơi tư-tưởng mà phân cao thấp.

Tập tư-tưởng cho đúng, là điều cần-thiết nhứt, hơn nữa, là một phận-sự khẩn-cấp của tất cả những người hữu-tâm đến danh-dự làm người của mình, đến trách-nhiệm của mình trong gia-đình, trong quê-hương, trong nhân-loại. Làm cha mẹ mà tư-tưởng sai, là hại cho cả một gia-đình. Làm thầy mà tư-tưởng sai, là hại cho cả nhóm học-sanh. Làm chủ một nước mà tư-tưởng sai, là hại cho cả một nước ấy.

Kẻ thiếu quan-năng của tư-tưởng, là kẻ sống dưới quyền chỉ-huy của dục-vọng, của thói-quen... sống như một con vật. Cho nên, đối với mình tư-tưởng là phương-pháp duy-nhứt để tự giải-thoát vậy.

Ta biết trầm-trồ một đứa trẻ mới tập đi, ta biết trầm-trồ kẻ tập đi xe đạp... Nhưng đối với kẻ tập tư-tưởng, dường như ta không thèm để-ý đến. Người ta dạy đi, dạy đứng, dạy ăn dạy nói... dạy đủ mọi việc, trừ ra tư-tưởng. Là vì người ta cho đó là một điều hết sức tự-nhiên, không cần phải dạy-dỗ gì cả.

Từ buổi ấu-thơ đến lúc trưởng-thành, tha-hồ mà xoay-trở với bộ máy phức-tạp ấy được thế nào hay thế nấy. Người ta sửa dạy lời ăn tiếng nói cho khéo-léo gọn-gàng, đến như dạy về cách tư-tưởng cho phải đường, thì chỉ dành riêng cho một hạng người mãn khóa trung-đẳng của ban triết-học thôi. Chỉ có đến lúc bấy-giờ, anh thiếu-niên may-mắn ấy, được người ta kéo cho tấm màn u-minh của khối óc anh. Lần thứ nhứt, anh mới được nghe người ta giảng-luận về những cách tư-tưởng nào là đúng, những cách tư-tưởng nào là sai. Bấy giờ anh mới lấy làm kinh-ngạc rằng bấy lâu nay anh đã tư-tưởng được mà không dè... Có khi may-mắn mà anh tư-tưởng đúng, nhưng phần nhiều là anh tư-tưởng sai, vì theo người ta cho anh biết ‹‹ tư-tưởng là một động-tác khó-khăn, có quy-tắc hẳn-hòi, nhiều bực vĩ-nhân cho là một vấn-đề hết sức hay-go và hiểm-hóc ››.

Một khi anh nhận-chân được rằng trong đời có một khoa tên là Luận-lý-học, thì than ôi, sự đã quá muộn-màng rồi ! Thật vậy, người ta đã tập cho mình cách cầm cương lên ngựa sai, hoặc đã tập cho mình cách lội, cách đờn sai, thì về sau, đâu phải dễ gì đem lý-luận hay quy-tắc mà sửa lại được những sai-lầm đã thành thói-quen ấy. Ít ra, phải vận-dụng rất nhiều Ý-Chí mới phá được cái tập-tục trước kia, nghĩa là phá bỏ cả cái mình đã học lầm và gia-công huấn luyện lại như hồi sơ-khởi. Thà trước kia đừng biết lội, biết đờn còn hơn. Chớ một khi đã lội sai hay đờn sai, thì cái thói-quen xấu-xa kia đâu phải dễ gì đổi-thay cho chóng đặng. Công-phu dùng để sửa những thói hư ấy, là một công-phu không phải người có chí tầm-thường mà làm đặng. Đối với những ‹‹ cách tư-tưởng sai ›› thành thói-quen cũng một thế. Có được mấy kẻ, một khi đã nhận thấy sự lầm-lạc của mình, lại có đủ nghị-lực để sửa-đổi  ‹‹ thói hư  ›› của mình kia không ?

THUẬT TƯ-TƯỞNGNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ