Không gì có thể tẩy trắng được những hành vi bạo tàn của Doflamingo trên tư cách là một hải tặc, một Thất Vũ Hải, một vị vua. Nhưng nếu tạm nhấc những vết máu nhơ bẩn của khủng bố và tàn sát ấy sang một bên, thì câu chuyện về Doflamingo là một câu chuyện bi kịch về gia đình, và cách những thành tố "gia đình" cấu trúc nên một con người.
Xuất phát điểm là một Thiên Long Tinh, Doflamingo hiển nhiên được biết về sự cao quý của dòng máu mình. Một đứa trẻ dưới tám tuổi, hành vi của nó hầu hết là học hỏi từ người lớn xung quanh mình. Chúng ta đều quá rõ cách hành xử của các Thiên Long Tinh, cách họ hợm hĩnh tự cho rằng thế giới xoay quanh họ, với những nô lệ được buôn bán như hàng hoá và không có nhân quyền. Đó là thứ đã tạo nên một Doflamingo ngông ngáo và rồi tự rước hoạ vào thân khi còn ấu thơ. Tất nhiên lỗi lầm không hoàn toàn xuất phát từ Doflamingo. Nếu như nhà Donquixote không mang dòng máu Thiên Long Tinh với đầy tai tiếng, lại tuỳ tiện chuyển từ đất thánh xuống một nơi toàn những kẻ mang thù hằn độc địa, thì có lẽ người ta cũng chỉ coi Doflamingo là một đứa trẻ ngỗ ngược, không hơn.
Nhưng chính vì Doflamingo không phải là một đứa trẻ ngỗ ngược bình thường, bi kịch giáng xuống khiến gia đình lưu vong, bị truy sát, sống trong đói nghèo và bệnh tật của khu ổ chuột. Đứa trẻ ấy cùng em trai nhỏ đã học cách sinh tồn và thậm chí, kiếm ăn cho bản thân và gia đình khi mẹ đổ bệnh. Donquixote Homing có thể là một người đàn ông giàu lòng nhân ái theo nghĩa này nghĩa nọ, nhưng xét về cốt cách làm cha, thì ông đã thất bại hoàn toàn từ điểm này.
Cái chết của mẹ thực sự là bi kịch trọng yếu đầu tiên giáng xuống đầu Doflamingo, thứ mà gã sau này vẫn cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cùng với sự kiện gã giết cha. "Giết cha", nghe có vẻ là một tội ác tày trời và kinh hoàng hơn hết thảy, nhưng đây thực ra là tội lỗi hiếm hoi xứng đáng được tha thứ trong suốt cuộc đời đầy vết nhơ của Doflamingo. Việc ba cha con còn sống, đấy thậm chí còn không phải là nhờ ơn của ông Homing. Doflamingo đã tự cứu mình, bằng chính cơn thịnh nộ trong tuyệt vọng với số phận và nỗi hận thù cả thế gian. Giả như cuộc đời Doflamingo không đầy những toan tính tàn độc, thì người ta sẽ khóc thương cho đứa trẻ ấy chứ?
Vậy là bên cạnh "giết cha", còn có "tự cứu mình". Tất cả đều là sự tỉnh thức bản ngã của một đứa trẻ mười tuổi, tức là quá nhỏ tuổi. Tại sao tôi lại nói vậy? Việc bộc phát Haki bá vương rồi tự cứu được mình, ấy là một thứ nằm ngoài dự đoán của Doflamingo. Khi ấy gã còn chưa hề nhận thức được sức mạnh của mình, không ý thức được bản chất của hành động, hay nói đúng hơn, đó là sự phản kháng số mệnh trong vô thức. Nhưng việc Doflamingo giết cha, đó là sự kháng cự số mệnh một cách có ý thức, rằng đứa trẻ mười tuổi ấy, nó đã quyết định cách sống của mình, dù nó có trở thành quỷ dạ xoa đi chăng nữa.
So sánh Rosinante với Doflamingo trong hoàn cảnh này là vô nghĩa, vì tuy cùng chịu chung một hoàn cảnh, nhưng kẻ buộc phải giành giật lấy số phận là Doflamingo. Nếu không có gã, cả hai anh em đã đều tận số trên giàn hoả thiêu. Gã chỉ giết cha, không giết em trai, ấy là một quyết định vô cùng lý trí. Gã biết rõ đâu mới là "kẻ có tội" đối với cuộc đời mình, và gã không đòi hỏi ông Homing phải thay đổi những gì ông đã làm ra. Ông không thể thay đổi được, nên gã giết ông, đem đầu ông lên thánh địa và yêu sách đòi lại cuộc đời mình, dù yêu sách ấy bất thành và cuộc đời gã sang trang.
Bởi vì chứng kiến anh trai giết chết cha ngay trước mắt mình, nên Rosinante đã hình thành trong tâm trí mình một nhận thức rằng: "Anh ta là ác quỷ." Đó cũng là khởi nguồn của tấn bi kịch khi hai người ở độ tuổi đôi mươi. Tôi không muốn đặt hai anh em họ lên một bàn cân để nói rằng "Rosinante đã không sa ngã, anh là người tốt. Còn Doflamingo là kẻ ác." Không, nói như thế thì đơn giản và nông cạn quá. One Piece không phải một tác phẩm với khái niệm đạo đức tốt-xấu rạch ròi nhưng hẹp hòi đến vậy.
Thực ra Oda cũng đã khai thác một cách vô cùng thực tế về sự khác biệt thường thấy giữa anh chị em trong một gia đình. Doflamingo là con cả, và Rosinante là con út. Đứa con cả, dù tính cách nó có thế nào đi chăng nữa, thì nó cũng là đứa thường phải gánh lấy đủ thứ trọng trách, chịu đựng cảm giác tội lỗi thường xuyên, nó thường xa cách gia đình hơn, nhìn ra ngoài xã hội nhiều hơn nhưng lại là đứa ám ảnh về khái niệm gia đình hơn. Con út thông thường, thế giới của nó xoay quanh bởi mẹ cha là chủ yếu và có thế giới quan tương đồng với cha mẹ hơn. Tất yếu đây chỉ là xu hướng, chứ không phải định luật. Nhưng Oda đã chọn cái xu hướng này để khắc hoạ nên một bố cục gia đình giản đơn, dễ hiểu nhưng đầy đau thương.
Doflamingo khi gặp lại Rosinante và kết nạp em trai vào băng, gã đã tin tưởng và bảo bọc Rosinante, thậm chí hi vọng em trai có thể thấu hiểu mình. Tất nhiên có thể nói rằng gã làm vậy là để lợi dụng Rosinante, ép Rosinante ăn Ope Ope no Mi và thực hiện tham vọng nào đó của gã. Việc "thực hiện tham vọng" đó có thể không sai, nhưng tham vọng của Doflamingo là gì, bất tử ư? Không rõ, ít nhất thì gã chưa bao giờ thực sự khẳng định thế.
"Nếu được sử dụng bởi ai đó đủ khôn ngoan, Ope Ope no Mi có thể thực hiện giấc mơ của nhân loại kể từ thời cổ đại. Đó là lý do tại sao nó được gọi là trái ác quỷ tối thượng." - Đó là những gì Doflamingo đã nói.
Để lưu ý thêm, thì cái chữ được dùng để mô tả Ope Ope no Mi là 究極, dịch là tối thượng chẳng sai, nhưng nó cũng có nghĩa là "cuối cùng". Chống lại cái chết có thể coi là giấc mơ của nhân loại, nhưng chỉ một người bất tử không thôi thì... có vẻ không "nhân loại" cho lắm nhỉ?
Tạm bỏ qua vấn đề về Ope Ope no Mi ở đây, nhưng nhìn chung, Doflamingo trên tư cách là người anh cả, dù thế nào đi chăng nữa cũng đã bao dung và bảo vệ em trai mình. Sau này, gã nói với Law rằng Rosinante chẳng hơn gì ngoài một đống phiền phức, song dường như đây là một nhận định mang tính hận thù cá nhân sau khi bị phản bội, như là một cope mechanism đối với cảm giác tội lỗi sau khi thực thi một tội ác khiến chính bản thân gã cũng phải cảm thấy day dứt, giống với việc gã cho rằng cha mình là một kẻ ngu ngốc, kiểu như "họ xứng đáng bị thế". Song rõ ràng là gã không sử dụng cope mechanism này đối với sự hi sinh của Vergo và Monet (mà lại đổ lỗi cho Law, "tại mày mà tao buộc phải làm thế"). Hiển nhiên, Doflamingo luôn chịu cảm giác tội lỗi khi hi sinh gia đình mình, và gánh nặng ấy đủ lớn để gã hắt nước bẩn lên đầu người khác, thay vì dửng dưng "đóng vai ác" như thường lệ.
Rosinante lại một mực tin rằng anh trai mình là ác quỷ, mọi hành vi của gã đều có khả năng là âm mưu cho một tham vọng to lớn. Và giống như tiên tri tự ứng nghiệm, tất cả những gì Rosinante nhìn thấy ở Doflamingo là ác quỷ, thì anh cũng đã dẫn đường cho gã thực thi tội ác giết em trai đầy đau buồn ấy bằng cách phản bội gã. Thế là... trong mắt của Rosinante, từ phút đầu cho tới phút cuối, anh trai của anh nguyên vẹn là một ác quỷ vô đạo đức, người đã giết người thân ruột thịt.
Đây chính là sự tài tình của Oda trong việc khắc hoạ tâm lý gia đình. Không rõ Oda đã mô phỏng lại mối quan hệ gia đình của ai, hay là dựa trên lý thuyết về tâm lý học gia đình, song flashback về Doflamingo thực sự là một điểm nhấn vô cùng sâu sắc, đầy bi kịch và nhân văn.
BẠN ĐANG ĐỌC
1001 điều muốn nói về DofCro
Diversos‼️ Đây không phải là fanfic Chỉ là rất nhiều thứ lặt vặt tôi muốn viết vì DofCro Hoặc chỉ đơn giản là về Doflamingo, hoặc Crocodile, hoặc những nhân vật xung quanh họ.