Trên đỉnh Mộc Vân, ẩn trong màu xanh thăm thẳm của núi rừng miền bắc có một ngôi đền cổ tồn tại suốt hàng nghìn năm, tĩnh lặng ngắm nhìn thế sự xoay vần. Được ví như cái nôi của vương triều, ngôi đền chính là nơi vị vua đầu tiên của nhà An - Lý Tá được sinh ra và lớn lên. Ấy vậy nên núi Mộc Vân vừa là thánh địa, vừa là cấm địa của người dân nước Nam Long, chỉ có huyết thống nhà An và tộc người Sênh sống ở làng Phách dưới chân núi Mộc Vân mới được đi vào vùng đất linh thiêng, bước đến đền thờ của vị thần tối cao.
Mỗi năm, cứ đến dịp tết Thanh Minh và ngày lễ Vu Lan, vương thất nhà An lại rời hoàng cung, đến đền thờ trên núi Mộc Vân dâng hương, cúng bái, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước yên bình, vương triều mãi mãi phồn thịnh.
Theo tục lệ từ thuở cụ Lý Tá khai sinh ra nhà An, khi một vị vua mới kế thừa ngôi báu, vào dịp Vu Lan của năm đầu tiên trị vì phải ở lại và chung sống với người dân làng Sênh năm ngày, cùng họ chăm sóc đền thờ, chuẩn bị lễ vật để dâng lên cho thần và quan trọng hơn hết chính là chiêu mộ người tài từ làng để đưa đến hoàng thành bồi dưỡng. Gia đình của người được chọn sẽ nhận được một số lượng lớn châu báu và của cải sau khi lăn tay điểm chỉ vào tờ khế ước, đổi lại đứa con ấy của họ sẽ vĩnh viễn thuộc về vương thất nhà An, cả đời cống hiến cho triều đình, không được trở về làng Phách, chỉ trừ phi người đó chết đi và có di nguyện được trở về quê hương.
Ngày 13 tháng 7 năm Mậu Dần, Hoàng Cát năm thứ 1.
Lý Hoàn dìu phu nhân Trần thị xuống xe ngựa, tay đan tay bước vào đất làng Phách. Ông trưởng làng họ Trần cùng các vị già làng đã đợi sẵn ở trước cổng, niềm nở đón tiếp các vị khách quý.
Vua và phu nhân ngự tại hành cung Quang Hoa nằm giữa thần điện và nhà thờ tổ của làng. Nằm giữa màu xanh trong vắt của hồ La Ân ở tít sâu trong làng Phách, hành cung được xây dựng vào thời vua Lý Tá, tính đến nay đã hơn trăm năm, trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
Khi màn đêm len lỏi khắp mọi ngóc ngách của ngôi làng và ánh trăng tròn vành vạnh rọi xuống làng Phách cũng chính là lúc "vườn hoa" trong hồ La Ân khoe sắc. Mặt hồ đen tuyền bừng sáng rực rỡ như hàng nghìn vì sao đồng loạt rơi xuống nước, cho nên người ta còn thường gọi nơi này là hồ Sao.
Cả nước Nam Long rộng lớn, chỉ có đứng tại nơi này mới có thể chiêm ngưỡng được cảnh tượng tuyệt mỹ như vậy. Tương truyền, đây chính là món quà đầu tiên mà vị thần trong ngôi đền cổ kia đã ban tặng cho người làng Phách nói chung và cụ Lý Tá nói riêng.
Bao đời qua, người trong làng vẫn thường truyền tai nhau câu chuyện khi ánh trăng rằm nhuộm màu máu, "trời sao" trong hồ phủ sắc tím cũng là lúc vị thần trong đền tỉnh giấc, ban phát điều ước cho kẻ tín đồ may mắn gặp được ngài. Trước khi cụ Lý lập nên nhà An thái bình thịnh trị, kéo dài hơn hai trăm năm này, bầu trời của Nam Long cũng đã từng xuất hiện dị tượng như thế.
Theo lệ xưa, vua phải chung sống và làm việc cùng người dân trong suốt năm ngày ở lại làng để chuẩn bị lễ vật dâng lên vị thần đáng kính. Tục xưa là vậy nhưng qua hơn hai trăm năm thế sự xoay vần, vạn vật không ngừng biến chuyển, loại tục lệ truyền từ đời này sang đời khác này cũng đã thay đổi ít nhiều. Vua là vua, dân là dân, há có thể ngang vai phải vế?
BẠN ĐANG ĐỌC
Cáo Tinh, Cáo Tinh, Cho Ta Xem Tai Của Ngài Nhé?
Romance✿ Tên khác: Có con cáo già giấu nhành cúc hoa / Cáo Hoa (Viết tắt) ✿ Tác giả: Yên Hoa ✿ Bìa: Canva [Tui biết là rất 6 nhưng đợi khi nào rủng rỉnh, tui gom hết truyện đi đặt người ta vẽ bìa sau nhen. Các mom nhìn đỡ cái bìa này một thời gian giùm iem...