Xuân lướt qua mang một màu ảm đạm. Dẫu trong cung hay ngoài dân gian, người ta cũng chẳng còn nhớ được mùi bánh chưng, mùi dưa hành hay tiếng leng keng của khánh đất treo trên ngọn cây nêu, mà chỉ nhớ đến chuyện trai đinh ở các lộ đều đã tòng quân từ sau rằm. Đánh nhau to. Đâu đâu dân cũng kháo nhau như thế trong nỗi thấp thỏm. Nhưng trận mạc ở mạn bắc với chúa động họ Can lại không giống họ dự liệu. Quan quân triều đình cứ đánh rồi lui, quân tình báo về kinh cũng luân chuyển thắng bại khôn lường. Đông phong cứ như thế tắt lịm giữa những tiếng vó ngựa vội vã bất kể đêm ngày đi đi lại lại giữa hai nơi, cuối cùng lặng thành cái lạnh giá song đôi với mưa bụi màn phủ khắp chốn. Trời rét mướt kéo dài cho đến hết tháng tư mới chịu nhường chỗ để hạ về. Có một ngày, Khanh ngồi ngoài sân, nàng ngước nhìn mấy bông hoa lựu đỏ rực đã trổ tự bao giờ đang khoe sắc bên hiên. Hơi thở của nàng nghe chừng khó nhọc, nhưng nét mặt nom hào hứng hẳn lên. Hết đông rồi đến xuân, nàng đều nghe theo lời phu nhân Thuần Đức mà trốn tiệt trong Sùng Hoa đường, tránh cho giá lạnh làm hại thân. Dẫu cả hoàng thái tử lẫn phu nhân, cùng lệnh bà Đàm thị đều chăm sóc hai mẹ con nàng chu đáo, nhưng cơn bức bối vẫn cứ âm ỉ làm nàng ngày càng thêm uể oải, ủ rũ. Mãi khi hạ về, trời ấm lên rồi sang oi ả, nàng mới ra khỏi căn buồng, dạo bước loanh quanh hoặc bắc ghế ngồi hóng mát ngoài hiên. Việc thai nghén của nàng dễ dàng hơn phu nhân Thuần Đức dạo trước, đến tháng thứ bẩy thứ tám vẫn còn đủ sức học đọc học viết chỗ phu nhân Nguyễn thị. Lúc rỗi rãi, kể cả khi ngồi chơi, nàng cũng đem sách ra xem cho khỏi quên mặt chữ. Cứ như thế, hết hè, Khanh đã viết được thư hỏi thăm dì Miên và con Cầm, cũng tự viết được tên mình.
"Tên của bà kể ra chả phải là xấu," Nhìn nàng chậm chạp đưa bút, phu nhân Nguyễn thị nhấp một ngụm nước vối rồi nói. "Hiềm nỗi đọc thì thế, mà cụ nhà lại chọn chữ lắt léo quá thể."
"Ngày bé chỉ nghe mẹ tôi bảo chọn chữ ấy cho cứng cáp dễ nuôi." Khanh cười. Mới chỉ học được vài tháng, nhưng nàng đã thật lòng quý phu nhân Nguyễn thị như trưởng bối trong nhà. Viết xong chữ, nàng đưa cho bà xem.
"Nét phẩy của bà trông hẵng còn thiếu lực. Ban nãy tôi để ý, bà đưa bút vẫn chưa thuận." Phu nhân Nguyễn thị xem qua, bà nhẹ giọng. Đoạn tay cầm quyển sách, bà bắt đầu lật từng trang. Tiếng giấy sột soạt xen với tiếng thở dài của bà. Thấy nàng vẫn ngồi im, thỉnh thoảng lén nhìn mình, bà hỏi. "Chẳng hay bà còn điều gì..."
"Không, không. Phu nhân dạy phải lắm, để ta viết lại rồi trình phu nhân xem." Khanh ngượng ngùng. Đúng là nàng có chuyện muốn hỏi phu nhân, nhưng chẳng biết phải mở lời thế nào. Nàng lại trải giấy, tay cầm bút phết nhẹ vào nghiên mực.
"Hay là bà thấy mệt trong người? Để tôi sai kẻ dưới đi truyền thái y đến." Vị phu nhân lo lắng, bà hỏi dồn.
"Ấy... " Nàng ngập ngừng. "Chẳng là tôi có chuyện này chưa tỏ, muốn hỏi phu nhân."
"Bà là người trên, cũng là người trong nhà với nhau, tôi đã nhận lời điện hạ đến dạy dỗ bà, thì ắt sẽ theo đúng đạo. Bà cần hỏi chuyện gì, ví thử mà tôi biết, tôi không giấu bà." Nhìn dáng vẻ bồn chồn của nàng, phu nhân Nguyễn thị trấn an.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ
RomansaChớ tham ngồi mũi thuyền rồng Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta Chớ ham vóc lĩnh trìu hoa Lấy chồng làm lẽ người ta giày vò. - Lời chèo cổ, trích "Những làn điệu chèo cổ chọn lọc", NXB Văn hóa thông tin, 2007 - Một vài lưu ý gửi đến bạn đọc: ...