Xuân đến, muôn loài sống dậy, muôn vật tốt tươi.
Hạ đến, loài chăm sinh nở, vật quả trĩu cành.
Thu đến, loài an cư ngụ, vật chuyển tán khu.
Đông đến, loài tập sinh tồn, vật thiên biến đổi.
Để đến cuối cùng, chung quy là vòng lặp vô tận của thời gian.
Nếu đã như thế, thời gian là gì ?
Đối với triết học hiện đại - theo tôi là triết học chủ nghĩa duy vật biện chứng; thời gian cùng với không gian là cặp phạm trù dùng để chỉ về một hình thức tồn tại của thế giới vật chất. Thời gian trong triết học duy vật biện chứng chỉ tồn tại khi vật chất tồn tại; tức là không tồn tại vật chất thì thời gian chỉ là hư vô, là những quan niệm trừu tượng trống rỗng vô căn cứ trong nhận thức của nhân loại. Theo đó, ta nhận thấy được quan niệm của triết học duy vật biện chứng về tính song hành của khái niệm tồn tại dựa vào tính tồn tại của vật chất là tính song hành khách quan coi thời gian là tồn tại vĩnh cửu.
Khi nhìn vào thuở ban đầu của triết học, lí luận về thời gian là vô cùng đơn giản và sơ khai nhưng vẫn tồn tại cơ sở của lí luận trong triết học hiện đại. Rất nhiều ý tưởng đã được các triết gia sơ khai đưa ra để lí luận về thời gian từ việc coi thời gian là chuyển động của các thiên thể, là tồn tại phụ thuộc vào chuyển động của mọi vật có thể đo lường cho tới những nhận thức luận về khái niệm hữu hình tồn tại trong thế giới thị giác vô hình.
Khi xem xét suốt chiều dài lịch sử triết học, thời gian vẫn tồn tại là một dạng khái niệm nhưng ko được xem xét kĩ càng trên phương diện tập hợp tất cả những lí luận mà loài người có thể tạo ra. Vì lẽ đó bản chất thời gian gần như không thể bị quy chụp trên bất cứ một lí luận rõ ràng nào mà không có sự phản đối của phe phái tuân theo kiểu lí luận khác. Thế nên những kẻ kiếm tìm khái niệm chung nhất cho thời gian đã sử dụng đến công cụ mạnh nhất trong sự phát triển của nhân loại - đó chính là khoa học.
*****
Thời gian trong khoa học là chuỗi liên tục của sự tồn tại và các sự kiện xảy ra theo một trình tự dường như không thể đảo ngược từ quá khứ, qua hiện tại và vào tương lai. Nó là một thành phần lượng của các phép đo khác nhau được sử dụng để sắp xếp các sự kiện, để so sánh thời lượng của các sự kiện hoặc khoảng thời gian giữa chúng và để định lượng tốc độ thay đổi của các đại lượng trong thực tế vật chất hoặc trong trải nghiệm có ý thức. Từ lý thuyết đó, thời gian được xem vào một đại lượng cho phép tạo ra những phép đo thời gian mà tiêu biểu nhất là lịch và đồng hồ. Lịch sử hình thành của phép đo thời gian là cực kì dài và phức tạp để rồi cuối cùng đạt được sự thống nhất trong tư tưởng của toàn nhân loại. Cuối cùng, cả hai giới triết học và khoa học đều đã đạt được sự thống nhất chung về tính tuần hoàn hay tính "lặp" của thời gian.
Để mà nói về tính lặp của thời gian, trước tiên ta phải nói về phương và chiều của thời gian. Thời gian được coi là có phương không xác định và chiều từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Tức là, thời gian không được phép có sự đảo ngược chiều từ hiện tại về quá khứ nhưng được phép thuận chiều từ quá khứ đến tương lai. Các khái niệm này của thời gian có tính tương hỗ và vì thế vị trí và trật tự tồn tại của chúng luôn biến đổi, không thể trở về với trạng thái hay vị trí trước đó được, từ đó hình thành trình tự thời gian.
Dưới góc nhìn của vật lí động lực học, thời gian có liên quan mật thiết đến entropy vĩ mô; suy ra thời gian là đại lượng cũng mang tính vĩ mô, luôn gắn với mọi vật không chừa bất kì thứ gì. Thời gian gắn với từng vật được xem là thời gian riêng phụ thuộc vào vật và có thể khác nhau tùy vào bản chất của vật đó và hệ quy chiếu gắn với nó. Theo đó, mỗi hệ chuyển động với vận tốc khác nhau thì thời gian riêng của từng hệ có thể khác nhau và có thể ảnh hưởng từ hệ này lên hệ khác. Tuy nhiên, trong quá trình tương tác của vật chất thì thời gian phải xác định các sự kiện xảy ra phải là hệ quả của nhau. Nếu sự kiện đo được chỉ là ngẫu nhiên hoặc không có sự liền mạnh khi tái chuẩn hóa hoặc lượng tử hóa qua hằng số plank, thời gian lúc này có vẻ không tồn tại.
Nếu thời gian là sự tiếp diễn các hệ quả từ sự kiện khởi đầu được đo đạc chuẩn xác và tham chiếu trên phương diện vật lí rõ ràng, thì tính lặp của thời gian có thể được giải thích là tập hợp vô hạn các hệ quả của sự kiện khởi đầu tuyến thời gian, hay sự kiện khởi đầu tuyến thời gian vốn đã không tồn tại hệ quả của chính nó từ đó chuẩn hóa chính sự kiện đó thành một hệ quả bất biến trong tuyến thời gian, cuối cùng cho ta một phép lặp gián tiếp.
Nhưng nếu bản thân ta tự quan niệm rằng sự lặp lại của thời gian là sự tiếp diễn của các sự kiện tương tự nhau, ta vẫn sẽ chỉ nhận được phép lặp gián tiếp. Lí do là vì thời gian không cho phép xuất hiện khả năng lặp lại một sự kiện với cùng tính chất, cùng trạng thái, cùng phép đo, cùng chung dòng thời gian,...hay hiểu đơn giản là phá vỡ bản chất một chiều của thời gian. Tưởng tượng một sợi dây được nối lại hai đầu, nó sẽ không còn tồn tại dưới dạng một sợi dây nữa mà trở thành một vòng dây, trở thành một khái niệm hoàn toàn khác. Điều đó trực tiếp chống lại lý thuyết về bản chất của thời gian, nhưng vẫn có thể tồn tại trong một khái niệm lớn hơn của thời gian sẽ được giải thích đầy đủ ở chương sau.