Hoài Ân năm nay hai mươi chín, sắp bước qua tuổi ba mươi vẫn không có ý định kết tóc se duyên với bất kì ai. Ông Kiến Văn là người từng trải cũng là kẻ thất bại trong tình yêu. Ông đương nhiên không muốn con gái lại đi vào vết xe đổ của mình năm xưa. Lắm lúc ông còn nghĩ con gái mình cả đời không động lòng với ai cũng là chuyện tốt, miễn cho bị tình yêu làm đau khổ. Bởi vậy con gái chọn cuộc sống đơn độc ông cũng không cản.
Suy cho cùng mỗi người đều mang một cuộc đời riêng biệt, không nên can thiệp quá sâu vào. Thứ duy nhất ông có thể làm cho con gái chính là để lại khối gia sản khổng lồ này. Hy vọng cuộc sống con gái có thể tự do tự tại, không bị cái ăn cái mặc ghì chặt. Còn việc con yêu ai thương ai ông đều không ép buộc. Để cho con gái toàn quyền quyết định cuộc sống của nó.
Mặt khác, phần lớn thời gian sống của ông đều dành để tưởng nhớ đến người xưa. Giờ đây Hoài Ân đã khôn lớn, trách nhiệm của ông cũng gần xong. Ông Kiến Văn gần ấy năm sống như một cái xác cằn cõi, già nua. Linh hồn đã chết cố chờ mong ngày hội ngộ với người thương ở bên kia thế giới.
Sắp tới đây ông Kiến Văn có mời một bác vật từ dưới miền xuôi lên để nghiên cứu và cho trồng thử nghiệm các giống cao su mới, có thể cho năng suất tốt hơn. Không ai khác Hoài Ân chính là người tiếp đón. Nàng đang lo tính xem sắp xếp chỗ ở cho người đó như thế nào mới thuận tiện. Đồn điền có chỗ nhưng tạm bợ. Còn ở dinh thự chỉ có hai toà nhà. Toà chính bên kia tất nhiên là không ở được. Toà nhà bên này của nàng chỉ có hai phòng lớn và một phòng nhỏ.
Một phòng của nàng, một phòng của Thiên Hỷ, phòng nhỏ thì của con Lam. Nếu như ngày thường Thiên Hỷ học ở trường thì nàng có thể cho người nọ ở tạm. Ngặt nỗi sắp tới Thiên Hy về cũng về ở đây. Lại là phòng của con gái, bác vật kia ở đúng là có chút bất tiện. Lòng Hoài Ân cũng không muốn ai ở phòng của Thiên Hỷ. Mà cho khách ở phòng nhỏ của con Lam thì thất lễ nên cũng không được. Hoài Ân đành gấp rút cho thợ tân trang lại văn phòng bên kia đồn điền cho vị bác vật đó ở. Nhưng trước khi thợ sửa sang xong, người đó vẫn phải ở tạm tại dinh thự này vài tuần cho đến một tháng.Thiên Hỷ gom ít đồ vào rương háo hức đón xe về dinh thự. Nó về sớm hơn một ngày, định tạo bất ngờ cho mợ. Nó có mua một chiếc khăn mới cho vú Kim, một gói thuốc cho ông Cộc, chị Lam với Điểu Ly mỗi người một cái kẹp tóc của mấy người Cao Miên bán. Riêng mợ khiến nó có chút đau đầu. Sống chung nhiều năm nó biết tính tình mợ đạm nhạt. Không có thích thứ gì cụ thể, thái độ luôn hờ hững với mọi thứ. Mợ không thích đeo nhiều trang sức, mợ của nó đẹp sẵn rồi nên chẳng cần chưng diện cũng vẫn cứ là đẹp. Mà hình như cái gì mợ của nó cũng đều có hết, nó không biết tặng mợ cái gì.
Tình cờ một buổi chiều nó đi ngang tiệm hình. Nó lại sực nảy ra một ý định. Vội từ trong khung ảnh trên đầu giường rút ra tấm ảnh nhỏ của Hoài Ân mà nó đã lén trộm hồi trước. Nó đưa cho ông chủ rửa to ra rồi lộng vào chung một khung với ảnh của nó. Thiên Hỷ vui vẻ khi nhìn thấy hình của nó với mợ cùng nhau trong một khung. Nó lấy bạc trả rồi hí hửng ra về mà không hề biết ông chủ tiệm hình thấy hai người con gái An Nam xinh đẹp quá. Ông chủ không nghĩ nhiều liền làm thêm một lồng kiếng lớn treo ở trước cửa tiệm làm mẫu. Người qua kẻ lại đông đúc trên phố đều dừng lại ngó người trong ảnh, tấm tắc khen mấy câu rồi mới chịu đi tiếp.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Duyên Gái] Đồn Điền Đất Đỏ
Ficción GeneralBối cảnh: đồn cao su ở miền đất đỏ. [Thông cáo ai muốn đi Nam Kỳ và Cao Miên.] Trong đó ghi đãi ngộ cho phu như: Tiền công 8 hào một ngày. Có chỗ ở, được chăm sóc y tế khi đau ốm, nhận cả phu đi cùng gia đình, con cái được nhận nuôi ngay khi ký giấ...