Chương 27: Khổ cực

117 15 4
                                    

Ba người quay về hướng cũ ra xe. Bảy Xị thở phào như trút được gánh nặng. Khôi phục dáng vẻ xu nịnh, sởi lởi đi phía sau. Đi được một đoạn thì có tiếng chuông đánh inh ỏi. Từng nhóm phu cao su từ trong kho chứa mủ lần lượt đi tản ra mấy góc cây cao su mà nghĩ ngơi ăn uống. Hoài Ân với Duy Bách không hẹn mà cùng đi lại chỗ một nhóm phu đang tụm lại gốc cây gần đó xem xét.

Hoài Ân nhìn thấy bốn người đàn ông, có người cởi trần, có người mặc áo bà ba vải mỏng tan. Bên cạnh là một người đàn bà cũng trạc hai mươi lăm đang ẫm đứa con chừng bốn tuổi. Đứa nhỏ mình mẩy ốm nhom, tóc cắt lởm chởm, da dẻ đen nhẻm, nước mũi chảy tè le. Đứa nhỏ thấy cai Bảy thì sợ khóc ré lên. Người mẹ lập tức bịn miệng nó đỗ. Mặt cũng sợ đến tái xanh nhìn đám người Hoài Ân như sợ cọp beo.
Mấy người phu cao su kia thì lia ánh mắt không thiện ý, chỉ chụm đầu xuống một tàu lá có mấy gói gì đó thò tay mà bốc ăn. Cơm nguội lạnh đen xì, nhìn lại cứ như có sạn vậy mà họ bốc ăn ngấu nghiến, ăn một cách ngon lành. Hoài Ân thấy một cái chén đựng thứ gì đó đen đen xệch xệch lại có mùi cực kì khó ngửi. Nàng chỉ tay hỏi người đàn bà:

- Cái này là gì vậy?

Người đàn bà tay bốc cơm đút lên miệng đứa trẻ vừa sợ xệch trả lời:

- Là mắm đó thưa cô.

- Tem phiếu mỗi tuần có gạo với thịt. Sao không lấy ra ăn để đứa nhỏ ăn mắm như vậy?

Người đàn bà ngơ ngác, lại thấy ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống của cai Bảy đứng phía sau thì không dám trả lời. Một người đàn ông trong đám thấy vậy cũng trừng mắt nhìn lại cai Bảy lớn tiếng trả lời:

- Thịt? Làm gì có thịt mà ăn chứ cô. Chỉ có mắm với cá khô thôi.

Một giọng khác lại chen vô:

- Gạo có khi còn không đủ ăn nói gì đến thịt. Vậy mà lúc công tra nói vô đây làm vừa có bạc công vừa được đãi ngộ tốt.

Ở các đồn điền cao su miền Đông, điền chủ thường xây các kho lương thực, chủ yếu nhập các loại gạo hư hỏng, hoặc giá rẻ từ các nước ngoại bang, cá mắm từ dân biển vào dự trữ dần cho cu li. Lượng lương thực nhập vào cho đến khi đầy các kho. Đến khi mở kho, gạo đến tay cu li thì đã lên mốc.
Mỗi cu li một ngày chỉ được phát bốn lạng gạo, hai lạng cá nhưng hầu hết đều là gạo mục, cá thối, do chỗ các đồn điền cao su có nhiều kho lương thực, thực phẩm dự trữ để quá lâu ngày nên gạo trong kho bị mốc, cá khô trong kho bị hôi thối.
Những con mọt đen thui, bò nhung nhúc trên mặt gạo, khi nấu cơm, phải đem gạo ngâm cho mọt nổi lên, hớt bỏ đi, còn lại phần gạo mới đem nấu. Ăn hết kho gạo mục, cá thối này thì kho kế đó cũng vừa tới lúc mục, thối và cứ như thế, cu li thường xuyên phải ăn gạo mục, cá thối.

Hoài Ân lập tức quay lại nhìn Bảy Xị bằng ánh mắt dò xét:

- Chuyện này là sao hả cai Bảy?

Bảy Xị tức đám phu cao su đến đỏ mặt. Mắt láo liên, sau đó lắp bắp trả lời Hoài Ân:

- Tụi nó, xạo đó... thưa cô. Gạo với thịt mỗi tuần tôi đều phát đủ cho chúng nó.

[Duyên Gái] Đồn Điền Đất ĐỏNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ