Mấy người đi cùng do mệt nên đã tản ra ngủ trên sạp tre. Chỉ còn ba người thức bên cạnh bếp lửa. Điểu Ly đem nước lá ấy xuống để nguội rồi mới chế ra để Lam rửa vết thương cho Hoài Ân. Con Lam nhìn chỗ nước ấy có chút nghi ngại, chỉ sợ rửa bậy bạ sẽ làm vết thương của cô hai càng thêm nặng. Thấy vậy Điểu Ly mới nói để nó yên tâm:
- Đây là bài thuốc của dân đi rừng khi bị vết thương hở. Có thể tránh cho vết thương bị nhiễm trùng. Hai người có thể yên tâm mà rửa... còn nếu sợ đau thì cứ chấm từng chút quanh vết phỏng cũng được. Sau đó quấn băng vải khô lại.
Con Lam lấy nước trong ống chế ra rồi rửa từng chút quanh vết thương cho Hoài Ân. Hoài Ân đang lơ mơ bị đau đến mức tỉnh cả người, hai tay bấu chặt vào tay vịn của xe lăn, cố không la tránh làm ồn đến những người đang ngủ. Sau cùng chịu không nỗi, nàng mới đưa tay lên miệng cắn chặt, cũng không ngăn được tiếng rên phát ra khe khẽ. Con Lam nhìn thấy vậy thì cũng xót xa trong lòng. Tại sao ông trời lại bắt cô hai nó phải chịu đau đớn đến mức như vậy đây.
Điểu Ly thức canh cho mọi người ngủ. Trời gần sáng, nó cũng bắt đầu thu dọn một số vật dụng để chuẩn bị về bản. Con Lam nằm co ro bên cạnh Hoài Ân, nó bị một ngày mệt mỏi nên vừa ngã lưng đã ngủ ngon lành. Chỉ có Hoài Ân bị cơn đau hành hạ không tài nào ngủ được. Trong rừng sương đêm lạnh vô cùng, nàng kéo vải bố đắp cho con Lam, trầm ngâm nhìn Điểu Ly, một lúc sau mới khẽ hỏi:
- Sao cô lại đối xử tốt với tôi như vậy? Trước đó, tôi có cư xử không hay với cô.
Điểu Ly xoay lại, ánh lửa lập loè soi rọi một bên khung sườn mặt vẫn còn đường nét non nớt của thiếu nữ trả lời:
- Vì mợ là mợ của chị Hỷ. Còn việc mợ nói đó... tôi cũng không có để bụng làm gì đâu. Nặng cái bụng lắm.
- Thật vậy sao? Tôi... xin lỗi.
Hoài Ân chưa kịp dứt lời thì Điểu Ly đã cắt ngang:
- Mợ không biết đó thôi. Chị Hỷ lúc nào cũng nhắc đến mợ. Thế giới của chị Hỷ dường như chỉ xoay quanh một mình mợ. Trong mắt chị ấy, mợ là người vô cùng quan trọng.
Ngưng một chút, Điểu Ly mới tiếp tục:
- Tôi vẫn nhớ, sau mỗi buổi học ở nhà thờ, chị Hỷ đều ở dưới chân Chúa, cầu nguyện cho mợ được bình an. Chị Hỷ từng nói với tôi rằng chị ấy không muốn mợ chịu bất cứ tổn thương nào. Nếu tôi thấy mợ bị thương giữa rừng như vậy mà không cứu. Tôi làm sao ăn nói với chị ấy đây nhưng sức tôi có hạn, ở đây cũng không có thuốc men gì. Để mợ chịu cực khổ rồi.
Không hiểu sao, nghe Điểu Ly nói vậy lòng Hoài Ân bất giác cảm thấy nhẹ nhõm. Có một tia sáng chợt loé lên trong ánh mắt. Cảm quan có chút áy náy đối với Điểu Ly. Nàng cảm thấy hành động lúc trước của mình thạt thật ích kỷ nhỏ mọn. Nhưng cũng đã làm rồi, nàng chỉ có thể nhẹ giọng:
- Cám ơn cô.
Điểu Ly không trả lời, chỉ nở một nụ cười có chút hồn nhiên rồi lại tiếp tục làm việc. Đến sáng, ánh nắng len lỏi qua từng kẽ lá xua đi cái lạnh của màn sương. Hoài Ân và Lam đi theo nhóm người Điểu Ly, dân đi rừng có thành thục có khác, một đường đi thẳng về bản làng. Về đến bản, ai nấy đều tẻ về nhà riêng, vợ chồng Điểu Ly, A Phín cũng vậy. Duy chỉ có Hoài Ân với Lam là vẫn lơ ngơ ở đó. Điểu Ly thấy vết thương của Hoài Ân vẫn còn nặng, cần phải dưỡng thương một thời gian mới hy vọng khỏi. Nên nó tốt bụng nói:
- Hai người có thể đến nhà sàn của cha tôi ở tạm.
- Sao vậy được.
Điểu Ly hơi xa xăm nói:
- Từ hồi cha tôi mất căn nhà ấy vẫn bỏ trống thôi.
A Phín cũng nói vào:
- Tôi thấy chân cô còn nặng lắm. Cứ đến đó ở, khi nào lành rồi đi, vợ chồng tôi cũng không cản.
Hoài Ân có hơi bối rối nhưng lúc này cũng không còn cách nào khác. Nàng lại cảm thấy mình nợ Điểu Ly một ân tình, nợ bạc tiền thì dễ, nợ ân tình khó mà trả. Cũng vì thế mà nàng ít khi chịu thọ ơn của người khác, vì nàng sợ không có cách nào để báo đáp.
Điểu Ly dẫn hai người đến căn nhà sàn cách đó một khoảng. Dân làng đi qua lại thấy có hai người phụ nữ lạ thì đều ngó nhìn trân trân. Họ nói với Điểu Ly gì đó bằng tiếng dân tộc, Điểu Ly cũng đáp lại mấy câu bằng tiếng dân tộc rồi dẫn hai người lên nhà. Việc leo mấy bậc thang để lên được nhà sàn đối với Hoài Ân là một việc bất khả thi. Con Lam phải cõng nàng lên rồi quay xuống lấy xe lăn. Điểu Ly chóng cửa sổ lên cho ánh sáng luồng vào, xua đi cái không gian bí bách của căn nhà.
- Ở đây có bếp, trong khạp còn có gạo. Hai người đói có thể nấu ăn.
A Phín tốt bụng đem lên cho hai người một ít cá suối sấy khô mang từ rừng về. Trước lúc ra về, A Phín còn nói:
- Chỗ nhà thờ chắc có thuốc. Dù gì tôi cũng phải mang mật ong đến đó. Tôi sẽ xin một ít mang về cho cô.
Con Lam tò mò hỏi:
- Anh mang mật ong đến nhà thờ bán hay gì?
- Không có bán. Nhờ có người ở đó dạy chữ cho mấy đứa trẻ trong bản chúng tôi. Nên có gì ngon từ rừng tôi đều mang đến đó một ít.
Con Lam lại hỏi:
- Vậy là anh cũng biết chữ hả?
A Phín rất thành thật, không hỏi cũng tự khai:
- Mặt mũi con chữ ra làm sao tôi còn chẳng biết. Nếu tôi sinh muộn một chút thì đã tốt rồi. Nhưng mà tôi nghe cha sứ nói, lớp học đó là do một người tốt bụng nào đó mở ra. Những đứa trẻ đến đó được ăn được học, sau này lớn lên không phải chui vào rừng săn bắt nguy hiểm, hay đi làm phu cực khổ như người lớn chúng tôi. Chẳng hạn như con nhà Điểu Lìn học khá nên được người đó cho bạc xuống xuôi học, giờ đã thành thầy ký rồi. Cô nghĩ xem có tốt hay không?
A Phín vừa vừa cười ha hả, bộ dáng vô cùng tự hào khi trong bản có người học thành tài. Hoài Ân nghe vậy thì cũng mỉm cười. Đây có lẽ cũng là niềm vui hiếm hoi của cô trong suốt mấy ngày nay.
19/10/2024.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Duyên Gái] Đồn Điền Đất Đỏ
Fiksi UmumBối cảnh: đồn cao su ở miền đất đỏ. [Thông cáo ai muốn đi Nam Kỳ và Cao Miên.] Trong đó ghi đãi ngộ cho phu như: Tiền công 8 hào một ngày. Có chỗ ở, được chăm sóc y tế khi đau ốm, nhận cả phu đi cùng gia đình, con cái được nhận nuôi ngay khi ký giấ...