2.3. Những thành công và tồn tại trong chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái:
2.3.1. Thành công
Cơ chế điều hành tỷ giá trên quy định tỷ giá chính thức tạo điều kiện cho Ngân hàng trung ương dễ dàng kiểm soát, điều tiết được thị trường hối đoái. Trước hết là thị trường ngoại tệ trên Ngân hàng. Biên độ giao động quanh tỷ giá chính thức là một công cụ hữu hiệu trong suốt giai đoạn vừa qua, góp phần không nhỏ để đạt mục tiêu ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế.
Thông qua tỷ giá của các Ngân hàng thương mại trong biên độ quy định, ngân hàng nhà nước có thể dễ dàng nắm bắt được diễn biến cung cầu ngoại tệ thực tế của nền kinh tế, nhận biết được xu hướng vận động của tỷ giá hối đoái để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời. Quy định chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán cho các ngân hàng thương mại, ở một mức độ nào đó, hạn chế khả năng đầu cơ tỷ giá của các Ngân hàng tránh trường hợp tỷ giá mua và tỷ giá bán quá chênh lệch.
Cơ chế tỷ giá thống nhất đã tạo ra một môi trường pháp lý vững chắc cho các hoạt động kinh tế - thương mại trong tổng hóa các mối quan hệ của nền kinh tế. Đồng thời tỷ giá chính thức tạo ra được một cơ sở pháp lý, mang tính chủ quyền cho đồng tiền Việt nam trong các quan hệ đối ngoại.
2.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân
Tỷ giá chưa phản ảnh đúng thực trạng cung – cầu ngoại tệ trong nền kinh tế. Thành công của chính sách tỷ giá trong thời gian qua là xoá bỏ sự áp đặt chủ quan, duy ý chí trong việc thiết lập tỷ giá, sự bao cấp thông qua tỷ giá của Nhà nước. Khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường “chợ đen” dần dần được thu hẹp. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá còn nhiều phức tạp. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, lạm phát ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với lạm phát nước ngoài, đặc biệt là lạm phát của Mỹ. Tuy nhiên, mức độ giảm giá của VND lại không ở mức tương ứng. VND theo đó được đánh giá khá cao so với sức mua của nó. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam do giá hàng xuất tính bằng ngoại tệ trở nên đắt hơn, thể hiện ở tình trạng nhập siêu ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá cơ bản (tỷ giá công bố) hằng ngày của NHNN chưa linh hoạt. Có những thời kỳ tỷ giá cơ bản gần như không thay đổi, nhưng sau đó khi cầu ngoại tệ trên thị trường quá lớn, NHNN lại phá giá mạnh đồng tiền (tăng 2% thậm chí 3.36% vào ngày 11/2/2010) hoặc điều chỉnh biên độ xác định tỷ giá kinh doanh của các NHTM. Việc điều chỉnh tỷ giá chưa linh hoạt làm gia tăng hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, gây khan hiếm ngoại tệ giả, làm thị trường ngoại tệ không ổn định, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, tình trạng định giá cao VND cũng khiến VND luôn chịu sức ép giảm giá làm tỷ giá niêm yết tại các NHTM thường xuyên trong tình trạng trần biên độ. Nghiêm trọng hơn, tại những thời điểm căng thẳng do thiếu hụt ngoại tệ, tỷ giá niêm yết kịch trần tại các NHTM thấp hơn rất nhiều so với tỷ giá thị trường tự do. Các NHTM đã thực hiện nhiều “thủ thuật” nhằm lách trần để giao dịch với khách hàng tại mức tỷ giá tương đương với tỷ giá thị trường tự do như đưa phần chênh lệch vào phí thanh toán quốc tế, phí tài trợ ngoại thương thương, hoặc giao dịch thông qua đồng tiền thứ ba.
![](https://img.wattpad.com/cover/313235-288-k0d3684.jpg)