Nếu cho tôi chọn một thứ mà tôi cực kì không hài lòng về cái thời đại dở dở ương ương này thì có lẽ tôi sẽ chọn xoá sổ cái kiểu xưng hô màu mè dầu mỡ mà mấy thằng Tây mũi lõ ép uổng đám dân đen gọi chúng nó lẫn cái đám me Tây nịnh thần.
Chẳng hiểu có lí do gì cụ thể hay chỉ đơn thuần là tại vì cái thân tàn tạ này đã bươn qua đủ các thể loại nghề ngỗng, mà tôi đâm ghét ba cái danh xưng phù phiếm người đời dành cho tôi kể từ khi tiệm thuốc tây nhà họ Trần chễm chệ chiếm 2 cái mặt tiền sầm uất nhất chốn Hà Thành.Nói không phải khoe đâu, một tay tôi dựng đấy. À, có nhờ ơn của một hai người nữa.
Lại nói, mỗi lần có người gọi "thầy Khoa", rồi thì "đốc tờ đốc tờ", tôi lại gai hết cả người. Sao mà nó công nghiệp thế, sao mà nó dầu mỡ thế. Dân giàu sổi cứ gọi vậy để nịnh nhau, còn tôi chỉ ước họ cứ gọi tôi là "thằng Khoa" mà thôi.
"Thằng Khoa" tôi đây, mãi chẳng tập quen được với cái đời sống hoa lệ chốn Hà Thành.
Có một người từng nói với tôi rằng, tôi cứ sống theo cách tôi thích đi, vậy cũng được. Lòng bớt chút toan tính, tim bớt chút nặng nề, thân bớt chút trăn trở.
Này, nhưng mà, tôi lỡ sống vớ vẩn, rồi người ta có lo cho tôi không.
Khoác lên mình chiếc măng-tô dài quá khổ, tôi lại bật cười xách cái túi nặng trịch gói ghém đủ thứ thuốc tây thuốc nam rảo bước qua nhà cụ Chánh.
Tiết tháng Giêng lạnh, trời đông hanh hao làm tôi bất giác rụt đầu vào tấm áo lông ấm áp.Tôi nhớ một chuyện hơi cũ.
Trung cứ mãi móc mỉa rằng, với gu thời trang tân thời hơn cả mấy thằng cha rêu rao về công cuộc "Âu Hoá", thì việc tôi chọn mặc cái măng-tô to tới mức khiến bản thân lọt thỏm này, đúng là một bước lùi trong công cuộc xây dựng hình ảnh "quý tử Trần gia" văn minh học thức ăn mặc có gu. Mà những lúc như thế, tôi lại chỉ biết tặc lưỡi. Tôi đâu có ý định xây dựng hình ảnh như vậy. Nhưng mấy nàng thơ rảnh rang lượn qua tiệm thuốc đã có ý tốt định danh, "quý tử Trần gia" cũng thật chẳng dám chối từ.
Thực ra tôi chẳng muốn bận lòng tranh cãi về mấy thứ áo quần. Trung cũng chẳng phải kiểu người nhỏ nhen sân si tới mức cứ mãi ác ý về một món đồ vô vị trong hàng tá món âu phục loè loẹt mà khách của tiệm tặng bạn nó. Chơi với nhau đủ lâu để tôi hiểu, những lời xỉa xói của Trung, thực chất cũng chỉ là mấy bát canh giải rượu nó ép bạn nó uống để thôi mê muội trong đống vọng tưởng của mình. Mà tôi thì, ương lắm, đâu có chịu tiếp thu. Nên bất quá, nhiều lúc Trung nó cũng chẳng thèm cả nể vòng vo nữa.
"Tao thừa đủ biết, mày chỉ mặc vì là quà người ta tặng."
"Chứ không lẽ tao để phủ bụi trong tủ."
"Nhưng nó không hợp với mày."
"Ấm là được."
Trung bật cười. Tôi biết nó cười chẳng phải vì vui vẻ gì cho cam.
