Mẹo học nói tiếng Anh tốt !
Học tiếng Anh đã lâu, vốn từ vựng cũng đã nhiều, nhưng tớ lại không thể nói lưu loát những điều mình đã biết.
Cho đến khi, tớ học thầy. Một thầy giáo bình thường tại một trung tâm bình thường. Chỉ có điều làm cho thầy khác tất cả những giáo viên Anh văn khác mà tớ đã học: Thầy thực sự hết mình vì học trò.
Tớ không phải là một người học tiếng Anh giỏi. Nhưng nhờ những gì thầy chỉ, tớ đã có thể nói lưu loát hơn rất nhiều khi giao tiếp. Không còn những cụm từ “ờ, à…” khi nói nữa. Thay vào đó là những câu nói trôi chảy đến không ngờ.
Hẳn bạn sẽ nghĩ tớ nói xạo, hoặc, tớ đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian cho việc luyện nói? Không đâu, thời gian nhiều nhất mà tớ dành cho chính mình chỉ là 20 phút mà thôi. Bạn không tin, hãy thử những quy tắc sau đây mà thầy đã chỉ tớ áp dụng nhé.
1/ Bạn cần 1 tờ giấy và 1 cây viết.
2/ Viết tất cả những gì bạn nghĩ, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Nên viết đầy trang giấy mà bạn có.
3/ Xé chúng đi.
Hẳn bạn đang rất thắc mắc vì sao ta lại làm những điều kì cục như thế này phải không?
Tớ sẽ giải thích cho bạn nhé:
1/ Vì sao học nói mà lại viết?
Thầy tớ đã bảo rằng bọn tớ có nhiều vốn từ nhưng không tìm từ thích hợp khi nói được, ấy là vì chúng tớ không thực sự nhớ đến những từ vựng ấy. Thế nên, để khắc phục, thầy bảo chúng tớ… viết. Viết, để ghi vào những từ ấy một cách vô thức. Giống như bạn nói nhiều thì bạn sẽ nhớ vậy.
Điều quan trọng khi viết là bạn không nên dừng lại để chỉnh câu, nhớ từ vựng hay ngữ pháp. Bạn cứ viết tất cả những gì mình nghĩ. Giống như khi nói, bạn đâu có thời gian để kiểm tra xem mình nói đúng chính tả hay không. Và tốt hơn, bạn nên vừa nói vừa viết, điều này sẽ giúp bạn quen cả với cách phát âm.
2/ Viết gì?
Tất tần tật những gì bạn thích. Giống như khi bạn nói chuyện với bạn bè hay viết blog mà thôi. Nghĩ đến cái gì, bạn viết ra cái ấy. Đừng lo về nội dung. Thậm chí bạn có viết rằng bạn sẽ kết hôn với… David Beckham thì cũng đừng ngại ngùng. Tớ sẽ bật mí với bạn sau vì sao bạn chẳng cần phải e dè. Tốt nhất bạn nên sử dụng những từ mới học, hoặc mới biết trong ngày. Nhớ là viết xong rồi mới kiểm tra lại nhé.
3/ Tại sao viết xong lại xé đi?
Khi bạn nói, trở ngại lớn nhất là bạn… mắc cỡ. Bạn sợ mình nói sai, hoặc những gì bạn nói ra thật buồn cười. Khi bạn viết trong tờ giấy, bạn biết rằng sau khi xé chúng đi, sẽ chẳng ai biết bạn viết điều gì trong ấy cả. Thật thoải mái phải không.
Nếu bạn đang cảm thấy điều này thật mới mẻ và có vẻ hợp lí, thì tại sao, không lấy ra một tờ giấy và cây viết ngay nhỉ?
Ai bảo học nói tiếng Anh là dễ!
BÀN VỀ LUYỆN NÓI TIẾNG ANH
TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NÓI TIẾNG ANH KHÔNG HAY?
Có lần nghe đâu đó câu hỏi “Vì sao dân Việt mình nói tiếng Anh không hay, rất khô?” (1) tôi cũng muốn bình loạn đôi chút về vấn đề này. Một mặt, bảo dân mình nói tiếng Anh nghe củ chuối quá, sai, vì vẫn còn ổn và dễ nghe hơn khối dòng tiếng Anh như Anh-Tàu, Anh-Thái, Anh-Trung Đông, Anh-Ấn, Anh-Phi… Nhưng mặt khác, bảo dân mình nói tiếng Anh hay thì cũng sai luôn, nghe ngang phè, chỉ được cái dễ nghe.
Tiếng Việt cơ bản là âm đơn, đặc biệt giọng Bắc khá thuần, không có các giọng nặng và âm tiết đặc trưng (accent), nên học các ngoại ngữ khác không bị ảnh hưởng nhiều về accent. Tuy nhiên, tiếng Việt nói không có trọng âm và ngữ điệu (vì đã có đủ 5 thanh rồi, ngữ điệu làm gì nữa), nên học các tiếng của châu Âu thường cũng nói ngang ngang và đều đều như tiếng Việt, nhưng cũng nhờ thế mà dễ nghe (nếu nói chậm và rõ từng chữ).
Tuy nhiên, tìm hiểu nguyên nhân về mặt môi trường như trên cũng chả được gì vì “trời sinh ra thế”. Tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm bản thân trong khi luyện giọng nói.
Làm gì, người ta cũng dễ mắc một số điểm vướng mắc dẫn đến sai lầm (pitfalls), khiến việc thực hiện khó thành công theo ý muốn. Nói tiếng Anh cũng không là ngoại lệ. Trước hết, có những điểm dễ mắc cần tránh khi học nói tiếng Anh như sau:
1. “Ếch ngồi đáy giếng”
Người ta thường khá thiển cận nếu chưa đi sâu vào một vấn đề nhất định, đặc biệt khi mới bắt đầu học hay tập luyện một cái gì đó. Sự thiển cẩn “ếch ngồi đáy giếng” này dẫn đến các hệ quả là:
a. Đặt mục tiêu không cao
Trước khi làm gì ta cũng phải đặt ra mục tiêu rõ ràng để giúp cho việc thực hiện có định hướng (người phương Tây gọi đó là phương pháp Backcasting). Nhưng thông thường khi người ta kém (do mới bắt đầu học) nên hay bị mắc bệnh “ếch ngồi đáy giếng”, không biết thế nào mới là đạt yêu cầu, chưa nói thế nào mới là giỏi thì gần như không có khái niệm. Khi người ta mới học tiếng Anh, nếu thấy một người nói chuyện được với người nước ngoài đã thấy là kinh lắm, và chỉ mong được như thế là thoả mãn lắm rồi. Rồi khi bắt đầu tậm toẹ có chút căn bản, thì lại thần tượng những người “phun tiếng Anh như gió” (bất luận họ nói đúng hay sai).
Thông thường, người Việt mình cũng chỉ đặt mục tiêu đến thế là hết, nên khi đã nói tiếng Anh được lưu loát, “như gió”, thì thường tự thoả mãn mình mà không cố gắng trau dồi, nâng cấp nó lên nữa. Đặc biệt những người học chuyên về tiếng Anh ở các trường Ngoại Ngữ, hay hơn nữa là người được đi nước ngoài thì càng coi thường, vì nghĩ rằng mình có điều kiện và môi trường như thế, thể nào mà chả giỏi tiếng Anh nói chung và nói tiếng Anh nói riêng. Với một suy nghĩ “ấu trĩ” dường vậy, nên tỉ lệ những người giỏi tiếng Anh cũng như nói tiếng Anh hay ở người Việt là rất khiêm tốn, không ngoại lệ những người có điều kiện đi học bằng tiếng Anh, kể cả Việt Kiều.
Vì vậy, để có thể đạt một kết quả cao trong học tiếng Anh lẫn nói tiếng Anh, ta cần phải đặt mục tiêu rất cao. Riêng về chuyện nói, thì ta phải lấy mức trần là các chính khách Mỹ hay Anh (những người có tài hùng biện) để mà phấn đấu. Điều này không hẳn có nghĩa là ta sẽ phải nói hay được như họ, tất nhiên về lý thuyết, chừng nào chưa nói được như họ, nghĩa là ta vẫn có thể phải cố gắng luyện tập tiếp. Tuy nhiên, vì thường con người hiếm ai có thể đạt 100% mục tiêu cả, thường là một số % nhất định nào đó, nếu ta đặt mục tiêu thấp tè, thì dù đạt 99% cũng chả thể bằng đặt mục tiêu cao chót vót nhưng đạt độ 50% thôi.
Trong trường hợp này cũng thế, nếu ta đặt mục tiêu chỉ là nói lưu loát, thì có khi ta chỉ đạt gần được mức ấy, nghĩa là chưa có gì là ghê gớm cả, nghe vẫn có thể “khô” như thường. Nhưng nếu đặt mục tiêu là Bill Clinton, thì chí ít không nói hay bằng ông ta (mà nói hay bằng thế quái nào được con người tài năng hùng biện thế) thì cũng phải nói hay chả kém gì, hay thậm chí hay hơn cả người bản ngữ bình thường. Phải làm cho người bản ngữ phải ngạc nhiên khi ta vừa cất lên một câu nói, thế mới tạm coi là nói tiếng Anh khá. Giống người Việt ta thôi, khi nghe người nước ngoài nói một thứ tiếng Việt chuẩn xác, ta cũng chả trầm trồ bỏ bố đi chứ, nhỉ?
b. Tinh tướng ăn khoai nướng
Người ta khi đạt được một cái gì trong mắt nguời khác thì thường bị tật tự mãn, tự kiêu mà dân gian gọi là tinh tướng hay tinh vi. Chính vì thế, họ càng thích thể hiện, mà càng thích thể hiện thì tâm hồn càng bất an, càng dễ mắc tật loi choi mà không nói cho chuẩn theo ý mình được. Hơn nữa, vì tinh tướng, nên họ không biết mình, cứ nghĩ là mình giỏi lắm, vì thế càng không thể phát hiện cái sai, cái kém của mình để mà phấn đấu tiếp.
Tôi quen một số người, đều có khả năng nói tiếng Anh lưu loát trước đông người, nhưng vì họ nghĩ rằng mình thế là quá kinh (so với người ở Việt Nam) rồi, nên chả nhìn lên, chỉ nhìn xuống, mãi mà vẫn chỉ ở một mức đủ cho dân Việt lác mắt, nhưng dân Tây thì e rằng… Có lẽ mỗi người phải có lúc „ngộ” ra, hiểu được thế nào mới là mức giỏi thực sự, và từ đó thấy rõ ràng cái yếu kém của mình, nhận ra rằng con đường đi đến chỗ tối ưu còn gian nan lắm, thì mới có thể tiếp tục vươn lên được.
2. Hấp tấp “ăn cám hấp” (2)
Người Việt (mà cả người nước khác nữa) khi học nói thường có xu hướng thích nói nhanh, chắc do ảnh hưởng bởi những quan điểm như “thằng/con đấy nói tiếng Anh như gió” và suy ra nó giỏi tiếng Anh. Bên cạnh đó, nói nhanh bao giờ cũng dễ hơn, vì nói vo được, lấp liếm đi các chỗ sai. Nguyên tắc của một môn gì đó, chẳng hạn trong thể thao, đi nhanh đã khó, nhưng đi chậm mà chuẩn còn khó hơn.
Ví dụ bạn nào đã chơi trượt tuyết, trượt băng sẽ thấy để đi chậm và đúng kĩ thuật không phải chuyện đơn giản. Những người tập thể thao không bài bản, thường cố chơi với tốc độ nhanh khi bắt đầu vào guồng, vì làm nhanh sẽ dễ dẫn đến trạng thái “xung cơ” (phấn khích) mà vào tay nhanh, rồi dần dần khi hoàn thiện trình độ mới điềm đạm dần; còn theo hệ thống tập huấn chuyên nghiệp, người tập bao giờ cũng bắt đầu một cách chậm rãi nhưng đúng kỹ thuật.
Trong tiếng Anh cũng vậy. Nếu bạn nào đang có thói quen tự nhiên nói “như gió”, hay thử nói thật chậm rãi thử xem, sẽ thấy rất khó, và phát hiện ra mình có nhiều cái sai thú vị phết đấy. Hãy đi từ từ và chắc chắn, thà chậm mà đúng còn hơn nhanh mà sai.
3. Dục tốc bất đạt
Thiếu kiên trì hay “dục tốc bất đạt” là cố tật của con người. Trên đã bàn về hấp tấp trong khi nói, nay lại là chuyện muôn thuở, hấp tấp vội vàng đốt cháy giai đoạn trong quá trình luyện tiếng. Bản thân tôi chập chững tự học tiếng Anh từ cuối cấp 1 bằng một cuốn sách tự học tiếng Anh, liên tục tự học không qua một trường lớp chính thức nào (trừ môn tiếng Anh dở hơi biết bơi được ném vào Phổ thông và Đại học) cho đến khi học xong đại học, đã từng present 3h liên tục trước hàng chục giáo sư với sinh viên Canada trong một dự án hợp tác và được họ đánh giá không đến nỗi. Vậy mà cho mãi đến 3 năm trước đây mới phát hiện ra mình nói không chuẩn rất nhiều chỗ, chứ chưa kể đến chuyện nói hay. Sau đó, tôi phải mất hơn nửa năm trời để luyện nói, mỗi ngày bỏ ra ít thì 5 phút, nhiều thì nửa giờ để đọc ít thì 3 câu, nhiều thì một vài trang tiếng Anh, để có thể điều chỉnh toàn bộ giọng nói lẫn “Từ vựng nói” của mình.
Sau đó, tôi vẫn luôn có ý thức trau dồi khả năng nói của mình mọi lúc mọi nơi tuy không mang tính cấp tốc (intensive training) như vậy nữa, để được một giọng nói cũng không đến nỗi quá tự ti khi ra gặp bạn bè quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều phải phấn đấu nữa lắm.
* *
*