18. Phân tích sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề này.
a) Sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân
Trong nền sản xuất TBCN, có hai hình thức cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh trong nội bộ ngành và cạnh tranh giữa các ngành.
- Cạnh tranh trong nội bộ ngành là cạnh tranh giữa các xí nghiệp trong cùng một ngành, sản xuất cùng một loại hàng hoá, nhằm thu được lợi nhuận siêu ngạch. Cạnh tranh trong nội bộ ngành được thực hiện thông qua các biện pháp cải tiến kĩ thuật, hợp lí hoá sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hoá, cải tiến mẫu mã, … làm cho giá trị cá biệt của hàng hoá do xí nghiệp sản xuất ra thấp hơn giá trị xã hội để thu được lợi nhuận siêu ngạch. Kết quả cạnh tranh trong nội bộ ngành dẫn đến hình thành giá trị xã hội của hàng hoá.
- Cạnh tranh giữa các ngành là cạnh tranh giữa các xí nghiệp tư bản, kinh doanh trong các ngành sản xuất khác nhau nhằm mục đích tìm nơi đầu tư có lợi hơn.
Trong xã hội, có nhiều ngành sản xuất khác nhau với các điều kiện sản xuất không giống nhau, do đó, lợi nhuận thu được và tỉ suất lợi nhuận không giống nhau, mà mục đích của các nhà tư bản là lợi nhuận cao nên các nhà tư bản phải chọn ngành nào có tỉ suất lợi nhuận cao nhất để đầu tư.
Ví dụ: Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa có ba nhà tư bản đều có 100 tư bản đầu tư vào ba ngành sản xuất khác nhau: Ngành A có P’=20%, ngành B có P’= 30%, ngành C có P’=10%. Một số nhà tư bản ở ngành C sẽ chuyển sang kinh doanh ở ngành B làm cho cung hàng hoá này tăng lên dẫn tới P’ dần dần giảm xuống từ 30% à20%, ngành C do giảm về sản xuất nên cũng ít đi làm cho P’ từ 10% dần dần lên đến 20%. Kết quả là hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân.
Vậy, lợi nhuận bình quân là lợi nhuận bằng nhau của tư bản bằng nhau vào các ngành sản xuất khác nhau. Nó chính là lợi nhuận mà các nhà đầu tư thu được căn cứ vào tổng tư bản đầu tư, nhân với tỉ suất lợi nhuận bình quân, không kể cấu thành hữu cơ của nó như thế nào.
b) Sự hình thành giá cả sản xuất
Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, khi lợi nhuận (p) chuyển hoá thành lợi nhuận bình quân thì giá trị hàng hoá chuyển thành giá cả sản xuất. Giá trị hàng hoá G = c + v + m chuyển thành giá cả sản xuất (k +), tức là giá cả sản xuất bằng chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa cộng với lợi nhuận bình quân.
Giá trị là cơ sở của giá cả sản xuất, giá cả sản xuất là phạm trù kinh tế tương đương với phạm trù giá cả. Giá cả sản xuất là cơ sở của giá cả trên thị trường, giá cả sản xuất điều tiết giá cả thị trường, giá cả thị trường xoay xung quanh giá cả sản xuất.
Khi giá trị hàng hoá chuyển thành giá cả sản xuất thì quy luật giá trị có hình thức biểu hiện là giá cả sản xuất; quy luật giá trị thặng dư có hình thức biểu hiện là quy luật lợi nhuận bình quân.
c) Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề này.
- Lợi nhuận bình quân một mặt phản ánh quan hệ cạnh tranh giữa các nhà tư bản trong việc giành giật lợi nhuận với nhau. Nhưng mặt khác, nó vạch rõ toàn bộ giai cáp tư sản bóc lột toàn bộ giai cấp công nhân. Vì vậy muốn giành thắng lợi, giai cấp công nhân phải đoàn kết lại, đấu tranh với tư cách là một giai cấp, kết hợp đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị.
- Nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa quan trọng là nhà nước cần có chính sách, luật pháp khuyến khích cạnh tranh lành mạnh sẽ có tác dụng cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.