Thuỷ viên tiểu hạng
Thật ra Thuỷ Viên tiểu hạng đơn giản chỉ là một số nhà trong phố Hàng Giày, em đến ăn bao nhiêu lần nhưng không bao giờ nhớ được là số bao nhiêu, vì nơi đó có quá nhiều thứ để chú ý. Cái biển hộp mica mờ mờ, ánh đèn vàng chẳng làm hai chữ Thuỷ Viên (bánh trôi nước) thanh mảnh bừng lên mà lại nhuộm cho chúng nó một màu rất, chẳng biết gọi tên gì... thôi gọi là màu hoài cổ.
Cái góc nhỏ ấy có lẽ là một trong những nơi có không khí hoài cổ nhất Hà Nội, dù khách đến ăn có mặc áo manteau chống bâton đội mũ feutre hay đi xe Dylan tóc nhuộm vàng vuốt keo thì nó vẫn nho nhỏ cũ cũ như thế. Cánh cổng gỗ có dòng chữ ghi giờ bán hàng bằng sơn, nét chữ chỉn chu như của một giáo viên tiểu học. Trong khoảng không gian ngập ánh đèn vàng, một bức tượng đá hơi giống tượng chó-khỉ trên Chùa Cầu ở Hội An im lìm trong góc, những chiếc bếp dầu le lói lửa xanh...
Ngoài vỉa hè, cách một cái lòng đường không bao giờ ngớt người đi lại, đối diện với đám khách ăn lố nhố là hai hay ba ngôi nhà cũ, tường lở, đèn hiu hắt, những ô cửa nhỏ thấp thoáng quần áo phơi hay một vài gương mặt trễ nải, ánh sáng yếu ớt khiến người ta liên tưởng tới một lát cắt của khu phố ổ chuột Hồng Kông. Ngắm khung cảnh ấy, ăn cái món nóng và ngọt đến mức khé cổ ấy, em đâm ra nghĩ lẩn thẩn rằng chắc hẳn trước kia, khách hàng đã từng được ngồi trên những chiếc ghế gỗ chân hơi cập kênh và bưng những cái bát men lam, vì phải như vậy mới gọi là thấm đẫm chất xưa xưa cũ cũ.
Không hiểu sao em chỉ có thể đến Thuỷ Viên tiểu hạng với gái. Mấy năm trời trải một đôi mối tình bé dại, không mối nào dắt được đến đó để mà cùng nhau hưởng cái ấm áp ngọt ngào, khi thì mình cảm thấy ghét vì giá đắt, khi thì người trai thơ thới kia bảo không tìm ra chỗ đỗ xe, khi giá cả và tấm biển parking không còn là vấn đề thì lại đúng dịp nhà hàng nghỉ, mảnh giấy thông báo "mùa thu mới mở hàng" phất phơ trong nắng hè. Đến mùa thu, tình đã úa tàn như lá.
Vậy là chẳng chở Cẩm Hà thì cũng đèo Tân Nguyệt, người trước thích đến vì khung cảnh nhã, người sau thích đến vì ham của ngọt, còn em có thể vì cả hai. Lần nào đến cũng có chút háo hức, những viên bánh làm bằng gạo cũ gặt mùa trước tròn đều (chứ không như ở các hiệu mới mở mạn ngoại ô, viên thon viên béo để khách dễ phân biệt) và kín bưng như thể một món quà mà chỉ đến khi cắn ra người ta mới biết là (vừng) đen hay (dừa) trắng đang chờ. Hôm nào đã mệt tim không mấy hứng thú với sự bất ngờ, em thường gọi Chí mà phù hoặc Lục tào xá, cho đỡ hồi hộp.
Nghe hai cái tên trúc trắc thế chứ món ăn thì êm lắm, phải gọi là trôi tuồn tuột ấy, vì cả hai thứ đều là chè nhuyễn, không cần đến răng mà chỉ phải dùng môi và lưỡi (giống một số hành động mà em không tiện kể ra đây, sợ các bạn mất tập trung thưởng thức món ăn). Môi và lưỡi, chứ không phải từ điển, bảo cho em biết rằng Chí mà phù là chè vừng đen còn Lục tào xá là chè đậu xanh. Tuy nhiên, để ra vẻ hàn lâm chữ nghĩa, em cũng tra sách để thông báo với các bạn rằng hai cái danh từ trúc trắc đó là cách đọc tên hai món ăn của người Quảng Đông bên Tàu. Chí mà phù đọc theo kiểu Hán Việt sẽ thành Chi ma hồ, còn Lục tào xá là Lục đậu sa. Cứ biết thế cho đỡ áy náy!
Bên cạnh nỗi áy náy về chuyện tên, em còn nợ Thuỷ viên tiểu hạng một bức ảnh chụp. Món nợ không ai biết, chẳng ai đòi, vậy mà trả chậm một chút lại thấy như là có lỗi. Thôi thì một tối mùa đông, ngồi viết vài dòng lan man cho bức ảnh đỡ vô duyên.
11.2005 và 12.2007