Cảm ơn và Xin lỗi

2.2K 13 15
                                    

Có một lần tôi đọc được ở trên báo The Strait Times của Singapore có một tin khá thú vị: Tại Nhật, 1 tuyến đường sắt bán tư nhân đã đổi tên 2 trạm xe lửa của mình thành Arigato (Cảm ơn) và trạm trước đó là Gomen (Xin lỗi). Chủ đích của người đưa ra sáng kiến này là làm mọi người nói hai chữ "cảm ơn" và "xin lỗi" - hai cụm từ mà dường như ngày nay nhiều người đã quên rồi. Tôi rất thích sự thay đổi này, nó khiến ít nhất những người đi trạm xe lửa nói nhiều và tự nhiên hơn hai từ tưởng như đơn giản nhưng cũng rất dễ lãng quên. Từ xưa tới nay, người Việt Nam ta có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cách đơn giản và chân thành nhất để bày tỏ lòng biết ơn thành quả của người đi trước là nói Cảm ơn với họ. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn hàng ngày mà nay ít ai sử dụng đến Cảm ơn hay Xin lỗi. Liệu nó đã trở thành một điều quá xa xỉ thời nay?

Trong cuộc sống thường ngày khi được người khác quan tâm, giúp đỡ thì chúng ta phải nói lời cảm ơn. Khi có lỗi, làm phiền người khác thì phải nói lời xin lỗi. Hơn nữa Cảm ơn và Xin lỗi là một trong những biểu hiện của việc cư xử có văn hóa, là một hành vi văn minh, lịch sự. Khi Cảm ơn và Xin lỗi được trình bày một cách chân thành, không những phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, mà còn giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.

Có hôm trên đường tôi để ý thấy có một em học sinh được mẹ trở đi học. Thấy cặp em bị tuột khóa kéo tôi chạy xe lại gần bảo em đóng cặp lại cho khỏi rơi đồ. Em ấy ngạc nhiên với tay lấy cặp rồi quay mặt đi mà không nói gì cả. Không nhận được lời cảm ơn từ người mình vừa giúp, tôi cũng không để ý lắm, chỉ vui vì mình đã làm được một việc tốt, dù chỉ là việc nhỏ thôi. Có thể là tại tôi đi luôn nên em không kịp nói lời cảm ơn.

Cảm ơn và Xin lỗi là ứng xử văn hóa tối thiểu mà ai cũng biết. Song thiết nghĩ, lâu nay, như một luật lệ bất thành văn, thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cảm ơn hay xin lỗi khi ứng xử với người khác. Cũng lại sự cố trên đường, tôi đi học hằng ngày bằng tuyến đường Trường Chinh nổi tiếng là tắc từ sáng đến tối. Giờ đi học lúc nào cũng là giờ cao điểm. Tắc như thế nhưng nếu ai cũng giữ đúng làn đường của mình thì tình trạng này sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Sự thực là mọi người, ai ai cũng vội, chen lấn, luồn lách, trèo cả lên vỉa hè... Những lúc như thế, khả năng tai nạn sẽ cao hơn. Có một ông chú lái xe máy, trong lúc đang cố chen vào giữa tôi và một xe nữa đã chẹt bánh trước vào chân tôi - lúc ấy đang chống xe. Ông ta biết, nhưng ông chỉ nhìn xuống xong rồi tránh xe ra chạy thẳng. Tôi nghĩ chắc không phải mình tôi gặp phải nhưng trường hợp như thế này. Người lớn thường ít khi xin lỗi khi họ tự cảm thấy việc làm sai của họ không gây ra hậu quả gì lớn. Có mất gì khi họ nói một câu xin lỗi?

Xin lỗi có khả năng làm tan đi cơn giận và ngăn chặn các hiểu lầm. Đôi khi nó không thể xóa bỏ nỗi đau có thực đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nếu nó được nói ra một cách chân thành và có hiệu quả thì nó có thể hóa giải các mặt tiêu cực. Xin lỗi mở cánh cửa của sự tha thứ, giúp chúng ta cảm thông hơn khi ta thấy một người nhận ra được lỗi của mình. Lời xin lỗi có ý nghĩa phải chứa đựng trong đó sự hối tiếc về việc làm sai của mình, cảm giác về trách nhiệm bản thân và mong muốn chữa lành vết thương mà mình đã gây ra. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì lời xin lỗi không còn mang ý nghĩa thực sự của nó nữa, hay ta có thể nói rằng đó là một lời nói sáo rỗng. Nghĩ lại sự việc lần trước, người lái xe nọ có thể nói một câu xin lỗi với tôi. Nó sẽ làm tôi đỡ đi rất nhiều cảm giác khó chịu, người ta làm đau mình mà không chịu xin lỗi. Hay ông ấy thấy rằng việc đó chỉ là một việc vô tình, không cố ý. Thế nên ông không cảm thấy cần thiết phải xin lỗi tôi.

Hiện nay thành phố Hà Nội đang thực hiện rất nhiều dự án, công trình xây dựng. Ta dễ dàng có thể thấy câu: "Xin lỗi vì công trình này đã làm ảnh hưởng tới các bạn" ở các công trường. Hay câu "Cảm ơn vì bạn đã cho tôi rác" được ghi trên thùng rác công cộng ở ngoài đường. Tôi có một người bạn, cô ấy được mọi người nhận xét là rất khách sáo với người khác. Tôi thấy cô ấy lúc nào cũng xin lỗi. Cô ấy nói "Xin lỗi vì đã làm phiền cậu, nhưng cậu có thể giúp tớ một việc được không?" khi nhờ ai làm gì đó, với người quen hay người lạ, thậm chí với cả người thân. Bạn bè nhiều khi bảo cô "Cậu cứ nhờ bọn tớ, có việc gì đâu mà khách sáo thế?", cô ấy trả lời "Khi cần sự giúp đỡ của ai đó thì tớ phải xin lỗi trước vì không thể cứ thế mà bắt người ta giúp mình được, mình làm phiền họ cơ mà". Không phải ai cũng nghĩ như cô ấy.

Thực tế, tần số sử dụng hai từ đó ở Việt Nam còn rất ít. Cuộc sống xô bồ hiện tại đã làm con người ta thay đổi và trong bản tính của mỗi người, không phải lúc nào ta cũng biết đến hai từ cám ơn và xin lỗi. Liệu có phải lỗi nằm ở cách giáo dục con trẻ từ bé? Tôi lên mạng xem giáo án của giáo viên dạy đạo đức cho học sinh lớp 1 thấy cách dạy này còn quá lý thuyết và có phần không thực tế. Rất nhiều bài giảng chỉ lấy đi lấy lại hai ví dụ "Cảm ơn khi được bạn tặng quà" và "Xin lỗi cô giáo vì đến lớp muộn". Trong khi thực tế xung quanh chúng ta có rất nhiều tình huống cần đến Cảm ơn và Xin lỗi. Cảm ơn bố vì đã đưa mình đi học, cảm ơn mẹ vì đã nấu những bữa cơm ngon cho cả nhà, xin lỗi vì đã làm rơi đồ của bạn... Các cô giáo nên cho các em thực hành nhiều hơn để các em hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng hai từ này và tự hình thành cho mình một thói quen tốt.

Tuy nhiên không nhất thiết phải nói ra hai từ đó ta mới thể hiện rằng ta đang xin lỗi hay cảm ơn. Ta có thể cảm ơn bằng một nụ cười, một ánh mắt biết ơn. Và tỏ ra biết lỗi thực sự bằng cách thay đổi điều mà mình làm sai chứ không đơn thuần chỉ nói mỗi câu xin lỗi mà vẫn chứng nào tật ấy.

Mặc dù việc nói Cảm ơn và Xin lỗi tại Việt Nam đang có xu hướng suy giảm, nhưng ta cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của hai cụm từ giản đơn này. Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu thế giới không còn tồn tại Cảm ơn và Xin lỗi. Liệu mọi người có khép kín lại và không quan tâm đến xung quanh không? Hai từ này không thể thay thế. Chúng vẫn là cách đơn giản nhất để bày tỏ lòng biết ơn và thể hiện nhận thức của bản thân về lỗi lầm mà mình đã gây ra. Chúng ta, ai cũng nên tạo cho mình một thói quen nói Cảm ơn và Xin lỗi. Cám ơn và xin lỗi chẳng bao giờ là thừa trong cuộc sống của chúng ta.

PHAM






Cảm ơn và Xin lỗiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ