Kỹ thuật trồng cây gừng
Gừng được dùng tươi như một loại gia vị và chế biến thành nhiều sản phẩm như mứt, kẹo, rượu, thuốc,.. Ở nước ta, cây gừng (Zingiber officinale) được trồng phổ biến trong các hộ gia đình với quy mô nhỏ, sản lượng chưa nhiều và chủ yếu để tiêu thụ tại chỗ hoặc thị trường nội địa.
Vài năm trở lại đây, gừng đã trở thành cây có giá trị kinh tế khá cao. Nhiều lúc, giá gừng thương phẩm có thể lên đến 15.000 -20.000 đồng/kg. Thấy vậy, nông dân đổ xô nhau chuyển sang trồng gừng. Thế là các dịch hại trước đây ít được quan tâm (do diện tích trồng nhỏ lẻ) thì nay có dịp bộc phát, lây lan và gây hại nghiêm trọng (bệnh thối củ có thể làm thất thu đến 100% năng suất).
Hiện nay, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng là ít và chưa đầy đủ, nên việc xây dựng quy trình canh tác thích hợp ở An Giang trong thời gian tới là cần thiết. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý trong quy trình canh tác cây gừng; nông dân và quý đồng nghiệp có thể sử dụng bài viết này như 1 tài liệu để tham khảo. Và tôi cũng rất mong nhận được các ý kiến phản hồi từ phía người đọc để nội dung bài viết được phong phú và có ý nghĩa thiết thực hơn.
1.SƠ LƯỢC MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA CÂY GỪNG:
1.1.Hình thái:
Gừng được xếp vào nhóm cây thường niên, thân thảo. Thông thường, cây cao 0,6 -1 m, thân ngầm phình to chứa dưỡng chất gọi là củ, xung quanh có các rễ tơ; củ và rễ chỉ phát triển tập trung ở lớp đất mặt (sâu 0 -15 cm).
Lá màu xanh đậm dài 15 -20 cm, rộng 2 cm, chỉ có bẹ mà không có cuống, mọc thẳng và so le, mặt nhẵn bóng, độ che phủ của tán lá thấp.
Cây gừng ít khi ra hoa, trục hoa mọc ra từ gốc, dài 15 -20 cm; hoa màu vàng xanh dài tới 5 cm, rộng 2 -3 cm, có 3 cánh hoa dài khoảng 2 cm, mép cánh hoa và nhị hoa có màu tím.
Số lượng chồi nằm ở củ gừng không nhiều và là nguồn để nhân giống chủ yếu hiện nay.
1.2.Thích nghi:
Cây gừng được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới (nhiệt độ trung bình 21 -27 oC, lượng mưa 1.500 -2.500 mm, độ cao đến 1.500 m), có mùa khô ngắn.
Đất thích hợp để trồng gừng phải là đất tốt vì cây có nhu cầu dinh dưỡng tương đối cao (đặc biệt là đạm, sau đó là kali và lân), có pH = 5,5 -6, tầng canh tác dày 20 -40 cm, không bị ngập úng và tơi xốp, nhiều mùn (dùng dao nhọn đâm xuống đất, nếu đâm sâu dễ dàng qua lớp đất mặt là đất tơi xốp; sau đó rút lên, nếu thấy đất có màu sẫm hoặc xám đen bám vào má dao là đất giàu hạt sét, giàu mùn và đủ ẩm).
Gừng là loài ưa sáng nhưng có khả năng chịu rợp nên thường được bố trí trồng xen. Tuy nhiên, dưới tán che 70 -80% thì cây chỉ cho năng suất bằng ½ so với nơi nắng trảng (trên cùng 1 loại đất).
2.KỸ THUẬT CANH TÁC:
Quy trình này được xây dựng phù hợp cho phương pháp trồng chuyên trên ruộng/rẫy có nắng trảng.
2.1.Thời vụ:
Ở miền Nam, vụ chính trồng gừng là vào đầu mùa mưa (tháng 4 -5 hàng năm); trong khi, ở miền Bắc là vào mùa Xuân (có mưa phùn và ẩm độ không khí khá cao).