Nem tôm.
Một miếng sành sứ có hình Pétain - Quốc trưởng nước Pháp thời kỳ đệ nhị thế chiến (khoảng năm 1942-1943) được khảm lên bờ quyết gắn trên điện Thái Hòa, những món ăn của vua quan triều Nguyễn... là những phát hiện khá thú vị về di tích triều Nguyễn tại Huế. Đây cũng có thể được xem như những chuyện lạ chốn hoàng cung mà xưa nay ít người biết tới.
Miếng sành có hình Quốc trưởng Pháp trên điện Thái Hòa
Cơn bão lịch sử năm 1985 đối với người dân Huế là một trận thiên tai để lại nhiều hậu quả nặng nề. Điện Thái Hòa cũng bị cơn bão tàn phá nghiêm trọng. Sau cơn bão, KTS Phùng Phu, lúc ấy đang là Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cùng các nhân viên của mình tham gia khắc phục hậu quả. Họ leo lên điện Thái Hòa để khảo sát mức độ thiệt hại và lợp lại những phần mái bị tốc ngói. Từng viên ngói, từng ô hộc hoa văn họa tiết, hình rồng... được đo, vẽ. Tại đây, ông Phùng Phu đã sững sờ khi phát hiện có một mảnh sành khảm trên bờ nóc có in hình Quốc trưởng Pháp: Pétain. (Khoảng năm 1942 - 1943, sau khi phát-xít Đức xâm lược nước Pháp, đế chế cộng hòa tan rã, Pétain đã xuống miền Nam nước Pháp thành lập một quốc gia và ông trở thành Quốc trưởng). Câu hỏi đã được đặt ra: Người ta đã vô tình hay cố ý khi đặt mảnh sành có in hình vị quốc trưởng này lên một công trình tiêu biểu cho bộ máy quyền lực số một của chế độ phong kiến Việt Nam?
Chả giò.
Câu hỏi ấy đến giờ vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, theo nhận định của KTS Phùng Phu, miếng mảnh sành trên (mảnh vỡ) có xuất xứ từ một sản phẩm gốm của Pháp. Có thể đây chỉ là một sự ngẫu nhiên khi thực hiện việc khảm sành sứ trang trí ô hộc, bờ nóc, bờ quyết... trong một lần trùng tu chưa được xác định. Theo tài liệu di tích thì công trình điện Thái Hòa được xây dựng năm 1805 (triều Gia Long), được trùng tu lớn vào năm 1832 và đợt sửa chữa lớn lần cuối cùng (dưới thời phong kiến triều Nguyễn) vào năm 1923. Đây cũng là thời kỳ nước ta chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, nhưng thời điểm ấy Pétain vẫn chưa trở thành Quốc trưởng Pháp. Vậy miếng sành được người ta gắn lên đấy khi nào? Nó cùng các mảnh vỡ khác bằng thủy tinh, gốm, sứ có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản... được dùng làm vật liệu xây dựng trong kiến trúc của điện Thái Hòa có thể sẽ hé mở nhiều điều thú vị cho các nhà nghiên cứu về di tích Huế.
Các vua triều Nguyễn thích ăn... thịt rừng?
Theo tài liệu khảo cổ học do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế công bố sau quá trình khai quật tại di tích Duyệt Thị Đường, trong mục phân loại răng, xương, sừng động vật trong lòng đất, chủ yếu tập trung ở di tích Thượng Thiện Sở, cho thấy loại động vật có tỷ lệ xương, răng chiếm cao nhất là hươu - nai (46,15%), tiếp đến là trâu, bò (21,9%), lợn - lợn nhà và lợn rừng (10,72%), các loại rùa biển (4,3%)...
Bánh lá chả tôm.
Thực ra, Thượng Thiện Sở chủ yếu là nơi lo cơm nước hằng ngày cho nhà vua, các món ăn ở đây cũng như ở đội Phụng Thiện (lo bữa ăn cho các bà), hay Lý Thiện (chuyên trách cỗ bàn trong tế lễ và yến tiệc cung đình). Những di vật trên khá phù hợp với thực đơn cung đình được ghi trong Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, mục Làm cỗ bàn liệt kê các món ăn thường dùng của vương triều nhà Nguyễn như: Nem có các loại: nem lợn, nem bò, nem hươu, nem thịt công (dân gian hay ví von: nem công, chả phượng), nem dê, nem lợn rừng, nem thịt tôm, nem cá lư; Món cháo: cháo bột thịt lợn, cháo bột thịt của thứ dê đuôi to, cháo bột chân lợn (cháo giò), cháo bột thịt cua (bánh canh cua ?)...; Món thịt thái miếng: thịt bò chín thái miếng, thịt hươu tái thái miếng, thịt lợn chín thái miếng, thịt dê đuôi to thái miếng...; Thịt quay: ngỗng quay, ngan quay, gà quay, vịt quay, ba ba bể quay, lợn rừng quay, hươu quay, lợn quay, chim nước quay, thịt cáo quay, vịt nước quay, thịt công quay...; Món ninh: thịt hươu ninh, dê đuôi to ninh, lợn ninh, chân giò ninh, thỏ đồng ninh, bò ninh, vịt, gà ninh...; Món canh: canh chim cáp lợn rừng, canh thái thịt dê đuôi to, canh gân hươu, canh chim cưu đông, canh sò huyết, canh hải sâm, canh mộc nhĩ, canh vây cá, canh lư tôn, canh van cáp, canh ba ba, canh thịt ếch, canh thịt yến, canh thịt gà, canh da con tê tê, canh nham con tê tê...
Chè long nhãn.
Hay trong mục những con vật sống dùng vào việc tế lễ cũng có nói đến việc chuẩn bị nuôi trâu, bò, lợn, hươu, lợn rừng: "Phàm tháng giêng, tháng 8, tháng 11, ba kỳ ấy vâng phái đi săn được con thú rừng nào, trừ ra để dâng vào các ngày kỵ, vẫn theo lệ trước, hiện còn thực số bao nhiêu, đều cho nuôi vào vườn hươu, còn tiết thanh minh và bất kỳ như có săn bắt được, hoặc đặt giá mua được số bao nhiêu trong đó có hai hạng: hươu và hươu vàng, phàm con nào còn khỏe mạnh đều giao cho vườn nuôi hươu, chỉ có con nào do săn bắt lỡ bị dao nhọn đâm thì do ty Lý Thiện lĩnh ra để làm nem khô...".
Từ thống kê các loại răng, xương động vật qua khai quật khảo cổ học cũng như những sử liệu ghi trên có thể thấy trong thực đơn của các vua quan nhà Nguyễn thì món thịt rừng, đặc biệt các loại hươu, nai, hoẵng, lợn rừng... chiếm đa số. Đây là những khám phá khá thú vị về các món ăn "sơn hào hải vị" của vua chúa một thời vàng son mà dân gian không dám mơ tới. Qua tài liệu này có thể thấy thực phẩm của vua quan triều Nguyễn ngày xưa cũng chẳng phải đặc biệt quý hiếm, có chăng chỉ là cách chế biến đặc biệt công phu, tỉ mẩn mà thôi.
Bùi Ngọc Long
Việt Báo
Tìm hiểu: Thái Hòa, đệ nhị thế chiến, có thể được, Triều Nguyễn, di tích, chuyện lạ, quốc trưởng, món ăn, thú vị, th