Phần 3

515 6 0
                                    

3
Tôi và Bằng đều lên được lớp Năm. Tôi sung sướng muốn reo lên. Còn Bằng thì mừng quá, ôm chặt lấy tôi ngay giữa đám đông. Bằng đưa tay cù cù vào nách tôi, cười khúc khích làm tôi cười đến tức bụng.
Tôi được lên lớp, cả nhà đều mừng. Thầy mẹ mượn thợ đóng ngay cho tôi một chiếc bàn viết. Mặt bàn là ba mảnh gỗ lim nhỏ, đen bóng, ghép thành một mặt phẳng to như chiếc chiếu manh. Chân cũng thấp chẳng khác gì chân ghế mà các bạn vẫn ngồi học.
Ngày khai giảng, mẹ tôi đội chiếc bàn ấy tới tận trường cấp hai Hải Hà cách nhà đến ba bốn ki-lô-mét.
Thấy mẹ tôi đội chiếc bàn lạ tiến vào sân trường, tất cả học sinh đều ngạc nhiên. Các bạn trố mắt nhìn theo và xì xào không ngớt. Thú thật tôi cũng thấy ái ngại và tủi tủi thế nào. Người ta đi học một mình tự do thoải mái,còn mình phải bắt mẹ đội bàn đi theo thế kia. Thật tội quá... Biết làm sao được!
Nhưng rồi đâu phải chỉ như vậy là mọi chuyện đã êm đẹp. Cái bàn đâu biết những băn khoăn của tôi. Nó đã "bỏ" tôi ra đi không một lời từ biệt.
Sáng hôm ấy đến lớp thấy mất bàn. Tôi ngơ ngẩn cả người. Bằng và nhiều bạn khác tất bật tìm khắp trong lớp, ngoài sân, vẫn chẳng thấy tăm hơi bóng dáng nó đâu. Tôi muốn khóc nhưng phải cố cắn môi chịu đựng. Tôi biết ngồi vào đâu trong buổi học hôm nay và những ngày sau nữa? Sao tôi lại có thể làm phiền bố mẹ quá vậy? Hay tôi sẽ đem một manh chiếu ngày ngày đến lớp đặt ngồi viết như những năm cấp một?... Cứ thế, càng nghĩ tôi càng tủi thân. Không nén nổi nữa, tôi chạy ra sau lớp khóc một mình.
Bằng khoác vai tôi, hai đứa cùng sóng vai vào lớp. Nhưng rốt cuộc Bằng vẫn lúng túng không biết cách nào cho tôi có chỗ ngồi viết . Bảo tôi ngồi vào ghế, Bằng đi lục tìm hết các góc lớp rìa sân để mong kiếm ra một mảnh gỗ con nào đó cho tôi có thể dùng tạm làm bàn viết. Chỉ còn vài phút nữa là vào học, Bằng đành trở vào chỗ ngồi, băn khoăn nói nhỏ với tôi:
-Thôi buổi học hôm nay Ký chịu khó ngồi nghe, đừng ghi nữa nhé! Ngày mai mình sẽ chép bài lại cho.
Ngồi nghe không chép bài ư? Không tôi phải tìm ra cách ghi bài bằng được. Nếu cần, tôi sẽ ngồi bệt xuống nền lớp... Ờ, nhưng việc gì phải thế. Tôi có thể để vở ngay xuống chiếc ghế ngồi này mà ghi cũng được. Tôi quay sang bảo Bằng:
-Chẳng cần thế đâu Bằng ạ! Ký để vở xuống ghế này ghi cũng tốt chán.
Bằng chỉ sợ bề ngang chiếc ghế quá hẹp, Ký không viết được.
-Được, Bằng đừng lo.
Bằng rút một quyển vở còn mới tinh trong ba-lô tôi, đặt xuống ghế và ngồi tránh xa ra để nhường chỗ rộng cho tôi viết.
Cái cảnh phải viết trên chiếc ghế ngồi chật chội ấy may sao chỉ sau ba ngày đã chấm dứt. Chiếc bàn kia đã trở về với tôi. Tôi sung sướng đón nó như bao lần tôi đã reo hò đón mẹ về chợ trong những ngày còn lành lặn.
Người tìm thấy và mang chiếc bàn về là một người cùng lớp mà khi đó tôi chưa biết tên. Bạn đó kể lại:
-Té ra chiếc bàn của cậu người ta đem trang trí trong đêm văn nghệ hôm nọ. Rồi khi xong không hiểu sao người ta lại trả vào một nhà dân ở bên kia kìa. Mình vào xin nước uống tình cờ trông thấy. Mình nhận ra ngay và vác nó về cho Ký đây.
Càng sung sướng bao nhiêu khi thấy chiếc bàn, tôi càng quý mến người bạn chưa quen ấy. Quả thật trong buổi đầu ngỡ ngàng như thế này, tôi khó mà tưởng tượng được lòng thương yêu và sự giúp đỡ của các bạn thắm thiết đến mức nào.
Một lần tôi ra bến rửa chân để chuẩn bị vào lớp, không may một chiếc dép bị rơi. Nước lớn không thể lội xuống được. Tôi đang loay hoay, bỗng một bạn quàng khăn đỏ từ đâu chạy tới. Chẳng cần hỏi han gì, bạn liền vén quần lội ngay xuống. Trong nháy mắt, bạn mò lên chiếc dép. Cẩn thận hơn, bạn còn rửa rất sạch rồi mới đưa cho tôi. Vừa bỏ đi được mấy bước, như còn quên điều gì, bạn quay lại hỏi:
-Còn chân cậu đã rửa xong chưa?Tiện thể mình rửa luôn cho nhé!
Tôi đứng lặng mãi mới đáp:
-Thôi, mình rửa xong rồi, bạn cứ đi đi.
Cái ngại ngùng bẽn lẽn buổi ban đầu ấy quả đã đưa cho tôi không ít những chuyện éo le: ... Lần ấy tôi đến lớp chỉ có một mình. Giữa đường một trận gió to đã hất tung chiếc mũ xuống ruộng. Có mấy bạn cùng lớp đi trước nhưng tôi không gọi lại cầm giúp. Tôi lội xuống định dùng răng cắn chiếc mũ mang lên. Khi tôi vừa cuối xuống thì chiếc túi xách đeo trên vai rơi tõm xuống ruộng. Tôi hoảng hốt đưa chân hất lên. Nhưng không kịp. Cả chiếc túi đã ướt đẫm. Lên đến đường tôi ngồi bệt xuống và khó khăn lắm mới dùng chân chụp được chiếc mũ lên đầu. Còn chiếc túi xách nữa, làm thế nào đeo lên vai được đây? Nghĩ mãi cuối cùng tôi phải dùng đến miệng. Dây túi xách tuy dính bùn bê bết, tôi vẫn không ngại ngùng cắn lấy và nghiêng người đeo ngoắt lên vai.
Đến lớp hay quay về? Sách ướt đẫm rồi còn viết làm sao được nữa. Thôi đành nghỉ một buổi vậy. Nghỉ một buổi ư? Không thể được. Mình sẽ đến lớp và xin ghế bằng để ghi. Sau một phút lưỡng lự, tôi quyết định đến lớp.
Một lần khác, trường tổ chức cắm trại biển. Trời đổ mưa rào như trút nước. Trên đường đi gặp một con sông rộng đến hơn mười mét. Trên sông chỉ có một chiếc cầu nhỏ chênh vênh bắc bằng hai cây luồng ghép lại.
Gặp mưa, cầu trơn lại dập dềnh rất khó đi. Các bạn xúm lại định cõng tôi qua:
-Nào, Ký để chúng, mình cõng qua nhẹ! Cầu nhỏ và trơn thế kia cậu không tài nào qua được đâu.
Cầu có tay vịn nên việc đưa tôi qua sông không có gì khó lắm. Song tôi thấy thèn thẹn nên nhất định không chịu. Tôi nghĩ tự mình có thể qua được. Tôi đã từng qua những chiếc cầu ở làng dù chỉ làm bằng một cây luồng nhỏ. Chẳng may lần này vừa đi đến giữa cầu thì tôi bị trượt và rơi tõm xuống sông. Thấy nước sông quá lớn lại chảy mạnh, cả đoàn đều hốt hoảng lo cho tôi. Nhiều bạn định nhảy ngay xuống cứu. Cũng may tôi biết bơi nên lúc này đã nhô đầu lên khỏi mặt nước. Tuy chỉ dùng đôi chân nhưng tôi đã thắng được dòng nước chảy, vào bờ an toàn giữa những cặp mắt trìu mến, thương yêu và ngạc nhiên của mọi người. Sau đó nhiều bạn hỏi tôi đã tập bơi như thế nào.
Quả lúc đầu không dễ dàng đâu. Có lần tôi suýt chết ở một ao mới đào đấy. Lần ấy tôi cùng tắm với Bằng và nhiều bạn khác. Trong khi các bạn nô đùa vùng vẫy giữa ao thì tôi chỉ quanh quẩn ở xó bờ. Sao tôi không dám ra giữa nhỉ. Sợ ư? Cứ ra xem sao! Tôi liền mon men định ra khỏi bờ. Một bạn đang bơi gần ấy khấy ngay:
-Cậu hèn quá, cứ ra đi, ra đi. Ao nông lắm không sợ đâu.
Không do dự nữa, tôi trườn mình thẳng về phía giữa ao. Thế là ngay tức khắc tôi bị chìm nghỉm. Với bản năng tự vệ, tôi đưa chân quẫy đạp ùm ùm nhưng vẫn không tài nào ngóc đầu lên khỏi mặt nước. Khi các bạn cứu được lên bờ, tôi đã bị uống nước, người quay cuồng lảo đảo.
Sau bữa chết hụt ấy tôi giận mình vô cùng. Nhất định tôi sẽ tập bơi bằng được!
Tôi hỏi Bằng khi bơi người ta vận động tay chân như thế nào. Sau khi say sưa thuật lại những động tác ấy, Bằng nói:
-Đấy, Ký nghe vậy là đủ biết khó lắm, không có tay thì nhất định không bời được đâu.
Không, nhất định bơi được. Bằng cứ xuống ao với Ký, thử xem nào.
Bằng liền cởi quần áo cho tôi. Thế là cả hai cùng xuống ao.Ao nhà tôi chỗ sâu nhất chỉ đến ngực nên không có gì phải lo cả.
Tôi bắt đầu tập bơi theo Bằng. Bằng đạp chân, tôi cũng đập chân. Mà sao người Bằng cứ nổi còn tôi thì vẫn chìm nghỉm. Hay người tôi nặng hơn Bằng chăng? Không có lẽ? Tôi tiếp tục tập lại lần nữa, lần nữa và lần nữa, nhưng cuối cùng vẫn chẳng được.
Không nản, một lần tắm khác tôi bảo Bằng:
-Bằng đi nhặt hộ Ký một đoạn cây chuối nhé!
Chiều theo ý tôi, Bằng cầm dao đi chặt một đoạn cây chuối đem về. Bằng thả đoạn chuối xuống ao. Tôi đưa cằm kẹp lấy đoạn chuối và bơi thấy người không chìm nữa, Tôi bơi được qua ao. Những lần tắm sau tôi bơi được rất nhiều vòng. Nhưng khi bỏ cây chuối ra, tôi vẫn chỉ bơi được vài mét rồi lại bị chìm.
Có bận cả nhà đi vắng. Bằng cũng không có ở nhà. Không biết cách nào để cởi quần áo được, song vì thích bơi quá nên tôi để cả vậy nhảy ùm xuống ao.
Cứ như vậy lần tập này qua lần tập khác, từ bơi được hai mét rồi năm mét, đến bơi được qua ao mà tôi không cần dùng cây chuối nữa. Nhưng thế này vẫn chưa thoả. Tôi cần phải tập bơi ngoài sông. Tôi rủ Bằng ra con sông mà hai đứa vẫn thường buông câu trước nhà. Từ chỗ bời xuôi dòng, tôi đã tập bơi được ngược dòng.
Tôi đâu có nghĩ rằng việc tập bơi ấy giúp ích cho mình trong lần ngã cầu này.
Nhiều bạn cùng lớp vội chạy đến dịu tôi lên đường thay giúp quần áo. Vì lạnh và xấu hổ nên người tôi cứ run lên bần bật. Một lần nữa tôi lại thấy sự yêu thương đùm bọc của các bạn. Tôi thầm trách mình bấy lâu nay đã không hiểu được các bạn. Tôi tưởng đâu các bạn cũng đùa nghịch, chế giễu tôi và coi tôi chỉ là một đứa tàn tật. Không, các bạn đã biết giúp đỡ tôi không những bằng tình thương của những người lành lặn đối với người tàn tật mà còn bằng cả ý thức của người đội viên với người đội viên nữa.
Sau đợt đi trại ấu tôi càng thấy sự cần thiết phải gắn bó mình với tập thể. Chỉ có gần tập thể, gần các bạn, được các bạn giúp đỡ tôi mới có thể học tốt được.
Tôi không rụt rè e lệ tự giam mình trong khắc khổ nữa. Tôi bắt đầu sống tự nhiên hơn, thoải mái hơn. Tư tưởng tự ti, nếp sống theo lối "ông cụ" cũng bớt dần. Giờ ra chơi tôi cũng đùa nghịch, tán chuyện vung trời như các bạn. Các bạn chơi bóng chuyền tôi cũng ra sân chơi đá cầu. Các bạn rủ nhau thi vật tay, tôi cũng rủ các bạn thi "vật chân". (Mỗi đứa ngồi một ghế cùng đưa một chân ngoắc vào nhau ở chỗ gót và bắt đầu kéo. Nếu đứa nào chực duỗi chân trước thì thua).
Trong học tập hay sinh hoạt, nếu gặp khó khăn gì tự mình không thể giải quyết được, tôi không giấu giếm nữa mà nói thật để các bạn giúp.
Nhưng rồi những ngày tháng tươi đẹp hồn nhiên ấy vừa đến chưa được bao lâu thì năm học đã kết thúc.
Và không ngờ lần nghỉ hè ấy tôi lại xa hẳn hầu hết các bạn 5A yêu quý của tôi, xa hẳn các lớp học trong ngôi đền cổ kính quanh năm có bóng mát của cây gạo khổng lồ và ba cây phượng vĩ đứng giăng hàng trước sân.
Năm học mới, tôi chuyển đến lớp học ở trường cấp II ở Hải Phương. Tất cả học sinh ở xã tôi đều chuyển về trường này.
Chiếc bàn cũng theo tôi đến trường mới. Bằng giúp tôi đặt nó ở tận cuối lớp. Nó bẽn lẽn núp mình dưới hai hàng bàn cao. Thấy một chiếc bàn ngộ nghĩnh như vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Thầy hiệu trưởng vào lớp. Lúc này là giờ ra chơi. Trong lớp chỉ còn vài bạn đang xúm lại tán chuyện. Tôi cũng có mặt trong lớp và đang ngồi đọc sách ở một bàn trên cùng. Thấy thầy hiệu trưởng đi thẳng đến chỗ bàn tôi, tim tôi tự nhiên đập nhanh lạ. Thầy chăm chú nhìn và đưa tay cuối xuống gõ gõ trên mặt bàn rồi quay sang hỏi các bạn gái:
-Chiếc bàn này dùng làm gì đây các em?
Tôi càng nóng lòng khi nghe một bạn nói:
-Thưa thầy của bạn Ký đấy ạ!
-Ký nào nhỉ, mà bạn ấy dùng để làm gì mới được chứ?
-Dạ, bạn ấy dùng để viết bằng chân –Một bạn nhìn tôi mỉm cười đáp.
Đang bình thường, tự nhiên nét mặt thầy bỗng nghiêm hẳn lại. Thầy định hỏi các bạn thêm một câu gì nữa thì tiếng trống vào lớp đã điểm.
Ngay sau buổi học hôm ấy tôi được gọi lên gặp thầy hiệu trưởng. Tôi nghĩ mình phải thật bình tĩnh mới được. Nhưng lạ sao, khi tôi vừa bước chân vào phòng thầy, mặt tôi đã nóng bừng bừng. Thầy đưa ghế bảo tôi ngồi, tôi cũng không dám... Rồi bằng một cử chỉ rất ngượng ngập, tôi ngồi xuống thu mình ở chỗ cuối giường ngủ của thầy. Thầy hỏi tôi:
-Thế em tập viết từ năm nào?
-Thưa thầy từ năm lên bảy.
-Lúc đầu em tập có khó lắm không?
-Dạ, em cũng không nhớ nữa.. Nhưng cũng hơi khó thầy ạ!
Tôi nhíu mày suy nghĩ và đáp rất lúng túng.
-Thế thầy mẹ em có còn cả không?
-Dạ, còn ạ!
Và cứ như vậy thầy hỏi câu nào,tôi trả lời câu ấy. Về sau thầy bảo tôi kể lại quá trình tập viết, học tập trong những năm qua...
Suy nghĩ mãi tôi vẫn chưa nói được câu đầu tiên. Mà sao thầy lại bắt mình kể những chuyện này làm gì nhỉ. Từ xưa đến nay đã ai bảo tôi kể thế này đâu.
Ngồi nghĩ mãi, không thể không nói được, tôi đành ngập ngừng lên tiếng và khó khăn lắm mới kể được vài ý mà thầy yêu cầu. Tôi biết kể như vậy còn sơ sài lắm. Chắc thầy còn muốn tôi kể nhiều và nhiều nữa cơ.
Bóng nắng từ bao giờ đã bước qua ngưỡng cửa vào nhà. Không kịp để tôi tự đội lấy, thầy hiệu trưởng đã cầm chiếc mũ chụp lên đầu cho tôi, tiễn tôi ra cổng trường.
-Thôi em về ăn cơm kẻo đói nhé. Ngày mai thầy sẽ đến chơi.
Đúng hẹn, sáng chủ nhật thầy hiệu trưởng đi xe đạp đến nhà tôi.
Những năm học trước, các thầy giáo cũng hay đến nhà tôi chơi như vậy. Nhưng lần này sao tôi thấy có gì khang khác và cảm động lạ thường. Phải chăng tuổi đời của tôi đã lớn, nên nhận thức của tôi và cả bố mẹ tôi nữa cũng đặc biệt quý thầy hơn những lần khác. Bố mẹ tôi làm cơm mời thầy ở lại nhưng thầy một mực nhất định xin về. Bố tôi phải đem giấu xe đạp vào buồng thầy mới chịu ở lại.
Câu chuyện giữa tôi và thầy hiệu trưởng tiếp tục. Thầy bảo tôi kể tiếp chuyện hôm qua. Lần này tôi kể tự nhiên và có vẻ đầy đủ hơn.
Thầy rời nhà tôi ra về khi mặt trời đã gần xuống ngang cây mít trước nhà.
Đúng hai tuần sau cũng vào một buổi sáng chủ nhật, Đài tiếng nói Việt Nam có bài phát thanh về tôi. Tôi lắng nghe, tôi hồi hộp. Tôi thấy mình như đang bay trong một giấc mơ huyền hoặc nào. Tôi nín thở mà sao tim vẫn đập nhanh lạ. Tôi muốn leo lên tận đỉnh cột loa, áp sát tai vào đấy nghe cho rõ. Có phải người ta đang nói về tôi không? Hay Nguyễn Ngọc Ký nào khác chăng? Không, đúng Nguyễn Ngọc Ký học sinh lớp 6B trường phổ thông cấp II Hải Phương, Hải Hâu, Nam Định rồi. Ôi! Một người như tôi cũng được giới thiệu trên đài ư? Mà sao chị phát thanh viên biết những chuyện về tôi thế nhỉ? Không, tôi chưa gặp chị bao giờ kia mà.
Sau cùng nghe chị phát thanh viên nói là bài viết của Trần Hữu Độ, tôi mới ngẩn người vỡ lẽ ra đó là bài viết của thầy hiệu trưởng trường tôi. Câu chuyện Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh về tôi làm xôn xao dư luận trong xóm. Mọi người ngạc nhiên. Còn thầy mẹ tôi thì vô cùng hởi lòng hởi dạ. Trong buổi cơm hôm ấy tôi được nghe những lời nói sung sướng của bố tôi:
-Thật là vinh dự lắm mới được người ta nói trên đài đấy con ạ. Từ xưa đến nay có ai được như con. Chỉ bây giờ có chế độ ta, con mới được chú ý như vậy, chứ ngày xưa thì những người như con bị người ta khinh rẻ lắm đấy. Từ nay con phải biết trông bè trông bạn mà cố học hành cho giỏi để khỏi phụ công ơn của Đảng, của Bác Hồ. Đời con tuy thế nhưng rồi chắc sẽ hơn hẳn đời bố đấy.
Tôi ngồi nghe mà thấy thấm thía quá. Những lời dạy của bố tôi đã gợi cho tôi biết bao suy nghĩ mới. Tôi phải làm gì đây để xứng đáng với những lời mà người ta nói trên đài. Và đúng lắm, tôi phải học giỏi thì mai đây mới có thể trở thành người có ích, mới được góp phần xây dựng đất nước. Phải học giỏi tôi mới khỏi phụ lòng yêu thương của các bạn, khỏi phụ lòng trông mong của thầy mẹ. Thế mà trong những năm qua, tôi đã chẳng làm được việc đó. Cả một quãng thời gian năm sáu năm dài tôi đã bỏ phí biết nhường nào. Ngay năm học lớp Năm mới đây thôi, tôi cũng chỉ được trọng điểm văn và toán 4.
Không thể học hành như thế này mãi được. Tôi phải xứng đáng với chiếc khăn quàng đỏ mà ngày ngày mình vẫn mang trên cổ. Làm thế nào để học giỏi bây giờ nhỉ? Đúng rồi, tôi phải chăm hơn nữa. Song thế vẫn chưa đủ. Những năm trước có lúc tôi học rất chăm mà vẫn không đạt được điểm khá đấy sao? Phải rồi, tôi phải tìm ra một cái gì nữa kia.
Suy nghĩ mãi tôi mới nghĩ ra được mình cần phải học có kế hoạch. Chính các thầy giáo đã chỉ cho tôi thấy học có kế hoạch là cách học thông minh và khoa học nhất.
Kế hoạch của tôi cũng đơn giản thôi. Hằng tuần tôi dành riêng ngày chủ nhật để ôn và hệ thống những bài đã học trong tuần vào một cuốn sổ học tập nhỏ. Tôi làm việc này thường xuyên. Sau khi học xong mỗi chương, tôi đều làm bài tổng kết. Đến cuối học kì hay cuối năm, việc ôn thi đỡ vất vả mà bài vẫn nắm vững.
Còn hằng ngày tôi học theo thời gian biểu. Sáng nào cũng vậy, cứ khi chú gà trống o...o cất tiếng gáy trong chuồng là mẹ tôi dậy nấu cơm sáng. Lúc đó chừng hơn bốn giờ gì đấy. Thế là tôi vùng khỏi chăn, ra bàn ngồi học sau những tiếng gọi rất thương của mẹ. Vừa ngủ dậy, đầu óc còn minh mẫn nên học chóng nhớ. Tôi thường dành thời gian này học các công thức toán, lý và xem lại tất cả các bài nào cần cho buổi lên lớp hôm ấy. Có hôm vì thấy trời quá lạnh, mẹ tôi thương nên không gọi dậy. Mẹ tưởng đâu thế là xong chuyện. Nhưng khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ. Thế là bỏ mặc cơm nước, tôi ngồi vào học một mạch cho tới khi nghe tiếng Bằng gọi đến lớp. Mẹ tôi bực mình bắt tôi phải ngồi ăn cơm bằng được. Nhưng tôi nhất định không chịu. Làm như vậy tôi vừa tỏ thái độ trách mẹ đã không gọi tôi dậy sớm vừa đảm bảo thời gian học đã quy định. Từ đấy hôm nào mẹ tôi bắt buộc phải gọi tôi dậy để học.
Thời gian học buổi chiều tôi thường bắt đầu bằng vài chục phút "xào bài". Sau đó tôi làm các bài tập cho đến 5 giờ. Rất ít khi tôi làm bài tập vào ban đêm, vì ban ngày lợi dụng ánh sáng tôi viết được dễ dàng hơn.
Tôi hay lo xa, không để cảnh "nước đến chân mới nhảy". Bài tập ngày nào tôi thường làm cho xong ngay ngày ấy. Như vậy gặp bài nào khó quá còn có thời gian suy nghĩ hoặc đi hỏi các thầy, các bạn.
Tối đến tôi dành hai tiếng rưỡi để học bài. Khi học, tôi xem trước cả những bài thầy sẽ giảng ngày mai trong sách giáo khoa. Việc làm này rất bổ ích. Nó giúp tôi nắm được tinh thần và những vấn đề khó của bài mới để tập trung theo dõi được bài ngay tại lớp.
Sau đó từ chín rưỡi đến mười một giờ tôi gọi là thời gian "ngoại khoá", lúc này tôi có thể đọc sách, xem báo, ghi nhật ký hay xem đài.
Các bạn có biết còn quãng thời gian nào tôi chưa nói đến không? Còn quá đi chứ!Từ 5 giờ đến 7 giờ tối đấy.
Thời gian đó tôi dành để giải trí. Có thể tôi chơi thể thao cho khoẻ người, đến sân đình đá cầu, hay vào chiếc hồ mới đào trong xã thi bơi lội. Và điều sung sướng nhất của tôi là được cùng các bạn chơi bóng đá trên những mảnh ruộng ba giăng còn trơ gốc rạ sau làng. Chính môn bóng đá đã làm người tôi khoẻ khoắn hẳn lên. Đôi chân nở nang, dẻo dai hơn nhiều. Khi viết những bài văn dài, tôi không thấy mỏi nữa.
Tôi chạy không nhanh lắm vì mất đà tay nên thường giữ chân "hậu vệ".
Có lần đội xóm tôi đấu với một đội xóm trên. Chơi đã lâu mà hai bên vẫn không phân thắng bại. Nhiều lúc đội tôi đã áp đảo khung thành đội bạn giữa những tràng pháo tay hồi hộp của khán giả tí hon. Nhưng rồi các cầu thủ đội tôi đều sút trượt ra ngoài. Đứng nhìn, tôi thấy tiếc vô cùng. Tôi liền xin đi lên trung phong để có dịp lập công cho đội mình. Vừa "ra quân", tôi đã dẫn bóng tới gần gôn đội bạn (gôn chỉ là hai cây tre dựng lên có dây chăng ở trên). Lúc này tôi không còn nghĩ đến đôi tay đã bị hỏng nữa. Trước mắt tôi chỉ có "chiến công" đang vẫy gọi. Tôi nhảy lên rướn người lao vút về phía trước sút bóng. Không ngờ khi quả bóng vừa lọt vào khung thành đội bạn thì tôi cũng mất đà ngã dụi xuống bãi.
Tôi ngất đi. Sau khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã bị gãy một cánh tay. Các bạn cõng tôi về. Đến ngõ, mẹ hớt hải chạy ra ôm lấy tôi và kêu lên, giọng vừa thương vừa giận:
-Tao đã bảo học xong thì ở nhà mà chơi, đừng đi đâu cơ mà. Bây giờ gãy tay thế này có khổ không hở con. Thôi từ rày thì cạch đến già con nhé!
Đau lắm nhưng tôi vẫn cắn găng chịu đựng không khóc, vì tôi hiểu việc này chính do mình gây nên chứ không phải ai.
Sau một tháng bó bột, vết thương đã lành. Tôi tưởng từ nay mình sẽ không bao giờ biết quả bóng đá là gì nữa.
Nhưng không, chỉ sau đó vài tháng, nhìn các bạn chơi, tôi không thể nào đứng yên được. Tính sôi nổi hiếu động của tuổi mười bốn, mười lăm đã thúc đẩy tôi nhảy vào sân bãi và thế là tôi lại tiếp tục chơi bóng đá với tất cả lòng say mê ham thích như cũ. Tôi đã thận trọng hơn, không còn những phút nóng máu như trước nữa. Hễ thấy dáng thầy mẹ đi qua là tôi vội vàng lẩn đi để giữ "bí mật".
Ngoài các trò chơi thể thao, tôi còn tìm ra nguồn giải trí ngay trong bài học. Cách giải trí này vừa giúp tôi hiểu thêm được bài vừa là những trò chơi rất lý thú.
Một thí nghiệm vật lý, một đồ dùng học toán, một mô hình địa lý... đều là những việc rất hấp dẫn lôi cuốn tôi.
Một hôm trời đã chạng vạng tối, tôi vẫn mải mê ngồi đắp mô hình địa lý trong góc nhà. Vụt nhớ tới một câu ca dao, tôi liền đọc tướng lên:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Mẹ tôi từ cửa bước vào hỏi:
-Tối rồi m làm cái gì mà ầm lên thế con?
Dường như không để ý, tôi vẫn say sưa làm việc và trả lời qua quít:
-Dạ, con nghịch vớ vẩn một tý thôi.
-Nhưng nghịch cái gì chứ?
Nói rồi mẹ tôi xăm xăm bước đến. Tôi im lặng ngồi dịch qua bên. Khi đã cuối xuống nhìn đi nhìn lại vẫn không hiểu tôi định làm gì, mẹ tôi liền chặc lưỡi:
-Trời, mày nghịch cái gì mà một đống sù sụ thế này? Tao chẳng nhìn ra cái gì cả.
Rồi chẳng đợi cho tôi kịp trả lời, mẹ đã đưa tay bưng lên. Thế là cả "công trình" mà tôi vừa khởi công xây dựng phút chốc đã tan tành. Mẹ tôi hốt hoảng nói chữa:
-Chết thật, thế mà mày không bảo mẹ trước. Tao cứ ngỡ là nó chắc lắm. Mà mày định làm cái gì đấy?
Tôi đưa chân nhặt những cục xỉ vừa mới bị đổ để gọn vào một chỗ rồi nói chậm rãi:
-Đây là một hòn núi giả con định xây để làm đồ dùng học tập. Vì xây bằng vữa vôi, lại chưa xong nên mới dễ đổ như vậy.
-Thôi cứ để đấy mai làm lại con ạ. Trong nhà còn gói xi-măng, mai mẹ đưa cho mà xây.
"A thế thì nhất rồi. Có gói xi măng thì còn lo gì nữa. Cứ xây mãi bằng cái vữa vôi chết tiệt kia thì khó mà thành công được. Hơi động vào đã rữa ra ngay. Nhất là mình phải dùng đôi chân để xây nên lại càng dễ đổ. Thôi được, mai có xi-măng mình cố gắng xây lại thật đẹp. Và nhất định phải xong trước thứ ba tuần sau để kịp giờ địa lý về núi"- Tôi thầm nghĩ và mỉm cười trong bóng tối đang tràn vào nhà. Thu gọn các "nguyên liệu" dụng cụ vào một chỗ, đưa hai bàn chân xoa xoa vào nhau, tôi đứng dậy vâng lời mẹ ra ao rửa chân.
Trong nhà mẹ tôi đã đánh diêm thắp đèn.
Ngồi vào bàn học, tôi vẫn không thể nào tập trung được. Những ý nghĩ về việc xây núi ngày mai cứ lởn vởn.
Chiều hôm sau, làm bài xong tôi bắt đầu lao vào công việc.
Khó khăn đầu tiên là việc đi lấy cát. Nếu có đôi tay bình thường như các bạn thì chuyện rất đơn giản. Chỉ việc ra sau nhà là tôi có thể tuỳ ý muốn vóc bao nhiêu đem về cũng được. Nhưng thực tế không cho tôi làm như vậy. Khắc phục bằng cách nào đây? Hay nhờ ai giúp vậy. Nhưng có ai ở nhà đâu! Thầy mẹ thì đi làm đồng chưa về; sang nhà Bằng, Bằng cũng đi vắng nốt. Boăn khoăn mãi tôi mới nghĩ ra cách đeo ba lô ra sau nhà dồn cát vào đấy mang về. Hôm nọ đi nhặt xỉ vôi cách xa nhà hai ba cây số, tôi cũng làm như vậy.
Có cát rồi, tôi dùng răng cắn cán gáo ra múc nước. Pha cát và xi măng với nước, tôi được thứ vữa khá tốt, vừa dẻo lại vừa chóng cứng.
Dụng cụ duy nhất là chiếc cùi dìa tôi vẫn ăn cơm hằng ngày. Biết làm như vậy là mất vệ sinh, nhưng lát nữa xong, lại đem ra ao rửa bằng xà phòng thì có gì đáng ngại.
Vừa xây được một lát thì nghe ngoài sân có tiếng người. Dừng thìa vữa đang xây dở trên chân, tôi quay ra và nhận ra ngay Bằng, Tam, Phụ (Tam, Phụ là hai bạn cùng xóm học chung lớp với tôi và Bằng).
Các bạn bước đến chỗ tôi làm. Bằng ngồi xổm xuống, đảo đầu nhìn khắp cái mô hình xây dở, hỏi tôi:
-Mày định xây cái gì thế này Ký?
Bỏ thìa vữa xuống đất, tôi đáp:
-Tao xây cái mô hình núi đấy. Chúng mày thấy thế nào?
Bằng chép miệng:
-Trời, việc gì phải khổ thế. Thầy giáo có bảo làm đâu. Thôi bỏ đấy đi chơi với bọn tao.
Bằng chưa nói xong thì Tam đã chen vào:
-Thầy đã bảo không làm thì tao cạch đấy. Mày thừa thời gian nên chỉ bày vẽ cho có việc thôi.
Phụ đế thêm:
-Ồ, sao chúng mày lại nói thế? Ký nó làm vậy là có trách nhiệm cao lắm đấy – Phụ ra vẻ nhấn mạnh hai tiếng "trách nhiệm". Nó nói ngọng nghe thành "tránh nhiệm!".
Một phút im lặng trôi qua tôi gượng cười đáp:
-Thôi, mặc kệ các cậu nói. Việc mình mình cứ làm. Rồi nó muốn ra sao thì ra... Chiều nay mình không đi chơi với các cậu được đâu. Nhất định phải ở nhà làm cho xong cái này đã.
-Ừ, thì cậu ở nhà làm cái này. Chẳng chơi với bọn tao thì thôi. Nào, còn chúng ta đi đi Bằng, Phụ ơi –Tam nói lớn và đưa tay diễn tả sự bất đồng của mình. Cu cậu đang định chuồn ra cửa thì Phụ đã kịp túm áo kéo giật lại:
-Nào, nào! Ông bạn đừng hăng tiết vịt quá thế. Đùa Ký vậy cho vui chứ mày định về thật đấy à? Ở lại xem Ký nó làm thế nào đã. Thôi đừng "hâm" nữa ông "Tam đại gàn" ạ!
Tam, Bằng, Phụ mỗi người một tay phụ tôi xây tiếp "dãy núi". Nhưng rủi thay khi sắp xây xong, luống cuống thế nào mấy đứa lại làm đổ sập.
Chiều hôm nay, một mình tôi lặng lẽ ngồi xây lại từ đầu. Kể cả lần tôi làm đổ thì đây là lần thứ tư tôi xây lại cái mô hình kỳ quặc này. Rút kinh nghiệm những lần trước, lần này tôi chú ý thận trọng hơn.
Lúc đầu xây còn dễ. Sau càng lên cao càng khó. Nhất là xây đến các đỉnh còn đòi hỏi công phu hơn. Có nhiều đỉnh còn xây toàn bằng những giọt xi-măng nữa kia.
Xúc xi măng vào thìa, tôi giơ lên lắc lắc cho nó từ từ nhỏ giọt xuống. Cứ như vậy giọt này chồng lên giọt khác dần dần tạo thành những đỉnh cao vút. Nhưng không thoả mãn với kết quả đạt được, tôi lại nhỏ tiếp các giọt xi-măng xuống. Thế là lập tức chúng lại đổ sập. Nhiều ngọn tôi kiên trì xây đi xây lại hàng chục lần mà vẫn chưa thành.
Tôi đứng dậy ra sân xốn xang và hứng chí đọc lên hai câu thơ của Tố Hữu:
Thua ván này ta bày ván khác
Có can chi miễn được cuộc cuối cùng.
Khác hẳn những lần trước, tôi không xây liền một lúc nữa. Mỗi lần tôi chỉ xây vài cục xỉ hoặc nhỏ thêm vài giọt xi-măng rồi để cho chắc mới xây tiếp. Cứ như vậy chiều này sang chiều khác, ngày nọ tiếp ngày kia chẳng khác gì con kiến xây tổ, cuối cùng tôi cũng xây xong mô hình sau một tháng trời vất vả.
Tôi đến nhà thầy Vịnh giữa một chiều xuân ấm áp. Cây đào trước nhà thầy mới hôm nào còn trơ những cành khẳng khiu nay đã chen đầy những chùm hoa nhạt. Đối diện với mảnh vườn nhỏ là ngôi nhà tranh ba gian hướng ra ngoài đường cái.
Tôi bước vào sân, rồi lặng lẽ đến cửa ngó vào, thấy thầy đang cuối xuống bàn làm việc. Tôi cất tiếng chào. Thầy ngẩng lên đáp lại bằng một nụ cười tự nhiên. Không dè dặt gì, tôi bước đến ngồi xuống chiếc giường nhỏ có cháu bé đang ngủ. Tôi chưa kịp nói gì, thầy đã nói một câu rất đột ngột:
-Thật vinh dự nhất đấy Ký ạ!
Tôi ngơ ngác không hiểu thầy đang định nói gì.
-Dạ, thưa thầy sao ạ?
Thầy cười:
-Có lẽ nào Ký lại chưa biết tin ấy cơ chứ!
-Dạ, em chưa hề biết gì cả.
Nhận thấy vẻ chân thành của tôi, thầy đưa mắt nhìn trìu mến và nâng cốc nước còn bốc khói vừa rót trong phích ra bảo tôi uống. Thầy từ từ cất giọng nhỏ nhẹ:
-Em vừa được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu. Hiện nhà trường đã nhận được và sắp làm lễ trao cho em đấy nhé. Phấn khởi nhé!
Tôi lặng người sửng sốt không nói được câu gì. Thầy đưa tay gạt nhẹ những sợi tóc xoã xuống mặt cho tôi:
-Em xem, Bác tuy bận trăm công nghìn việc mà vẫn chú ý đến em. Em phải cố gắng nhiều để xứng đáng với sự chăm lo của Bác.
Để tránh vẻ bối rối xúc động, tôi bước ra sân đi dạo quanh ngắm những giọt mưa xuân long lanh đậu trên các cánh hoa thược dược đỏ thẫm, đung đưa theo chiều gió.
Tôi không còn bụng dạ nào trở về nhà và nhờ thầy giảng hộ bài toán nữa. Tôi chào thầy và xin phép ra về...
Trên đường, tôi vừa đi vừa rạo rực suy nghĩ.
Tại sao tôi lại được Bác thưởng huy hiệu? Bác biết chuyện tôi viết bằng chân ư? Mà như thế thì đã có gì xứng đáng! Hay Bác biết cả chuyện mình vừa xây được cái mô hình núi. Có thể Bác biết được cả những điểm tổng kết trong học kỳ vừa qua của mình nữa chăng? Mà hình dáng chiếc huy hiệu ấy ra sao? Giữa lúc đó, một cánh én bỗng vút qua trước mặt. Tôi dừng lại trông theo. Ước gì mình có đôi cánh như con chim én kia nhỉ. Mình sẽ lao vút lên tận trời, xuyên qua những lớp mưa xuân trắng mờ kia đến nơi Bác. Mình sẽ mạnh dạng nói thật với Bác những điều sung sướng và cả những boăn khoăn... Mình sẽ được gặp Bác!
Ôi! Tôi sung sướng thầm kêu lên và nhìn theo cánh én cho đến khi mờ hẳn giữa biển mưa mù xa xa.
Về đến nhà trời vừa tối. Điều ngạc nhiên đầu tiên của tôi là trên sập có bày một bộ ấm chén mới. Tôi đoán ngay nhà vừa có khách.
-Mẹ ơi! Có phải nhà ta vừa có ai đến chơi?
Mẹ tôi cười đáp:
-Sao mày biết? Nhà ta chả có ai đến chơi cả.
-Không, mẹ cứ nói thật đi, rồi con sẽ nói với mẹ một tin mừng.
Mẹ tôi không chịu:
-Ừ! Thì con nói trước đi nào, rồi mẹ cũng nói với con một tin mừng.
-Ồ! Thế là con biết rồi – Tuy nói vậy song tôi vẫn hồi hộp chờ câu trả lời của mẹ.
Mẹ tôi cầm chiếc đèn chai đặt xuống gần chỗ tôi:
-Thôi có tin gì thì nói cho mẹ biết đi rồi còn học hành kẻo khuya con ạ! –Vừa nói mẹ tôi vừa nhẹ nhàng nhấc chiếc mũ cát mà từ lúc nãy tôi vẫn quên chưa bỏ ra khỏi đầu, treo lên chiếc đinh đầu cột.
Trong ánh đèn, tôi bỗng nhận ra vẻ khác thường trên khuôn mặt mẹ tôi. Những nếp nhăn trên gò má mẹ tôi như đang giãn ra. Tôi nhìn mẹ giục:
Thôi, nói đi mẹ!
-Mày thì có bao giờ chịu thua ai đâu. Tao chịu m đấy.
Mẹ tôi ngừng lại chớp chớp mắt nhìn tôi, hạ thấp giọng nói như đếm từng tiếng một:
-Mày được Bác Hồ thưởng huy hiệu đấy!
-Ơ, sao mẹ biết?
-Thầy Độ lúc chiều đến chơi nói với mẹ thế mà. Còn m có tin gì nói nốt cho mẹ mừng với.
-Cũng cái tin ấy mẹ ạ! Còn cái tin nào sung sướng hơn tin ấy nữa hả mẹ!
-Trời, thế mà t cứ tưởng mày chưa biết. Thôi đèn đây, học bài đi con. Rôi liệu mà đi ngủ cho đỡ mệt. Sức đã yếu mà cứ thức hoài như mấy đêm vừa rồi thì ốm đấy con ạ. Mẹ đi họp tổ sản xuất đây.
Trong căn nhà đóng cửa kín mít này chỉ có tôi và ngọn đèn. Thầy tôi vắng nhà vì đi làm đồng ở An Hoá mấy hôm nay.
Tôi lục sách ra học bài. Nhưng học mãi mà chẳng vào. Tôi thấy muốn làm một việc gì đó.Ồ, phải rồi, tôi sẽ viết một lá thư gửi lên Bác. Tôi dùng dao xén một tờ giấy trắng nhất đặt ngay ngắn trước mặt. Trong đầu tôi bao suy nghĩ dồn dập,dồn dập nảy ra. Nhưng ngồi mãi tôi chỉ viết được mấy chữ: "Kính gửi Bác Hồ kính yêu". Lúc mẹ tôi đi họp về, lá thư mới được vẻn vẹn mấy dòng. Mẹ tôi giục đi ngủ tôi không nghe, vẫn ngồi viết tiếp. Rồi mệt quá tôi ngủ quên lúc nào không biết. Lá thư tuy bỏ dỡ nhưng trong giấc ngủ của tôi, nó vẫn được viết tiếp bằng một giấc mơ rất đẹp. Tôi mơ được gặp Bác. Bác giống ông ngoại tôi quá. Từ bộ râu trắng như cước đến mái đầu bạc, cả đến ánh mắt long lanh, nụ cười hiền hậu, tôi cũng cảm thấy gần gũi thân thiết như ông tôi.
Tôi đưa bức thư cho Bác đọc, Bác mỉm cười, ôm tôi vào lòng, âu yếm xoa đầu tôi. Bác cho tôi ăn rất nhiều những viên kẹo bột như thường ngày mẹ vẫn mua ở chợ về. Bác ân cần hỏi về học tập, sức khoẻ. Rồi Bác hỏi tôi có thích gì nữa không. Theo nguyện vọng của tôi, Bác liền cho tôi cái cùi dìa xúc cơm (chiếc cùi dìa của tôi vừa bị gãy trong kỳ xây chiếc mô hình núi. Đối với tôi, đây là đồ dùng quý nhất). Sau cùng, Bác cài lên ngực tôi không biết bao nhiêu huy hiệu. Xanh có, đỏ có, vàng có. Chiếc thì giống huy hiệu măng non, chiếc lại hệt huy hiệu Đoàn mà chị tôi thường đeo. Sung sướng quá, tôi đang định vùng ra khỏi lòng Bác để chạy đi khoe với các bạn thì bỗng thấy lành lạnh trên má. Tôi giật mình thức giấc, ngạc nhiên thấy mình nằm gọn trong lòng bố. Bố đang áp sát má vào má tôi. Cái cảm giác lành lạnh kia chính là những giọt nước mắt của bố tôi. Thì ra bố từ An Hoá trở về lúc tôi đang ngủ. Mẹ tôi đã nói cái tin tôi được thưởng huy hiệu. Bố mừng quá vào giường nằm và ôm lấy tôi. Thế là những giọt nước mắt của bố trào ra.
Như thường lệ, sớm nay tôi dậy đốt đèn từ lúc gà gáy, nhưng không phải để học bài mà để đọc lại lá thư gửi Bác. Sau khi đọc đi đọc lại gần thuộc lòng, tôi mở cửa nhìn ra ngoài. Trời vẫn tối đen như mực. Không đợi trời sáng, tôi xếp sách vở cùng bức thư vào túi dết, rồi ra rửa mặt ở thau nước mà mẹ tôi đã để sẵn ở cửa. Tôi vào nhà thì mẹ đang sửa soạn quần áo cho tôi. Sau khi đã mặc cho tôi chiếc áo sơ mi trắng nõn và chiếc quần âu xanh thẫm còn nguyên nếp, mẹ vội vàng đi sắp mâm bếp dọn cơm.
Cơm nước xong thì Bằng, Tam, Phụ cũng vừa đến. Các bạn kéo tôi đến trước chiếc gương trên giường. Bằng bẻ lại cổ áo, Phụ sửa lại chiếc khăn quàng, còn Tam thì hăm hở bỏ áo vào quần giúp và lấy lược chải lại mái đâu cho tôi.
-Hai bác trông, Ký hôm nay "oách" ra phết.
Thầy mẹ tôi theo tôi vừa bước đến cổng trường thì tiếng trống vào lớp đã vang lên. Ngồi vào bàn học rồi mà tôi không sao tập trung nghe giảng được. Một cảm giác mừng mừng lo lo cứ xáo động trong tâm trí tôi.
Hai tiết học trôi qua, thế mà tôi cứ tưởng như đã lâu lắm. Một hồi trống vang lên. Một lát sau, trước cột cờ sân trường, học sinh các lớp đã tập hợp đông đủ.
Đến dự lễ trao tặng huy hiệu của Bác Hồ cho tôi có các Bác trong huyện uỷ, các thầy trong phòng giáo dục, đặc biệt cả thầy mẹ tôi cũng có mặt.
Thầy hiệu trưởng lên nói về quá trình học tập của tôi. Với giọng ấm áp, thầy đã thu hút được sự chú ý của mọi người. Nói xong mỗi ý, thầy thường dừng lại giới thiệu đồ dùng học tập của tôi đặt trên bàn. Cứ mỗi lần như vậy là sân trường lại ồn ào lên. Đó là chiếc bàn tính bằng tre, chiếc mô hình núi, quyển vở sinh vật với nhiều hình vẽ. Đó là những bài kiểm tra được điểm năm (điểm năm là điểm cao nhất theo thang điểm năm bậc) và một tập bản đồ tôi tự vẽ và tô màu.
Tôi bước lên nhận huy hiệu giữa những tràng vỗ tay dồn dập không ngớt.
Sau khi gắn huy hiệu của Bác Hồ vào ngực tôi, bác huyện uỷ ôm hôn tôi.
Tôi run run đọc lá thư gửi Bác Hồ. Tuy lúc sáng đã đọc gần thuộc thế mà bây giờ ấp úng mãi mới đọc xong.
Tôi bước xuống và về chỗ ngồi, tiếng vỗ tay lại dồn dập vang lên. Bằng, Tam, Phụ và mấy bạn ngồi gần xúm quanh tôi xem huy hiệu của Bác. Hình Bác nổi bật lên giữa màu đỏ chói của lá cờ và màu xanh lơ của nền huy hiệu.
Sau cùng là lời phát biểu của bố tôi. Vì quá xúc động lại chưa hề nói trước đám đông nên ngập ngừng mãi bố tôi mới nói được câu đầu tiên:"Tôi đã hơn sáu mươi tuổi nhưng chưa bao giờ được sung sướng như hôm nay..." rồi dừng lại một lúc khá lâu bố tôi mới bập bõm nói tiếp, giọng khản đặc gần như muốn khóc:
-Ngày xưa cũng trạc tuổi như cháu Ký, tôi phải đi ở cho địa chủ để kiếm thêm miếng ăn. Không được đi học, một chữ cắn đôi cũng không biết, lại bị đánh đập mắng đuổi như thân trâu ngựa. Thế mà bây giờ một người tàn tật như cháu lại được thế này...-Bố tôi đưa tay gạt nước mắt –Thật không có chế độ ta thì con tôi phải ngồi đầu đường xó chợ mất... Tuy không sống được mấy gang tay nữa, nhưng ngày nào tôi còn ăn được, nhìn được, còn thấy con tôi đeo sách đến trường thì ngày ấy tôi còn mang nặng ân nghĩa đối với cụ Hồ, với Đảng, công ơn của các thầy và các em...
Tiếng bố tôi nghẹn dần, bố run run bước xuống.
Buổi lễ đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ sâu sắc mới mẻ. "Mình phải làm gì để xứng đáng với sự chăm sóc của Bác?". Trước đây tôi chỉ nghĩ mình phải học thế nào để khỏi hổ thẹn với các bạn, để các bạn khỏi khinh mình. Nhưng giờ phút này tôi mới thấy Bác thưởng huy hiệu cho tôi tức là Bác nhắn nhủ tôi phải học thật tốt để có thể phục vụ nhân dân bằng đôi chân và khối óc của mình. Tôi ước mơ sẽ học giỏi môn toán để sau này góp phần xây dựng đất nước.
Những năm học cấp một tôi rất dốt toán. Một thầy giáo nói: "Thầy không hiểu sao các môn khác Ký học tốt mà riêng môn toán thì lại thường thế". Chính tôi cũng khó trả lời được câu hỏi đó. Nếu bảo tôi vì không chăm mà dốt thì có lẽ không đúng. Hơn hẳn các môn học khác, tôi đã mất thời gian khá nhiều để học toán. Mọi công thức, quy tắc tôi đều thuộc lòng như cháo. Thế mà đì đẹt mãi tôi vẫn không thể nào ngoi lên được. Mãi đến lớp Bốn, những con tính nhân chia hai ba con số tôi vẫn ít khi làm đúng. Có những bài toán, cách giải đúng, nhưng đáp số lại sai. Lần thi tốt nghiệp hết cấp một tôi suýt trượt cũng chỉ vì các tính hay nhầm lẫn. Điều ân hận đó đã kích thích tôi lao đầu vào học môn toán ngay từ những ngày đầu bước vào lớp Năm. Tôi đã nhận ra mình làm toán hay sai vì viết con số không được rõ ràng. Con số 6 có khi viết thành con số không, số 5 có khi viết thành số 3. Khi làm những phép tính nhân chia phức tạp ba bốn con số, tôi thường vì thế mà nhầm lẫn.
Chiến dịch tấn công đầu tiên của tôi là tập viết lại cho thật rõ ràng tất cả những con số từ 5 đến 9. Sau đó tôi tập làm rất nhiều các phép tính nhân chia trừ cộng thật lớn, có khi thử đi thử lại rất kỹ lưỡng. Sau một thời gian luyện tập, tôi đã tiến đến học tương đối khá môn toán và hi vọng có thể vươn lên hơn nữa.
Không ngờ đến năm lớp 6, một loạt khó khăn mới lại đến với tôi. Môn toán không đơn thuần chỉ là số học nữa. Nó đã thêm bộ môn hình học và đại số. Đáng ngại nhất là hình học. Nói đến hình học là phải nói đến hình vẽ. Vẽ hình có tốt thì bài mới tốt được. Với đôi chân, chỉ cần cặp chiếc thước, kẻ một đường thẳng cũng khó, huống hồ phải kẻ những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi thật chính xác.
Công việc của tôi là phải tập giữ thước thế nào cho chắc khi đặt xuống giấy. Các bạn có thể dang rộng hai ngón tay đè thước dễ dàng. Còn tôi chỉ dùng được ngón cái chân trái để giữ, nên khi đưa bút kẻ, thước thường bị chệch. Thế là bỗng chốc đường thẳng hoá thành đường cong. Nhiều lần chiếc hình cứ gần vẽ xong lại phải bỏ đi vẽ lại. Có hình vẽ tới năm bảy lần vẫn chưa được. Thấy mất thời gian lại tốn giấy hao công, tôi nghĩ ra cách vẽ hình không cần thước. Lúc đầu vẽ bằng bút mực, nét hình run run nhiều khi mất chính xác. Về sau tôi bỏ bút mực dùng bút chì. Khi vẽ có bị hỏng tôi tẩy đi vẽ lại. Cách vẽ này giúp tôi vẽ được những hình tương đối chính xác, khi giải bài tập khỏi phải nhờ các bạn vẽ hộ. Nhưng chưa thể thoả mãn với các kết quả đó được. Tôi suy nghĩ phải tìm cách vẽ bằng được những hình đẹp như các bạn. Nghĩa là tôi phải tập để có thể dùng thước và bút mực khi vẽ.
Tôi chuyển sang tập giữ thước kẻ bằng gót chân trái. Khi vẽ, thước không bị xê xích như trước nữa. Nhưng một khó khăn mới lại xảy ra: chiếc thước quá nhỏ bản nên gót chân thường che khuất cả hình. Thành ra tôi toàn phải kẻ phóng vì không nhìn rõ gì cả. Kết quả có những đoạn cần ngắn thì phải kẻ dài, có những đoạn cần dài thì lại kẻ quá ngắn. Khắc phục bằng cách nào đây? Thao thức mãi tôi mới nghĩ ra làm một cái thước thật rộng bản, có chuôi cắm bên trên. Bây giờ tôi không tì thước bằng gót chân nữa. Tôi dùng ngay ngón chân trỏ và ngón chân cái cặp lấy chuôi ấn thật chặt xuống giấy. Với sáng kiến này, tôi đã vẽ được những hình khá đẹp. Thế là tôi không lo về việc vẽ hình nữa. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy và các bạn, tôi tự tin là mình sẽ đạt được ước mơ học giỏi môn toán. Tôi tìm đọc tiểu sử của nhiều nhà toán học trên thế giới. Ở đó tôi đã học tập được những tấm gương sáng chói. Hình ảnh Pôn-tơ-ri-a-ghin (nhà toán học Nga) bị mù cả hai mắt vẫn kiên trì học hỏi trở thành nhà toán học lỗi lạc đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đó là một trong muôn vàn bài học bổ ích giúp tôi kiên trì học tập môn toán. Nhưng con đường học tập của tôi quả còn nhiều khó khăn...
Một hôm vừa về đến nhà, tôi liền vứt chiếc túi xách xuống phản lên giường đi nằm.
-Sao thế hở con? Đã say nắng rồi chứ gì!-Mẹ tôi bước đến cuối xuống nhẹ nhàng đặt bàn tay lên trán tôi-Trời! Đầu nóng hầm hập thế này.Thế mà lúc sáng mẹ bảo mang mũ đi mày cứ không chịu. Thôi nằm đấy đi mẹ tìm ít rau má về pha nước đường uống cho đỡ mệt.
-Không, con không sao đâu mẹ ạ!- Tôi quay nhìn mẹ nói khẽ.
-Không sao mà người lại nóng như hòn than thế này!- Mẹ tôi nhổm người lấy chiếc quạt giấy trên đình màn, vừa quạt cho tôi vừa hỏi tiếp, giọng đầy lo âu:
-Còn mặt mày sao trông cứ đỏ như gấc thế kia?
-Dạ, có lẽ vì...
-Vì sao, hay bị ngã rồi đấy?
-Không phải đâu
-Thế vì sao thì cứ nói đi chứ con, cho mẹ còn biết cách chạy chữa chứ-Mẹ tôi nghiêng người xuống gần sát mặt tôi chờ câu trả lời.
-Vì... vì con vừa làm bài không xong mẹ ạ!- Tôi ấp úng đáp.
-Trời, có thế mà cũng phát sốt phát nóng, làm tao hết cả hồn vía... Nhưng làm sao lại thế hở con?
-Vì bài kiểm tra toán có bài dựng hình rắc rối quá mà con lại chưa biết quay com-pa.
-Sao con không nhờ Tam, Phụ làm hộ cho?
-Con không muốn phiền các bạn, mẹ ạ!
Để an ủi tôi, mẹ hạ thấp giọng nói:
-Thôi đừng lo lắng nữa làm gì. Dậy mẹ pha nước đường cho mà uống.
Tôi ngước nhìn mẹ và nói, vẻ làm nũng:
-Mai đi chợ mẹ nhớ mua cho con chiếc com-pa nhé!
Cặp mãi chiếc com-pa trong chân mà tôi vẫn loay hoay không biết quay thế nào. Quay phải cũng ngắc, quay trái cũng ngắc. Ngón chân tôi cứ cứng đờ, không tài nào xoay com pa đi được. Luống cuống mãi, mũi com-pa đã xé toạt cả mấy trang vở mà tôi vẫn chưa vẽ được một vòng tròn nào.
Kể từ hôm mẹ tôi mua com-pa, ngày nào tôi cũng tập quay như vậy. Không kể trưa, tối, hễ lúc nào rỗi tôi lại tập. Tập cả lúc chờ bữa ăn. Nếu mẹ không giục đi ngủ thì nhiều đêm tôi thức trắng để tập. Thế mà đã hơn một tuần liền vẫn chưa có kết quả gì. Nhiều lần, Phụ nói:
-Để tớ quay giúp cho.
-Không, nhất định tớ phải tập quay cho được.
Tôi không quay com-pa bằng một chân nữa, đổi sang tập quay bằng hai chân. Tôi dùng chân phải giữ chuôi và đưa chân trái cặp vào càng có gắn bút chì để quay. Nhưng rồi tôi vẫn không vẽ được. Cố gắng gò bàn chân, tôi cũng chỉ vạch được nửa vòng tròn là hết cỡ mà nửa vòng tròn đó cũng chệch choạc đứt quãng rất nhiều. Tôi chợt nảy ra cách quay hai lần. Sau khi quay được nửa vòng, tôi nhấc com-pa lên xoay tờ giấy lại quay tiếp nửa kia. Giá có chiếc com-pa tốt không thay đổi khoảng cách thì có lẽ tôi đã thành công rồi. Biết làm sao bây giờ.
Giữa lúc đó, một chuyện tình cờ đã xảy ra.
Thường lệ như bao trưa khác, trưa hôm ấy đi học về, trong lúc chờ cơm tôi lục sách ra "xào" bài, thì ôi, một chiếc hộp to gần bằng trang vở, màu đỏ sẫm nằm ngay dưới đáy túi sách. Tôi ngẩn người không biết ai đã bỏ vào đấy. Tôi run run mở ra và ngạc nhiên thấy một chiếc com-pa Trung Quốc mạ kền sáng loáng, cùng một chiếc bưu ảnh hoa hồng và một bức thư ngắn. Tôi vội cầm lá thư:
-Thân tặng Nguyễn Ngọc Ký, người bạn mến phục, món quà nhỏ này làm kỷ niệm. Chúc bạn mãi vui khoẻ và vươn lên không ngừng. Người bạn thân chưa quen của bạn.
Ký tên: "L."
Đọc xong bức thư tôi xúc động đến ứa mắt. Tôi nghĩ mãi vẫn không đoán ra L. là ai. Chắc một bạn trong lớp. Nhưng tại sao lại là "người bạn thân chưa quen biết"? Trong lớp này có ai chưa quen đâu nhỉ. Một năm lớp Sáu học với nhau rồi chứ ít gì. Mà sao bạn ấy lại tặng mình chiếc com-pa? Có phải bạn biết mình đang cần biết một chiếc com-pa thật tốt như thế này? Buổi học hôm sau tôi mới vỡ lẽ: L. không ai khác mà chính là Liễu, một bạn gái cùng lớp. Tôi nhận ra khi mấy bạn gái ngồi bàn bên cứ nhìn vào chiếc "com-pa kỷ niệm" tôi đang tập quay, cười khúc khích.
Khác tất cả các bạn cùng lớp, Liễu không học lớp Sáu với tôi. Đầu năm học lớp Bảy này bạn mới từ trường Hải Tiến chuyển về. Vừa gặp Liễu, tôi đã nhận ra ngay và nhớ đến một kỷ niệm khá sâu sắc
Tôi ra trường cấp hai Hải Tiến báo cáo điển hình vào một buổi chiều mưa mùa xuân. Đấy là sau cái ngày tôi được Bác thưởng huy hiệu hồi cuối lớp Sáu. Tôi nói xong, một bạn gái từ trong hàng bỗng đứng dậy, tay cầm chiếc khăn quàng đỏ mà bạn mới cởi từ cổ ra, xăm xăm bước lên chỗ tôi. Hàng trăm con mắt đổ dồn về phía bạn. Rồi tiếng cười, tiếng vỗ tay vang lên khi bạn vội vàng đưa tay quàng chiếc khăn vào cổ tôi.
Người bạn đó chính là Liễu mà tôi không ngờ còn được gặp lại trong năm học lớp Bảy này. Chúng tôi đã nhận ra nhau, thế nhưng tôi im lặng giữ kỷ niệm ấy trong lòng. Có lẽ vì sự hờ hững bên ngoài đó mà Liễu gọi tôi là người bạn thân chưa quen biết chăng?
Từ khi có chiếc com-pa của Liễu, công việc luyện tập của tôi có phần dễ dàng. Lúc quay, tôi không còn sợ com-pa đổi khoảng cách nữa, vì nó được điều khiển bằng xoáy ốc.
Bây giờ tôi chuyển sang tập quay com-pa bằng cách khác. Tôi dùng hai ngón chân cái kẹp đuôi com-pa và quay. Tôi đã quay trọn được các hình to nhỏ vừa ý.
Song đó chỉ là thành công khi quay trên vở để làm bài tập bình thường. Còn gặp những bài kiểm tra thì tôi lại bị lúng túng. Vì phải quay com-pa trên các tờ giấy lẻ, nên khi mũi com-pa quay, tờ giấy cũng xoay theo. Thành ra tôi rất khó điều khiển cho mũi chì vạch ra trên giấy. Tôi lại suy nghĩ: tôi không làm bài kiểm tra toán vào tờ giấy rời nữa mà đóng thành một tập giấy để làm bài. Khi làm xong xé ra nộp cho thầy. Song cách làm này vẫn chưa vừa ý, tôi cảm thấy còn bị bó buộc nhiều quá. Tôi muốn làm thế nào chỉ dùng một chân cũng quay được com-pa trên giấy như các bạn.
Quá trình tập quay từ trước đã làm cho ngón chân tôi trở nên mềm mại nên tôi tin là sẽ làm được.
Một lần đang tập quay com-pa ở nhà thì bất ngờ Liễu đến chơi. Không muốn cho Liễu biết việc mình tập nên khi thoáng thấy bóng Liễu từ ngoài ngõ tôi đã vội vàng bỏ chiếc com-pa vào hộp, cất kín trong tủ. Tôi ra sân đón Liễu. Đây là lần đầu tiên Liễu đến nhà tôi chơi.
Vẻ lạnh lùng, Liễu nhìn khắp ba giang nhà một lượt. Rồi như muốn biết rõ mấy chiếc giấy khen mà tôi đã làm khung bằng tre treo trên tường. Liễu lặng lẽ bước đến ngẩng lên nhìn. Mấy chiếc giấy khen đó tôi được tặng trong mấy năm học trước. Liễu lại bước đến nhìn tấm bảng đồ to bằng nửa chiếc chiếu treo ngay đầu cột, ngạc nhiên hỏi tôi:
-Ký mua được ở đâu tấm bản đồ đẹp và lớn thế này?
Tôi mỉm cười đáp:
-Mình gửi người ta mua ở tận Nam Định kia đấy.
Vẻ cả tin, Liễu chăm chú nhìn chiếc bản đồ. Đột nhiên, Liễu quay ra nhìn tôi như trách móc:
-Ồ, chẳng phải, Ký nói dối mình rồi. Ai vẽ mà giống như in thế này nhỉ?
Tôi không đáp, chỉ đưa mắt nhìn tấm bản đồ mỉm cười.
-Hay Ký vẽ đấy? –Liễu nhìn tôi, lưỡng lự. Quay nhìn kỹ tấm bản đồ lần nữa, như chợt phát hiện ra điều gì bí mật, Liễu kêu lên-A, đúng Ký vẽ rồi. Thôi bây giờ đừng có hòng mà chối nữa nhé?- Vừa nói Liễu vừa chỉ vào góc tấm bảng đồ, chỗ tôi ký tên và ghi ngày vẽ.
Biết đã "lộ tẩy". tôi đành cười xoà thú thật:
-Ừ, thì mình vẽ.
-Có thế chứ!-Liễu reo lên, vẻ đắc thắng.
Tấm bản đồ ấy về sau tôi đem tặng nhà trường làm kỷ niệm. Đó là bản đồ tổng hợp về địa hình, khoáng sản và chính trị Việt Nam.
Liễu bước đến ngồi cạnh phản. Tôi đưa chân lật lật hai tập sách đặt giữa phản. Đó là cuốn "Thép đã tôi thế đấy" do bác Sê-sin, phó tiến sĩ văn học Nga, gửi tặng tôi hồi hè lớp Sáu. Tôi ngẩng lên hỏi Liễu:
-Bạn đã đọc hai tập này chưa?
-Mình chưa đọc nhưng nghe nói hay lắm phải không?
-Ừ, hay không tả được.
-Chắc Ký quý nó lắm nhỉ?
-Quý lắm. Bây giờ lúc nào mình cũng đặt nó ngay trước bàn học. Mình đã đọc đi đọc lại nhiều lần rồi mà vẫn không chán. Càng đọc mình càng tìm ra nhiều đoạn thú vị. Bây giờ mình đọc cho Liễu nghe một đoạn nhé!
Đoạn này tôi đã đánh dấu sẵn nên giở ra một cái là thấy ngay:
"Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện hèn đớn của mình. Và để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã dâng hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người."
Đối với tôi, Pa-ven là một người anh lý tưởng. Trong mọi khó khăn bệnh tật, hình ảnh anh đã động viên tôi rất nhiều. Mỗi khi cảm thấy mình yếu đuối là tôi lại nhẩm đọc đoạn suy nghĩ trên của anh. Tôi đã ghi nó trong sổ tu dưỡng và học thuộc lòng.
Tôi đang định mở sang trang khác để đọc cho Liễu nghe một đoạn nữa thì đột nhiên Liễu hỏi tôi:
-Sáng nay Ký tập quay com-pa phải không?
-Sao Liễu biết?-Tôi ngớ người hỏi lại.
-Có gì mà không biết. Trông đây này-Liễu giơ mảnh giấy chằng chịt những vòng cung trông rất bẩn. Tôi nhận ra đó là mảnh giấy nháp của tôi vừa tập quay com-pa, có lẽ vô ý để vươn ra nhà nên Liễu nhặt được. Liễu đặt mảnh giấy nháp xuống gần chỗ tôi và nhẹ nhàng hỏi tiếp:
-Ký tập như vậy chắc khó lắm nhỉ. Đã sắp quay được chưa?
-Cũng sắp được rồi.
-Ký lấy giấy ra quay cho mình xem với nhé!
Thì ra Liễu biết tôi tập quay com-pa từ lâu. Những ngày tôi hí hoáy tập quay com-pa ở lớp trước đây, Liễu đã chăm chú theo dõi. Liễu biết tôi đang cần một chiếc com-pa tốt để tập cho dễ. Thế là trong giờ ta chơi cuối cùng của buổi học hôm ấy, nhân lúc tôi ra sân chơi, Liễu liền giấu chiếc com-pa vào túi sách của tôi. Liễu ngồi xem tôi vẽ. Những khi chân tôi mỏi, chiếc com-pa rời ra, Liễu nhanh tay cầm đặt vào hộ. Có lúc Liễu cầm lấy bàn chân tôi điều khiển chiếc com-pa quay. Thỉnh thoảng chiếc com-pa trệch ra xé toạch cả giấy là hai đứa lại tủm tỉm cười.
Liễu đưa cho tôi một tập giấy nháp và nói:
-Đây, Ký cầm tập này quay com-pa cho đỡ tốn giấy.
Tôi tiễn Liễu ra về, nắng trưa rải vàng khắp nơi.Tôi đứng nhìn theo cho đến khi Liễu khuất hẳn sau rặng tre xanh.
Thấy tôi quay được com-pa bằng một chân, thầy Châu mừng lắm. Thầy đứng nhìn tôi làm bài tập dựng hình và gật đầu nói:
-Khá lắm, em có nhiều triển vọng tốt đấy!
Quả thật bài kiểm tra ấy tôi đạt điểm năm. Thầy Châu rất mến tôi. Thầy có gì cũng dành cho tôi. Tôi thiếu giấy thiếu mực, thầy đều mua cho cả. Các bạn thường gọi đùa tôi là "con cưng của thầy". Tôi rất thích đến nhà thầy chơi. Nhất là được thầy cho thêm các đề toán khó về làm là tôi khoái lắm. Biết ý nên mỗi lần tôi đến chơi, bao giờ thầy cũng bỏ vào túi tôi một mảnh giấy con có chép sẵn các đề toán mà thầy đã chọn.
-Đây, quà của Ký đây. Khi nào "ăn xong" nhớ cho thầy biết nhé!-Thầy vừa cười vừa bảo tôi.
Một lần tôi đang ngồi ăn cơm, chợt nghĩ ra cách chứng minh một bài hình mà thầy Châu mới cho hôm qua, tôi vụt đứng dậy đến bàn học tự lục sách bút ghi lại.
Vừa ngạc nhiên vừa bực, mẹ tôi đặt bát cơm xuống mâm trách:
-Con điên hay sao thế? Đời thủa nhà ai đang bữa ăn lại bỏ đi viết với lách.
Thấy tôi im lặng, mẹ lại nói:
-Nghiện học hả con? Ngày cũng học, đêm cũng học, rồi cả bữa ăn cũng học. Thôi cứ ngồi mà học thế cho no, đừng ăn nữa con nhé!
Quả thật, tôi không còn bụng dạ nào ngồi ăn tiếp bữa cơm nữa. Đối với tôi, lúc này, chỉ có việc giải được bài hình kia là sướng hơn hết.
Thầy Châu rất hài lòng thấy tôi làm được bài hình ấy. Một buổi chiều tôi lên trình bày cặn kẽ cách giải với thầy. Thầy khen và giữ tôi lại ngủ. Hai thầy trò nằm bên nhau. Thầy kéo chăn đắp cho tôi, âu yếm ôm tôi vào lòng. Đấy là một đêm cuối xuân. Ngoài hiên, tiếng mưa rơi tý tách đều đều, thầy khẽ hỏi tôi mọi chuyện. Thầy kể cho tôi nghe những kinh nghiệm học toán. Tôi lắng nghe tưởng như nuốt lấy từng lời. Thầy kể sang chuyện quê hương, gia đình. Quê thầy ở tận Lý Nhân, cách quê tôi đến ba mươi ki-lô-mét. Thầy bảo quê thầy có rất nhiều khoai lang và nhãn. Hè tới thầy sẽ dẫn tôi về chơi.
Ở lớp, thầy Châu cử tôi cùng Tựu làm các sự toán. Tôi lo lắng không biết làm thế nào. Trời mùa đông thường sáng muộn. Bao giờ mẹ tôi cũng đốt đèn cho tôi từ lúc gà gáy. Khi nền trời vừa bàng bạc, các vì sao vẫn còn nhấp nháy, tôi đã vội vàng đeo sách đi học. Tôi đến trường thường sớm hơn giờ vào học chừng nửa tiếng. Tôi cùng Tựu tranh thủ nói cách giải các bài tập khó mà mình đã làm được với các bạn yếu toán. Tôi đến từng bàn trao đổi với từng bạn. Cũng có buổi tôi lên chữa bài tập chung cho cả lớp. Chắc nhiều bạn sẽ ngạc nhiên hỏi:
-Thế bạn viết bảng thế nào được?
Phải, tôi không viết bảng được đâu. Mỗi lần lên chữa bài là tôi phải nhờ Tựu viết hộ. Tựu vẽ hình ra bảng rồi đứng tránh ra một phía. Tôi nói cách giải đến đâu, Tựu nhanh chóng ghi ra bảng đến đấy.
Cùng nhóm học với tôi có Tam hơi yếu toán. Hai đứa ở cùng xóm với nhau. Hai nhà chỉ cách nhau một quãng ngắn nhưng phải đi qua một chiếc cầu nhỏ. Hàng ngày tôi đến học chung môn toán với Tam. Có buổi trời mưa, đường trơn quá. Chiếc cầu nhỏ rung rinh như đưa võng. Tôi không bấu được tay vịn, đến giữa cầu gặp cơn gió mạnh, thế là lộn nhào ngay xuống sông. Trở về nhà, quần áo ướt như chuột lột. Mẹ tôi trách:
-Khổ quá, mẹ đã bảo ở nhà cơ mà. Trời mưa trời gió, nó chân khoẻ tay mạnh chẳng đến học với mình thì thôi. Mình đã vậy, hơi đâu ngày nào cũng đến nhà nó. Mày thật không biết giữ mình gì cả con ạ. Không khéo có bữa chết đấy!
Tôi rất hiểu những lời trách đầy tình thương và lo lắng ấy của mẹ tôi. Song tôi không thể làm theo lời mẹ. Tôi phải có trách nhiệm giúp Tam học tốt môn toán. Trước đây vì chưa có ý thức, một phần cũng vì chưa có khả năng nên tôi đã không biết giúp Bằng để đến nỗi nó phải ở lại lớp Sáu. Đó là điều tôi ân hận mãi. Nay đối với Tam, tôi sẽ cùng Tam cố gắng để điều đáng tiếc đó không xảy ra nữa.
Tôi vẫn tiếp tục đến học chung với Tam rất đều, không kể mưa nắng đêm hôm. Một ngày kia Tam thành thật nói:
-Ký ơi! Thôi từ mai chúng ta sẽ học chung ngay tại nhà cậu nhé.
Quả thật từ đó, Tam đến nhà tôi học rất đều. Tam chăm hơn và tự giác học hơn. Tam không bao giờ bị điểm 2 nữa.
Cái tên "Tam đại gàn" cũng dần dần được các bạn quên đi.
Càng ngày chúng tôi càng thân nhau.
Ngày thi tốt nghiệp sắp đến, Phụ cũng sang học với chúng tôi.
Dưới gốc cây mít xanh um đu những quả mít thoang thoảng mùi thơm, ba chúng tôi trải chiếu ngồi học.
Một bài toán khó, ba đứa cùng chụm đầu trên một tờ giấy nháp. "À ra rồi, ra rồi!". Thế là cả ba cùng reo lên sung sướng.
Có buổi nóng quá. Học xong, chúng tôi mắc võng ngang qua cây mít và cây vối đung đưa ngay trên mặt ao ngồi truy bài. Hơi nước phả lên từng làn mát rượi. Khoái biết bao!
-Được rồi đấy. Chúng ta xuống chơi bài thôi các cậu ạ!-Tôi giục.
-Đúng rồi, đúng rồi. Phải vừa học vừa chơi mới khoái chứ!-Tam nói xong nhảy phốc xuống đất. Cỗ bài được chia ra. Đó không phải là vô tú-lơ-khơ như Tam tưởng. Đó chỉ là những công thức toán mà tôi đã chép sẵn. Cách chơi thật đơn giản. Tôi tấn cho bạn con bài có ghi vế thứ nhất của đẳng thức, bạn muốn thắng phải đỡ vế thứ hai tương ứng của đẳng thức ấy; hoặc ngược lại. Hễ đứa nào đỡ sai là cả bọn phá lên cười đến đau bụng. Thật là một trò chơi vừa hấp dẫn vừa bổ ích.
Đêm đến, những buổi học khuya quá, Tam, Phụ thường ở lại ngủ chung với tôi. Vây quanh ngọn đèn đĩa không lấy gì làm sáng lắm, có hôm ba chúng tôi đã thức đến quá nửa đêm để học thi. Mẹ tôi thức giấc thấy thế liền đến giục:
-Chết thật, học làm gì mà khuya thế hở các cháu. Gà gáy rồi đấy. Thôi đi ngủ đi. Sáng mai đã phải đi thi rồi. Ngủ đi để lấy sức mà làm bài chứ!
Ngoài cửa sổ, chòm sao Bắc Đẩu sáng chói đang nhấp nháy cũng thầm nhắc chúng tôi như vậy.
Sau ngày thi tốt nghiệp chừng nửa tháng, thầy Châu lại đến thăm nhà tôi. Tôi không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu nữa. Chỉ biết đã nhiều lần lắm rồi. Lần thì thầy xuống thăm sức khỏe thầy mẹ tôi, lần thì thầy xuống đưa tôi vài thếp giấy hay lọ mực. Cũng có lần thầy ở chơi cả ngày, ân cần bảo ban tôi từng li từng tí về những điều cần thiết cho tu dưỡng và học tập. Đầu năm nay thầy mới chuyển về trường vừa dạy toán vừa làm chủ nhiệm lớp 7B, thế mà thầy đã coi tôi như đứa em ruột. Nhớ lần thầy dẫn tôi đi thi học sinh giỏi trên tỉnh, thầy đã giúp tôi bao nhiêu chuyện rầy rà trong sinh hoạt. Cảm động quá, những lúc ấy tôi đã ứa nước mắt.
Thầy rất vui tính và hay nói. Thầy còn trẻ lắm, mới ngoài hai mươi thôi. Mẹ tôi bổ dưa hấu và rang lạc mời thầy. Vừa cầm miếng dưa đỏ tươi đưa tăm gảy tanh tách các hạt đen lánh xuống mâm, thầy đã vội vã hỏi thăm sức khoẻ của thầy mẹ tôi và việc thu hoạch vụ chiêm vừa qua. Thầy chuyển sang kể về tình hình học tập của tôi cho thầy mẹ tôi biết.
-Còn kết quả thi tốt nghiệp vừa qua, Ký khá lắm hai bác ạ! Trong bốn môn, em nó đạt ba điểm 5, chỉ có một điểm 4.
Rồi không đợi thầy mẹ tôi kịp nói gì, thầy đã tiếp:
Hai bác còn nhớ ngày cháu dẫn Ký đi thi học sinh giỏi trên tỉnh không?
-Thưa thầy giáo, còn nhớ ạ!-Bố tôi đáp.
-Kết quả của đợt thi ấy Ký cũng đạt tốt. Cháu vừa nhận được tin Ký được xếp thứ năm trong số các học sinh giỏi toán lớp Bảy của toàn miền Bắc đấy.
Tôi giật thót mình, sung sướng lịm người. Nhưng chưa hết đâu. Giữa lúc ấy thầy lại nói tiếp với thầy mẹ tôi một tin vui khác:
-Và lần nữa Bác Hồ lại gửi tặng huy hiệu cho Ký, hai bác ạ!
Thật không sao nói hết nỗi ngạc nhiên vui sướng của tôi lúc này. Thầy mẹ tôi cũng xúc động lắm. Tôi nhìn thấy rõ những giọt nước mắt trào ra nơi khoé mắt thầy mẹ tôi.
-Vâng, em nó được như vậy là nhờ công ơn của Đảng, của Bác và các thầy giáo, cô giáo-Với giọng run run, mẹ tôi cười đáp lại lời thầy Châu.
Tôi đưa thầy đến thăm nhà Tam, Phụ và cả Liễu nữa. Nhà Liễu tuy ở xã Hải Quang nhưng cũng chỉ cách xóm tôi chừng một cây số. Vừa đi thầy Châu vừa khoác tay lên vai tôi khẽ hỏi:
-Em đã xác định hướng phấn đấu trong thời gian tới chưa hả Ký?
Tôi lúng túng một lát rồi đáp:
-Em xác định rồi... Em định xin đi học vẽ.
Từ lâu tôi đã thích vẽ. Hồi học cấp một, điểm tập vẽ của tôi bao giờ cũng khá. Đến cấp hai tôi đã vẽ và tô màu được những tấm bản đồ khá đẹp. Quyển vở ghi sinh vật của tôi bài nào cũng có minh hoạ. Tôi nhìn vào các hình trong sách giáo khoa rồi vẽ phóng vào vở. Đó là hình một con ếch đang ngồi, con cá đang bơi, hay một bộ xương của một loài thú vật với rất nhiều những đường nét phức tạp. Tôi còn phóng một chiếc ảnh Pa-ven khá to bằng chì đen dán ngay ở trước tủ đựng sách- thư viện nhỏ của tôi đấy. Có chiều tôi mải mê ngồi hàng giờ trên bãi cỏ để vẽ cảnh quê hương. Cứ sau mỗi lần vẽ ấy tôi lại thấy yêu thêm làng quê tươi đẹp, lại thấy thân thiết gắn bó với từng rặng tre, từng chiếc cầu nhỏ. Và càng vẽ tôi càng ham mê. Chính thế nên tôi đã có ý định xin đi học vẽ để một ngày kia lại được trở về vẽ cảnh quê hương, khi ấy hẳn những bức tranh của tôi sẽ giống và đẹp hơn bây giờ nhiều. Lặng lẽ suy nghĩ một lát, thầy Châu lắc đầu cười bảo tôi:
-Không nên Ký ạ! Thầy khuyên em nên tiếp tục học cấp ba. Tốt nghiệp xong lớp Mười, khi ấy em xin đi đâu chắc cũng dễ dàng thôi.Bây giờ em cứ tiếp tục học cho tốt đã. Thầy suy nghĩ thấy chỉ có như vậy, em mới có điều kiện phục vụ tốt.
Về nhà suy nghĩ lại, tôi quyết định nghe lời thầy Châu.Mấy ngày sau tôi nộp đơn xin thi vào lớp Tám cùng với Tam, Phụ, Liễu.
Hôm ấy, trước lúc chia tay, thầy Châu đã lấy chiếc huy hiệu Đoàn của mình trao cho tôi và nói:
-Trước lúc xa em, thầy không biết tặng em vật gì làm kỷ niệm một năm thầy trò mình đã sống với nhau.Thầy tặng em chiếc huy hiệu Đoàn mà năm năm nay thầy đã đeo. Trong học tập, công tác, khi nào gặp khó khăn, em hãy nhìn vào đấy để phấn đấu vươn lên. Đường em đi chắc còn gặp nhiều khó khăn đấy. Nhưng với quyết tâm của em, thầy tin tưởng và mong một ngày không xa nữa, em sẽ chính thức được đeo huy hiệu này. Khi đó em sẽ nhớ đến thầy, đến buổi hôm nay.

TÔI ĐI HỌCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ