Chương 17 (tiếp)
Tuy nhiên, do các bệnh viện Việt Nam quá tải nên những đứa trẻ thường được sự cứu chữa sau cùng. Trẻ em chết rất nhiều vì bị phỏng bom na-pan cùng những viêm nhiễm, những thương tích trầm trọng khác. Nhiều đứa trẻ phải bị mất tay chân, hư mắt… mà trong nhiều trường hợp là có thể cứu chữa được nếu như có thể đưa đến Hoa Kỳ chăm sóc, chữa trị. Vào thời điểm tôi tiếp xúc với Ủy ban thì nhiệm vụ chính của họ là đưa các em cần được chữa trị đến Mỹ, nhưng họ gặp quá nhiều trở ngại vì cách làm việc quan liêu của viên chức chính quyền, vì sự thay đổi nhân sự và vì sự khẩn thiết phải tái lập nhu cầu y tế thực sự cho trẻ em Việt Nam.
Ủy ban Trách nhiệm quan tâm đến việc chuyển ngay bằng máy bay ra khỏi Việt Nam những trẻ em bị thương nặng cần chữa trị kịp thời, đưa các em đến một bệnh viện hiện đại ở Mỹ. Khi trở lại Việt Nam ngày 18.1.1969, tôi đại diện cho Ủy ban, chịu trách nhiệm đánh giá mức độ thương tích của trẻ em Việt Nam bị thương trong chiến tranh.
Lần thứ hai đến Sài Gòn trong vai trò bác sĩ, tôi nhanh chóng gia nhập một nhóm gồm những nhà báo và nhân viên của các tổ chức nhân đạo, những người nhiệt tình phụ giúp tôi trong nhiệm vụ mới. Richard Hughes sắp xếp cho tôi sống chung trong một gia đình người Việt cùng với Don Luce, một nhà báo và là nhân viên về nhân quyền, nhân đạo, đã sống ở Việt Nam từ năm 1958 với tổ chức Dịch vụ tình nguyện quốc tế (International Volunteer Services). Ở Sài Gòn, tôi gặp gỡ rồi kết bạn với John Steinbeck IV - con trai của tiểu thuyết gia John Steinbeck, và Sean Flynn - con trai diễn viên Errol Flynn.
Tôi cũng làm bạn với Stephen Erhart cùng người vợ trẻ đẹp của anh là Crystal. Tất cả đều là nhà báo và phóng viên thường trú nước ngoài. Tôi tin rằng những nhà báo này đích thực là những người yêu nước trong thời đại ấy. Họ điều tra, phát hiện những sự thật bị che giấu, bị lãng tránh ở Việt Nam. Sinh mạng họ bị đe dọa vì những việc làm đó. Trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã không kết bạn thực sự được với ai ngoài Nguyễn, cậu thông dịch viên tiếng Việt của tôi, nên lần này, tôi hết sức dễ chịu với việc gặp gỡ và kết thân nhanh chóng với những nhà báo trẻ ở Sài Gòn.
Erhart, một phóng viên chiến trường sắc sảo, đã khuyên tôi để anh đi cùng trong những chuyến đi xác minh tin tức về các trẻ em bị thương tại các bệnh viện, từ Đồng bằng sông Cửu Long, Cao nguyên Trung bộ đến các tỉnh chạy dài lên phía Bắc tới bệnh viện cũ của tôi ở Quảng Trị. Trong nhiều tuần lễ sau đó, tôi và Erhart đã đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác bằng trực thăng, thỉnh thoảng cũng bị đạn bắn từ dưới đất lên. Tôi nhớ mãi những chuyến đi vội vã từ trực thăng này qua trực thăng khác để thu thập thông tin về những điều kiện y tế tại các bệnh viện ở Nam Việt Nam.
Erhart là một trong những người ăn nói lưu loát và sâu sắc nhất tôi từng gặp. Là phóng viên của Dispatch News Service, anh là chuyên gia về nội tình của Việt Nam. Erhart từng tâm sự với tôi rằng, là một nhà báo chuyên nghiệp, anh luôn giấu đi cảm xúc khi phỏng vấn các tướng lĩnh Hoa Kỳ và các sĩ quan khác về cuộc chiến. Những gì nghe thấy, ghi nhận được, anh đều thận trọng ghi lại mỗi tối bằng chiếc máy đánh chữ xách tay, chuyển tải vào bài viết của mình.