Untitled Part 3

10 1 0
                                    

81. Mụt Măng

Dầu bạn có thích vật gì đến đâu đi nữa, cũng phải luôn luôn nhớ rằng: Nó không vững bền lâu dài. Chẳng hạn như mụt măng, thấy có vẻ ngon lành đó, nhưng hãy tự nhủ "Chưa chắc." Muốn thử xem có chắc không, bạn phải cố gắng ăn mỗi ngày. Đến một ngày nào đó, bạn sẽ than phiền rằng măng chẳng còn ngon nữa. Rồi bạn sẽ thích ăn món khác, và tin chắc rằng món ăn mới này ngon hơn. Nhưng về sau cũng sẽ thấy chưa chắc nữa. Mọi vật đều không chắc.

*

82. Gậy Lớn, Gậy Nhỏ

Vì có tri kiến sai lầm, nên người ta không thể giải quyết được những vấn đề của chính mình. Họ chẳng khác nào một người vất cây gậy nhỏ, để lấy cây gậy lớn hơn, nghĩ rằng gậy càng lớn thì càng nhẹ.

*

83. Người Mù

Muốn nếm hương vị của giáo pháp, bạn phải tự mình thực hành. Đức Phật không nói nhiều chi tiết về kết quả của sự thực hành, bởi vì khó có thể dùng lời để diễn đạt. Chẳng khác nào giải thích cho người mù từ trong bụng mẹ biết thế nào là màu xanh, thế nào là màu đỏ. Bạn có thể thử, nhưng chẳng có kết quả gì.

*

84. Thân Thể Và Vẻ Đẹp Của Nó

Chúng ta bị mê hoặc bởi thân thể và vẻ đẹp của nó, nhưng thực sự nó bẩn thỉu. Giả sử không tắm trong một tuần, chúng ta có dám đến gần nhau không, hôi lắm! Khi ra mồ hôi, như khi làm việc nặng chẳng hạn, mùi thật khó ngửi. Lúc tắm rửa, mùi thơm của xà phòng thay chỗ cho mùi hôi của cơ thể. Xà phòng có thể tạm thời làm cho thân thể ta thơm tho, nhưng thật ra mùi hôi của cơ thể vẫn còn đó. Khi mùi thơm của xà phòng bay hết rồi thì mùi hôi của cơ thể sẽ trở lại. Ta thường nghĩ rằng cơ thể này đẹp đẽ, đáng yêu và khoẻ mạnh. Ta thường nghĩ rằng ta chẳng sẽ bao giờ già, đau và chết. Kỳ thực, ta bị cơ thể mê hoặc mà quên mất tâm. Tâm mới chính là chỗ nương tựa thực sự.

*

85. Cơm

Những lời dạy của Đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề của chính mình, nhưng trước tiên chúng ta phải thực hành để phát triển trí tuệ. Cũng như muốn có cơm ta phải bỏ công ra nấu, phải có củi, có nước và phải chờ đến khi cơm sôi, cơm chín. Không thể chỉ bỏ gạo vào nồi là có cơm ngay được.

*

86. Lò Gạch

Khi có cảm giác khởi dậy trong tâm thì hãy nhận diện nó, chứ đừng hất hủi nó. Đó là cách nhìn đúng đắn. Bạn có bao giờ thấy người ta nung gạch chưa? Người ta đốt một đống lửa trước lò gạch và để tất cả khói lọt vào bên trong. Tất cả sức nóng đều dồn vào trong lò. Chỉ cần làm như thế, và khi nhận đủ sức nóng, gạch sẽ chín.

Thực hành giáo pháp cũng giống như nung gạch trong lò. Tất cả cảm giác đều dồn vào trong để chúng chuyển thành chánh kiến. Tất cả sắc, thinh, hương, vị, xúc v.v... đều đưa vào trong, cảm giác sẽ trở thành kinh nghiệm quí báu giúp trí tuệ phát sinh.

*

87. ChiếC Cầu

Hãy giữ tâm như chiếc cầu kiên cố, chứ đừng như nuớc thủy triều lên xuống dưới cầu.

*

88. Tượng Phật

Giác ngộ không có nghĩa là bất động như một pho tượng Phật. Người giác ngộ vẫn suy nghĩ, nhưng họ biết rằng, tiến trình của sự suy nghĩ là vô thường, bất toại nguyện và trống rỗng hay không có tự ngã. Cứ thực hành đi, rồi chúng ta sẽ thấy những đều này một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải tìm hiểu khổ đau, để chấm dứt nguyên nhân của đau khổ. Nếu không thấy được điều đó thì trí tuệ sẽ chẳng bao giờ nảy sinh. Không nên đoán mò mà phải thấy sự vật một cách rõ ràng và chính xác đúng theo thực tướng của nó - cảm giác chỉ là cảm giác, tư tưởng chỉ là tư tưởng. Đó là cách thức chấm dứt mọi vấn đề rắc rối trên cõi đời này.

*

89. Xây Nhà Và Nhuộm Áo Quần

Chỉ muốn làm phước mà không trao dồi phẩm hạnh thì chẳng khác nào xây dựng lâu đài trên cát; chẳng bao lâu sau lâu đài sẽ sụp đổ mà thôi. Cũng giống như muốn nhuộm vải, nhưng không chịu giặt sạch tấm vải trước khi nhuộm. Nhiều người đã làm như vậy, họ chẳng cần chú ý gì đến tấm vải. Khi muốn nhuộm, họ chỉ nhúng tấm vải vào thuốc nhuộm mà chẳng cần để ý đến tấm vải sạch hay dơ. Nếu tấm vải dơ thì nhuộm như thế vải còn tệ hại hơn. Hãy nghĩ đến điều này, nhuộm một tấm vải vừa cũ vừa dơ thì lúc nhuộm xong tấm vải có đẹp chăng? Nhưng người ta thường làm như thế. Người ta chỉ thích làm điều thiện mà không chịu bỏ làm điều ác. Họ quên một điều quan trọng là chỉ khi nào tâm không dơ bẩn, lúc ấy tâm mới bình an tĩnh lặng mà thôi. Bạn hãy tự nhìn vào bên trong chính mình, hãy xét xem thân khẩu ý của mình đã có gì sai lầm. Ngoài thân khẩu ý ra, bạn chẳng có gì để sửa chữa nữa.

90. Những Chiếc Xe

Các tôn giáo trên thế gian, gống như những chiếc xe hơi có đủ loại đủ cỡ, nhưng tất cả đều chạy về một hướng. Người không nhìn thầy điều này thì tâm chẳng có một chút ánh sáng.

*

91. Mèo

Khi phiền não dấy lên, bạn phải có biện pháp để đối trị chúng. Phiền não chẳng khác nào một con mèo. Khi bạn cho đồ ăn nó thích, thì nó sẽ quấn quýt bên bạn mãi để được ăn thêm. Nếu một ngày nào đó nó cào bạn, và bạn quyết định không cho nó ăn nữa thì mèo sẽ không còn lẫn quẩn bên bạn. Thật ra, lúc đầu mèo còn đến với bạn và kêu meo meo nũng nịu, nhưng nếu bạn cương quyết không cho nó ăn, không thèm đếm xỉa gì đến nó, thì nó sẽ xa lánh bạn luôn. Phiền não trong tâm bạn cũng như vậy, nếu bạn không nuôi dưỡng, không cung cấp thức ăn cho phiền não thì phiền não sẽ không đến quấy rầy bạn, và tâm bạn sẽ bình an tĩnh lặng.

*

92. Gà Trong Chuồng

Khi sự bình an tĩnh lặng trong tâm phát triển thì tâm sẽ ổn định như gà được nhốt vào chuồng, không thể chạy nhảy bươi móc bên ngoài. Khi đã bị nhốt vào chuồng, tuy gà không thể lang thang bên ngoài, nhưng gà có thể đi lại trong chuồng. Dầu có thể đi quanh quẩn trong chuồng, nhưng gà không thể gây ra một tai hại quan trọng nào vì gà đã được giữ trong chuồng. Nhiều người không muốn có một cảm giác hay ý nghĩ nào phát sinh trong khi họ đang hành thiền, nhưng cảm giác và tư tưởng vẫn phát sinh. Khi tâm bình an tĩnh lặng, thì sự chánh niệm tỉnh thức sẽ giữ cho tâm không rung động. Có nghĩa là khi có cảm giác hay tư tưởng nào dấy động lên trong tâm, thì chúng chỉ quanh quẩn trong "chuồng" của sự tĩnh lặng và không thể quấy rầy hay gây ra tai hại nào cho người hành thiền.

*

93. Trẻ Con

Nếu bạn không kiểm soát và chế ngự tâm, mà chỉ chiều thuận theo những tư tưởng tình cảm của nó, thì bạn đã thực hành sai lầm rồi, chẳng khác nào nuông chiều theo ý thích của trẻ con. Con nít ưa thích thứ gì, cha mẹ chúng cho chúng ngay thứ đó. Phải chăng đó là phương pháp dạy trẻ tốt đẹp? Lúc trẻ con còn bé, ta có thể nuông chiều nó một thời gian, nhưng khi nó bắt đầu biết nói thì phải thỉnh thoảng trách phạt nó, nếu không nó sẽ trở nên hư hỏng sau này. Tâm cũng phải được huấn luyện như vậy. Đừng chiều theo những đòi hỏi của tâm.

*

94. Cây Ốm Yếu Cong Queo

Cốt tủy của việc thực hành là chăm chú quán sát theo dõi tâm, nhận biết ý định của tâm. Muốn nhận biết ý định của tâm, bạn phải có trí tuệ. Đừng có tâm phân biệt, đừng bất bình phiền não khi thấy người khác không làm đúng theo ý thích của mình, đừng khó chịu khi chứng kiến những việc, những điều mà mình không ưa thích. Bạn có cảm thấy buồn khổ khi thấy một thân cây trong rừng ốm yếu cong queo không được to lớn thẳng thắn như những cây khác không? Thật là khờ dại khi buồn khổ như thế. Đừng phán xét những người khác, bởi vì có rất nhiều hạng người trên thế gian này. Tại sao tự mang vào mình gánh nặng muốn thay đổi, muốn sửa đổi tất cả những người khác? Nếu bạn muốn thay đổi, muốn sửa đổi một cái gì đó thì hãy thay đổi, sửa đổi sự vô minh của mình thành trí tuệ.

*

95. Cái Khay Bẩn

Nhiều người cho rằng bản tánh của tâm là thanh tịnh trong sáng, và bởi vì mọi người đều có Phật tánh nên không cần phải hành thiền làm gì. Điều đó chẳng khác nào lấy một cái gì sạch sẽ, như cái khay này chẳng hạn, nhỏ vài giọt nước dơ lên trên đó. Có thể nào bạn cho rằng cái khay này vốn sạch sẽ nên chẳng cần phải chùi rửa làm gì không?

*

96. Lầu Trên, Lầu Dưới

Người ta tạo ra danh từ, tên gọi để dễ dàng trong việc giao tiếp, đàm luận, học hành vv... nhưng sự vật mang bản chất tự nhiên của nó, nó sao thì nó vậy thôi. Dù ta có đặt cho nó danh từ gì đi nữa thì nó vẫn chỉ là vậy. Chẳng hạn bây giờ chúng ta đang ngồi ở lầu dưới, trên sàn đá này. Sàn đá chỉ là nền tảng, nó không thể di động hay chuyển lui chuyển tới nơi nào. Lầu trên thì cũng từ nền nhà dưới này mà được xây dựng lên thôi. Lầu trên cũng giống như mọi thứ mà chúng ta thấy trong tâm: hình sắc, cảm giác, tri giác, phản ứng. Chúng không thực sự có mặt theo cách mà ta muốn áp đặt cho chúng. Chúng chỉ là sự chế định, vừa sinh ra thì tức khắc bị diệt ngay. Chúng chỉ là giả danh mà chẳng hề có tự tính.

*

97. Những Giọt Nước

Hãy giữ gìn giới luật. Lúc đầu bạn có thể phạm giới. Nhưng khi bạn nhận biết được sai lầm này thì hãy lập tức chấm dứt và thiết lập giới luật trở lại. Có thể bạn lại phạm giới lần nữa nhưng khi nhận biết được mình phạm giới thì hãy tái lập giới luật trở lại lần nữa. Việc hành thiền cũng vậy, tâm chánh niệm phải được tái lập nhiều lần cho đến khi được ổn định. Giống như những giọt nước rơi từ chiếc bình. Nếu chỉ nghiêng bình một chút nước sẽ rơi chậm: bóp... bóp... bóp... Nhưng nếu nghiêng bình nhiều hơn thì những giọt nước cũng sẽ rơi nhanh hơn: bóp bóp bóp. Nghiêng bình nhiều hơn nữa nước không còn rơi thành giọt mà biến thành một dòng liên tục. Những giọt nước đã biến đi đâu mất rồi? Chúng chẳng đi đâu cả, mà chuyển thành một dòng nước đều đặn. Khi chánh niệm của bạn được tăng cường thì cũng giống như vậy.

*

98. Con Vịt

Dầu bạn có muốn cơ thể này tồn tại lâu dài, thì nó cũng không thể chiều theo ý bạn được. Muốn như thế chẳng khác nào muốn vịt trở thành gà. Khi biết rằng không thể nào mong gà thành vịt, vịt thành gà; vịt phải là vịt, gà phải là gà, và khi biết rõ rằng cơ thể này phải là cơ thể, và nó phải già đau chết, thì bạn mới có đủ năng lực và sức mạnh để đối diện với những đổi thay của cơ thể mình.

*

99. Con Giun Đất

Một vài người đến hỏi tôi, phải chăng khi thấy được vô thường, khổ và vô ngã, người ta sẽ vất bỏ tất cả, trở thành lười biếng và không muốn làm gì nữa? Tôi trả lời với họ rằng, không phải như vậy, mà trái lại, họ càng siêng năng làm việc hơn, nhưng họ làm với tâm không dính mắc, và chỉ làm những việc hữu ích. Những người ấy lại tiếp tục hỏi, nếu mọi người đều hành thiền, đều thực hành giáo pháp, thì chẳng có việc gì trên thế gian này có thể hoàn thành được và sẽ không có tiến bộ nữa. Nhưng phải chăng, lo sợ như thế thì chẳng khác nào con giun lo sợ sẽ hết đất để ăn.

*

100. Mùi Phân

Bạn không thể đi đến một nơi nào trên thế gian này để tránh đau khổ. Khi tâm còn ở trong thế gian thì không thể nào thoát khỏi khổ đau. Tâm còn dính mắc với thế gian mà muốn tránh khỏi đau khổ chẳng khác nào muốn tránh mùi hôi của bãi phân lớn lại đến gần một bãi phân nhỏ. Ở nơi nào thì bãi phân lớn và bãi phân nhỏ cũng đều có mùi hôi như nhau.

*

101. Vật Đắt Giá

Giả sử bạn làm chủ một vật thật đắt giá. Ngay lúc có vật trong tay, tâm bạn thay đổi, và bạn sẽ tự nhủ: "Bây giờ ta phải cất ở đâu đây? Nếu để ở đây sẽ có người lấy mất." Thế rồi bạn băn khoăn suy nghĩ tìm nơi cất dấu. Đó là đau khổ. Đau khổ khởi sinh vào lúc nào? Đau khổ khởi sinh khi chúng ta biết mình đang làm chủ một vật gì đó. Đó là chỗ ở của đau khổ. Trước khi có được vật này, ta không đau khổ. Không đau khổ bởi vì không có vật để tâm ta dính mắc vào. Tự ngã cũng vậy, nếu chúng ta nghĩ đến danh từ: "Tôi, Ta" thì mọi vật quanh ta đều trở thành của ta, và sự rắc rối theo liền sau đó. Nếu không có tôi, ta thì chẳng có gì rắc rối cả.

*

102. Đau Nhức Bên Trong

Người ta phân vân không biết tại sao khi bắt đầu loại bỏ tham muốn, thì nhiều vấn đề rắc rối phát sinh. Chuyện đó chẳng có gì lạ cả. Vì trước đây khi nuôi dưỡng phiền não, bạn đã đối xử nhẹ nhàng với chúng, vuốt ve nuông chiều chúng. Như người bị vết thương bên trong mà chỉ đắp thuốc bên ngoài nên không có cảm giác gì. Bây giờ mổ ra để trị tận gốc thì chắc chắn không tránh khỏi đau đớn.

*

103. Rơi Từ Cây Xuống

Nếu dựa vào kinh điển thì ta có thể phân tích thập nhị nhân duyên ra thành: Vô minh sinh ra hành nghiệp, hành nghiệp sinh ra thức, thức sinh ra danh sắc, danh sắc sinh ra lục nhập, lục nhập sinh ra xúc, xúc sinh ra thọ, thọ sinh ra ái, ái sinh ra thủ, thủ sinh ra hữu, hữu sinh ra sinh, sinh sinh ra già, đau, chết và tất cả những khổ đau khác. Nhưng trên thực tế, khi tiếp xúc với vật gì ta không ưa thích thì đau khổ phát sinh ngay tức khắc. Tâm xuyên qua chuỗi thập nhị nhân duyên một cách thật nhanh chóng khiến ta không thể nào theo kịp. Như trường hợp rơi từ trên cây xuống. Trước khi biết được chuyện gì xảy ra thì... "Bụp", ta đã nằm ngay dưới đất. Thật ra, trước khi chạm đất ta đã xuyên qua nhiều cành lá, nhưng vì sự rơi quá nhanh khiến ta không thể nào đếm kịp hay nhớ hết trong lúc đang rơi. Cũng giống trường hợp thập nhị nhân duyên. Nỗi đau khổ tức khắc mà chúng ta kinh nghiệm là kết quả của một chuổi dài xuyên qua thập nhị nhân duyên. Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyên nhủ hàng môn đệ phải quán chiếu và hiểu rõ tâm mình để có thể biết mình trước khi đụng mặt đất.

Giữa việc nghiên cứu giáo pháp và thực hành giáo pháp có nhiều sự khác biệt. Chân giáo pháp phải học hỏi là tìm một con đường để thoát khỏi sự bất ưng ý, thoát khỏi sự đau khổ của đời sống và đạt được hạnh phúc bình an cho chính mình cùng tất cả chúng sanh. Khi tâm an tịnh, tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này, bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ đặc tính luôn luôn di động của tâm thì bạn sẽ săn đuổi theo tư tưởng hình thành mãi và trở thành nạn nhân của nó. Thế nên, Đức Phật dạy chúng ta hãy quán sát hoạt động của tâm, theo dõi tâm di chuyển. Khi theo dõi tâm, ta sẽ thấy được những đặc tính căn bản của tâm. Đó là: vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Bạn nên tỉnh thức và quán sát những hiện tượng tâm lý này. Bằng cách quán sát, theo dõi bạn có thể học được tiến trình của nhân duyên. Đức Phật dạy rằng vô minh là nhân phát sinh ra hành nghiệp và mọi hiện tượng. Hành nghiệp hay sự chủ ý này phát sinh ra thức và thức lại là nhân của thân và tâm. Đó là tiến trình của nhân duyên.

Khi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, ta thấy rằng lối dạy theo truyền thống kinh điển đem lại nhiều lợi ích. Nhưng khi thấy được tiến trình diễn ra bên trong, ta mới thấy rõ tầm quan trọng của sự thực hành. Những kẻ chỉ học pháp học mà không thực hành thì không thể nào theo kịp sự mau lẹ của tiến trình này. Dĩ nhiên tiến trình của tâm được kinh điển hệ thống hóa và mô tả rõ ràng, nhưng kinh nghiệm là kiến thức thực nghiệm vượt ra ngoài sách vở học hỏi. Sách vở không thể mô tả cho chúng ta biết những gì chỉ được biết đến bằng kinh nghiệm. Làm sao sách vở có thể diễn tả cho ta biết: đây là những cảm giác phát sinh, đây là tác ý, đây là một loại tâm đặc biệt, đây là sự khác biệt của thân và tâm v.v... Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống đất, bạn không thể biết được bạn đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc, đã xuyên qua bao nhiêu cành lá trước khi chạm mặt đất. Bạn chỉ biết bạn rơi xuống đất và thấy đau mà thôi. Không sách vở nào mô tả được cảm giác lúc ta đang rơi và cảm giác đau khi ta chạm đất. Sách vở nghiên cứu giáo pháp được hệ thống hóa và làm cho rõ ràng. Nhưng thực tế không chỉ đi theo một lối đơn giản.

Bởi thế, chúng ta phải dùng trí tuệ sâu xa của mình để nghiệm xem cái gì đã khởi sinh trong tâm người giác ngộ. Người giác ngộ hiểu biết qua kinh nghiệm của họ rằng, tâm không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Khi nói cho chúng ta biết tên của các loại tâm và tâm sở, Đức Phật không muốn cho chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. Ngài dạy chúng ta hãy buông bỏ tất cả. Khi các pháp phát sinh hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi nhận giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách. Khi tâm bị khuấy động thì nhiều loại tâm, tâm sở, phản ứng v.v... hình thành và nẩy nở liên tục. Cho dù tâm tốt hay tâm xấu, ta cũng chỉ theo dõi và để chúng như thế. Đức Phật chỉ dạy đơn giản: "Vất bỏ hết". Nhưng ta không thể vất bỏ chúng ngay được đâu! Hãy tinh cần quán sát theo dõi hiểu rõ tâm mình, để biết làm thế nào để vất bỏ chúng.

*

104. Nông Phu Và Người Mẹ

Trong việc tu hành, hễ bạn thấy nơi nào còn khuyết điểm thì hãy gia tâm chú ý vào nơi ấy. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hãy chú tâm vào đấy, giống như người nông phu chưa cày xong thửa ruộng của mình. Mỗi năm người nông phu đều phải chuẩn bị đất để sẵn sàng gieo hạt. Nhưng năm nay chưa cày xong thửa ruộng nên lúc nào tâm người nông phu cũng hướng về thửa ruộng. Tâm người nông phu không thể nào an vui, bởi vì anh ta biết công việc của mình chưa làm xong. Mặc dầu đang vui với bạn bè nhưng anh không cảm thấy thoải mái chút nào, vì tâm trí anh lúc nào cũng ưu tư đến thửa ruộng còn dang dở. Hoặc như người mẹ đặt đứa con nhỏ trên lầu để đi xuống dưới lầu cho súc vật ăn. Tâm người mẹ lúc ấy luôn luôn hướng về người con, lo lắng không biết có gì xảy ra với đứa trẻ. Mặc dầu đang làm công việc khác, nhưng tâm người mẹ không rời đứa con. Việc hành thiền của chúng ta cũng như vậy. Chúng ta không được quên. Dầu đang làm công việc khác, nhưng tâm không thể nào xa việc thực hành. Tâm phải ở trong thực hành ngày và đêm. Muốn cho việc hành thiền thực sự đạt được tiến bộ thì phải làm như thế.

*

105. Quả Bóng Đá

Chỉ nghe giáo pháp suông mà không hành thiền, thì khó có thể giác ngộ. Tuy thế, việc nghe giáo pháp rất hữu ích. Vào thời Đức Phật có nhiều vị chứng nghiệm được giáo pháp và một số đắc quả Alahán trong lúc nghe giáo pháp. Ta có thể so sánh những vị này với những quả bóng đá. Khi quả bóng đá được bơm hơi vào thì nó phồng lên. Không khí bên trong bị dồn nén có khuynh hướng muốn thoát ra ngoài, nhưng không có chỗ nào để thoát. Khi đâm một cây nhọn vào quả bóng, thì tức khắc hơi xì ra. Tâm của các vị môn đồ của Đức Phật khi nghe giáo pháp mà giác ngộ thì cũng như vậy. Khi họ nghe giáo pháp và giáo pháp xuyên thấu tâm họ như cây nhọn đâm vào quả bóng thì trí tuệ phát sinh. Họ tức khắc thông suốt chân giáo pháp.

*

106. Bạn Bè

Đức Phật không muốn chúng ta để cho tâm dẫn đi đâu thì đi. Ngài muốn chúng ta phải luôn luôn làm chủ tâm mình. Nếu tâm muốn đi hướng này, phải dẫn nó đi hướng khác. Nói cách khác, khi tâm muốn điều gì thì đừng chiều theo nó. Giống như trường hợp làm bạn với người nào, nhưng cuối cùng thấy ý kiến của nhau không còn tương đồng nữa, không còn hiểu nhau nữa và nhiều cuộc cãi vã xảy ra, thế rồi đường ai nấy đi. Làm như vậy là đúng. Đừng chiều theo tâm. Người nào chiều theo tâm tức là chiều theo sự ham muốn thích thú của tâm và những cái khác của tâm. Điều này cho thấy người ấy không thực hành giáo pháp.

*

107. Trái Cây Trong Tay

Việc thực hành giáo pháp rất quan trọng. Nếu không thực hành thì sự hiểu biết của chúng ta chỉ có tính cách hời hợt bề ngoài, chỉ có lớp vỏ mà bên trong rỗng không. Chẳng khác nào có trái cây trong tay mà chẳng hề ăn. Mặc dầu làm chủ nó, nhưng chẳng hưởng ích lợi từ nó. Chỉ khi nào thực sự ăn trái cây này ta mới thưởng thức được hương vị của nó.

*

108. Cây Ăn Trái

Cây trưởng thành, đơm bông kết trái rồi chín. Trái thối rữa, hột găm xuống đất, mọc lên cây mới. Cây mới lại lớn lên, nở hoa ra trái, và một chu kỳ mới bắt đầu. Cuối cùng nhiều trái chín rơi rụng, rồi hột găm xuống đắt và nhiều cây mới khác mọc lên. Thế gian cũng như vậy, không có gì mới lạ, chỉ là sự tuần hoàn cố hữu mà thôi. Cuộc sống của chúng ta ngày nay chẳng có gì khác. Việc ta làm hôm nay chẳng qua là những việc ta làm trước đây. Chúng ta suy nghĩ thật nhiều, có rất nhiều việc thu hút chúng ta, nhưng chẳng có việc nào dẫn ta đến chỗ hoàn mãn thật sự.

*

109. Giỏ Rác

Đôi khi việc dạy dỗ rất khó khăn, cần nhiều kiên nhẫn. Thầy dạy đạo là cái thùng rác để mọi người vứt bỏ vào đó mọi nỗi bực dọc và mọi vấn đề rắc rối. Thầy dạy càng nhiều người thì thùng rác của thầy càng đầy. Nhưng đừng lo lắng. Dạy dỗ người khác là phương cách tuyệt diệu để thực hành Phật Pháp. Phật Pháp sẽ hổ trợ cho người nào thành thật áp dụng Phật Pháp vào đời sống của họ. Người nào dạy dỗ kẻ khác, trí hiểu biết sẽ phát triển.

*

110. Đi Sai Đường

Nhiều người cho rằng làm như vầy, tụng thuộc lòng như vầy, học như vầy, như vầy thì sẽ hết khổ. Nhưng như vậy thì chẳng khác nào người ham muốn đủ thứ, cố gắng thu thập tích tụ thật nhiều thứ, nhiều của cải, và nghĩ rằng khi họ thu thập đầy đủ thì sự đau khổ sẽ giảm. Hay như người mang gánh nặng trên vai, nghĩ rằng càng chất thêm đồ đạc vào thì gánh càng nhẹ hơn. Đó là lối suy nghĩ của người thế gian, nhưng lối suy nghĩ này đi ra ngoài chánh đạo. Giống như một người đi về hướng Nam, còn người kia đi về hướng Bắc, nhưng họ nghĩ rằng họ đi cùng hướng.

*

111. Đường Ra Phố

Nhiều người phân vân khi thấy ngày nay có nhiều thầy và nhiều lối hành thiền khác nhau. Nhưng chẳng qua cũng giống như chuyện đi vào thành phố bằng nhiều lối khác nhau. Dầu đi lối nào, nhanh hay chậm rốt cuộc cũng đến thành phố. Thông thường các phương pháp hành thiền chỉ khác nhau bề ngoài. Nhưng có một điều cốt yếu là các phương pháp hành thiền đúng theo lời Phật dạy phải dẫn đến chấm dứt tham ái. Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình. Phương pháp nào dẫn đến sự dứt bỏ, diệt trừ tham ái thì đó là phương pháp thực hành đúng đắn.

*

112.Đối Diện Với Chính Mình

Bạn có thể đi đây đi đó để tham học với các thiền sư và để thử qua những phương pháp hành thiền. Một số các bạn ở đây đã từng làm như thế. Đó là điều ước muốn và là việc tự nhiên. Sau khi bạn đã đặt nhiều câu hỏi với các vị thiền sư và đã biết được phương pháp hành thiền, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những việc bạn làm chẳng đưa bạn đi đến chân lý ngoài sự buồn chán. Rồi bạn sẽ thấy rằng chỉ khi bạn đứng lại để xem xét tâm mình, thì lúc ấy bạn mới thấy đuợc, mới tìm được những gì Đức Phật dạy. Chẳng cần phải đi tìm cái gì bên ngoài, hãy trở về đối diện với bản chất thật sự của chính mình. Chính lúc trở về đối diện với mình bạn sẽ thấy chân lý.

*

113. Tiêu Hóa Tốt

Đừng vội vã diệt trừ phiền não. Trước tiên, bạn phải kiên nhẫn tìm hiểu đau khổ và nguyên nhân của nó, có thế mới loại bỏ được phiền não hoàn toàn. Cũng như muốn đồ ăn được tiêu hóa dễ dàng, bạn phải nhai kỹ vậy.

*

114. Trạm Trung Tâm

Muốn hành thiền bạn phải có hai đặc tính chính yếu: sự thành thật và ngay thẳng. Không cần phải đọc Tam tạng kinh điển bạn mới biết thế nào là tham, sân, si. Tham lam, sân hận, si mê nằm sẵn trong tâm bạn. Chẳng cần phải đọc sách mới biết được chúng. Hãy để cho sự hiểu biết tự phát bên trong bạn là bạn đã thực hành đúng đắn. Nếu bạn muốn thấy xe lửa thì chỉ cần đến nhà ga trung tâm, chẳng cần phải đi hết các tuyến Bắc, Nam, Đông, Tây v.v... mới có thể nhìn thấy xe lửa. Muốn thấy từng chiếc xe lửa một, bạn chỉ cần đợi ở nhà ga trung tâm. Đó là trạm cuối cùng của tất cả các chuyến.

Nhiều người nói với tôi rằng, họ muốn hành thiền. Nhưng họ không biết phải làm sao, họ không hiểu hay chưa nghiên cứu kinh điển, hoặc là họ đã quá già, nhớ trước quên sau, nên không thể hành thiền được. Đừng lo lắng chuyện đó. Hãy nhìn ngay đây, nhìn ngay nơi nhà ga lớn trung tâm này. Tham khởi lên ở đây, sân khởi lên ở đây, và si khởi lên cũng tại đây. Bạn chỉ cần ngồi đây và theo dõi, quán sát mọi chuyện khởi lên. Hãy hành thiền ngay ở đây, bởi vì ngay đây là chỗ bạn dính mắc vào, và ngay đây là chỗ giáo pháp khởi lên.

*

115. Sợi Tóc Trong Tô Canh

Tại sao cơ thể lôi cuốn, hấp dẫn bạn và bạn dính mắc vào đấy? Bởi vì chỉ có con mắt thịt nhìn thấy cơ thể, mà con mắt của tâm thì không nhìn thấy. Bản chất thật sự của cơ thể là không sạch, không đẹp đẽ, vô thường và ở trong tình trạng hủy hoại. Hãy nhìn cơ thể như nhìn một sợi tóc trong tô canh. Sợi tóc có đẹp không? Hãy nhìn thấy rõ ràng rằng cơ thể chẳng có gì ngoài đất, nước, gió, lửa - chẳng có ai ở đấy cả. Trong khi bạn muốn làm cho cơ thể đẹp lên thì nó đang tan rã đấy.

*

116. Sợi Tóc Che Quả Núi

Ý kiến, quan niệm, sự chấp giữ luyến ái, chẳng khác nào một sợi tóc có thể che khuất ngọn núi cao. Bởi vì chúng đã ngăn trở không cho ta thấy được sự vật vốn rất đơn giản, bình thường và rõ ràng. Chúng ta bị quan kiến tự ngã, dục vọng chi phối mạnh mẽ, nên không thể nhìn thấy chân tướng của sự vật. Vì vậy, chỉ một sợi tóc cũng có thể khiến ta không thấy được một ngọn núi cao. Chỉ dính mắc vào một chút dục vọng thôi cũng đủ khiến cho ta không thấy rõ sự thật, điều này thật rõ ràng như ban ngày.

*

117. Giảng Đường

Đối với cơ thể này, ta chỉ là khách, chứ không phải là chủ nhà thật sự. Như cái giảng đường này đây, thật ra chẳng phải là của ta. Ta chỉ là người thuê nhà tạm thời, cũng giống như lũ chuột, thằn lằn và tắc kè đang sống trong giảng đường này, nhưng ta chẳng hề ý thức điều đó. Cơ thể ta cũng vậy. Rõ ràng Đức Phật đã dạy rằng không có một cái tôi nào cư ngụ bên trong cơ thể này, nhưng ta cứ khư khư tin chắc rằng cơ thể này là của ta, của ta thật sự. Đó là quan kiến sai lầm.

*

118. Nắm Bùn

Nếu cầm một nắm bùn trong tay rồi bóp mạnh, thì bùn sẽ theo kẽ ngón tay tràn ra. Người bị đau khổ cũng vậy, khi sự đau khổ bóp chặt họ, thì họ cũng tìm cách thoát ly.

*

119. Gà Mái Hay Gà Trống

Giảng dạy cho những người có trình độ bất đồng thật là khó khăn. Nhiều người có sẵn tư kiến từ trước. Dạy họ sự thật, họ cho rằng đó là không thật: "Tôi đúng, thầy sai." Như thế thì cuối cùng chẳng đi đến đâu cả. Nếu không sớm xả bỏ thì sẽ chuốc lấy khổ đau. Giống như trường hợp có bốn người đàn ông cùng đi vào rừng và nghe tiếng gà. Ba người cho rằng đó là gà mái, một người khác quả quyết đó là gà trống. Anh ta hỏi: "Làm sao con gà mái có thể gáy như vậy được?" Ba người kia trả lời: "Con gà kia chắc chắn là có miệng, phải vậy không? Có miệng thì nó phải gáy." Họ cãi nhau, ý kiến bất đồng và không vui, nhưng rốt cuộc tất cả đều sai. Cho dù bạn có gọi nó là gà mái hay gà trống, đó cũng chỉ là cái tên thôi. Chúng ta bảo gà mái là thế này, gà trống là thế kia. Gà trống gáy thì như vầy, gà mái tục tác thì như thế kia, đó là chúng ta đã dính mắc và bị trói buộc vào thế gian. Thật ra, nếu biết rằng chẳng có gà mái hay gà trống gì cả thì mọi chuyện sẽ chấm dứt.

*

120. Dược Thảo

Lý thuyết về giáo pháp chẳng khác nào một cuốn sách viết về các loại cây thuốc, và việc thực hành giáo pháp chẳng khác nào đi tìm các cây thuốc này. Nghiên cứu sách vở giúp ta biết được các loại cây thuốc, nhưng chúng ta chưa nhìn tận mắt các cây thuốc. Chúng ta chỉ được xem những hình vẽ sơ sài và tên gọi. Nhưng khi đã có được cuốn sách thuốc và đã học hỏi nghiên cứu, ta có thể dễ dàng đi tìm các cây thuốc. Sau khi tìm tòi nhiều lần, chúng ta có thể nhận dạng các cây thuốc một cách dễ dàng. Bằng cách này ta đã sử dụng cuốn sách một cách hữu ích. Sở dĩ chúng ta có thể nhận ra nhiều loại cây thuốc vì chúng ta đã nghiên cứu sách thuốc trước. Sách thuốc là thầy của chúng ta. Cũng vậy, phần lý thuyết về giáo pháp có lợi ích và giá trị như thế. Vì vậy, nếu chỉ hoàn toàn y cứ vào việc hành thiền mà không để thì giờ học hỏi thì chẳng khác nào đi tìm cây thuốc mà không học hỏi nghiên cứu trước. Chẳng biết gì về vật mà ta muốn tìm thì làm sao mà tìm được vật ấy. Nhưng chỉ học hỏi nghiên cứu sách thuốc, mà không đi tìm thuốc, không nhận diện được mặt thuốc, thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Bởi vậy, cả lý thuyết lẫn thực hành đều quan trọng.

Chỉ Là Một Cội Cây ThôiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ