Ngày 10 tháng Chín, một ngày hè nóng nực, oi ả trên đất phương Nam.
Tân sinh viên Trịnh Vi mặt đỏ gay, cùng anh lái xe taxi vừa kéo vừa lôi hai chiếc va li to của mình ra khỏi cốp xe. Cô khẽ ngẩng đầu, lấy mu bàn tay quệt mồ hôi, ánh nắng gay gắt hắt qua kẽ lá khiến Trịnh Vi cảm thấy trước mắt như tối lại. Cô không quen lắm với thời tiết nóng bức như thế này. Trịnh Vi móc trong túi quần bò ra ít tiền lẻ mà mẹ đã chuẩn bị cho cô trước khi về trường và đưa cho anh lái xe, khẽ cười nói: "Cám ơn chú ạ".
Anh lái xe xem chừng chưa đầy 30 tuổi, thấy cô gái gọi mình là chú thì mặt đỏ tía tai, vội vàng trả lại tiền, số lẻ cũng không dám lấy.
Trịnh Vi đứng dưới một tán cây to để tránh nắng, vừa lấy tay phe phẩy cho đỡ nóng, vừa ngó nghiêng vùng đất mà cô sẽ sống và "Chiến đấu" bốn năm. Nơi cô đang đứng là một con đường trải dài trong trường, hai bên đường là hàng cây của vùng Á nhiệt đới mà cô không biết tên gọi là gì, có thể tưởng tượng vào những buổi hoàng hôn, được đi dạo trên con đường này thì thật thú vị biết bao. Nhưng giờ đây, hai bên vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị mọi người và những chiếc bàn to nhỏ đủ loại chen chật ních. Thỉnh thoảng có những chiếc ô tô con, xe taxi chạy đến gần nơi cô đang đứng và không tiến thêm được mét nào nữa. Đương nhiên, xe chở khách của trường đi đón tân sinh viên từ ga về vẫn là nhiều hơn cả, hết tốp này đến tốp khác, tất cả đều là những gương mặt non nớt, khệ nệ xách những va ly lớn nhỏ, ngoài ra còn có cả các bậc phụ huynh đưa con nhập trường, gương mặt họ lộ rõ vẻ bồn chồn, lo lắng hơn cả những tân sinh viên
Trông thấy vẻ mặt của các bậc phụ huynh, Trịnh Vi liền bật cười. Cô thầm nghĩ, nếu mẹ cũng đưa mình đến nhập trường, chắc cũng toát lên vẻ "Hoàng đế chưa vội thái giám đã vội" này đây? Cả bố và mẹ đều muốn đưa cô đi nhập trường, nhưng trước mặt bố mẹ, Trịnh Vi đã vỗ ngực nói: "Không cần đâu ạ, một cô gái 18 tuổi, thông minh như con, lẽ nào chỉ mỗi việc nhập trường cũng không giải quyết được ư? Bố mẹ cứ đi theo con như thế khác gì quá coi thường con, bố mẹ đừng quên là hồi tám tuổi, một mình con đi ô tô ba tiếng đồng hồ để về nhà bà nội. Bố mẹ yên tâm, yên tâm đi! "
Sau khi xuống tàu, mấy người bạn đi cùng đều được xe ô tô của trường ra đón. Trịnh Vi vẫy tay tạm biệt bạn bè, một mình đứng đợi ở ga, nhưng mãi không thấy bóng dáng chiếc xe nào ra đón tân sinh viên tựu trường của Đại học G cả. Cô vốn là người hay sốt ruột, thấy tình hình đó bèn gọi một chiếc taxi, một mình đi về trường G. Chưa kịp bao quát hết môi trường xung quanh, thì đã có bốn, năm nam sinh viên bước đến, với nụ cười nhiệt tình chỉ có ở các anh sinh viên năm trên và tỏ vẻ ta đây rất thông tổ. Một cậu trong đám hỏi: "Em là sinh viên mới hả? Khoa nào vậy? "
Em ạ? Khoa xây dựng". Trịnh Vi thật thà trả lời. Lâm Tĩnh đã dặn dò cô rất nhiều lần, lần đầu tiên đặt chân đến nơi xa lạ, ngoan ngoãn một chút sẽ tốt hơn. Lâm Tĩnh - cái tên nghe như tên của một cô gái ngoan hiền, nhưng thực tế đó không phải là bạn học của Trịnh Vi cũng chẳng phải một cô gái nào cả mà là người có vai trò quan trọng nhất trong 17 năm qua của Trịnh Vi - người mà cô quyết tâm sau này sẽ lấy làm chồng. Cha của Lâm Tĩnh thuộc tốp sinh viên khóa đầu tiên tham gia kì thi đại học được khôi phục sau cuộc cách mạng Văn Hóa, chữ "Tĩnh" mà ông đặt cho con trai, nghe nói bắt nguồn từ hai câu thơ trong Kinh Thi "Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão. Cầm sắt tại ngự, mạc bất tĩnh hảo". (Bữa ăn uống rượu cho say, hẹn nhau chung sống đến ngày tóc sương. Hầu buổi tiệc du dương cầm sắt, thì an vui tương đắt hợp hòa). Lâm Tĩnh hơn Trịnh Vi năm tuổi, hai nhà có chung một cái sân rộng vì cha mẹ của Lâm Tĩnh và Trịnh Vi đều là công nhân viên chức, công việc rất bận, nên có thể nói tuổi thơ của Trịnh Vi gắn liền với Lâm Tĩnh. Trong kí ức của cô, bắt đầu từ khi đi mẫu giáo, người đến đón cô về nhà đều là anh Lâm Tĩnh. Những lời dạy bảo của cha mẹ Trịnh Vi thường hay xao nhãng, vào tai trái, ra tai phải, nhưng những gì Lâm Tĩnh nói đều được lưu giữ trong đầu cô.