TPQT NHIỆM VỤ

1K 0 0
                                    

Nhiệm vụ và vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật

1. Vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật

1.1. Trong khoa học pháp lý Liên Xô (cũ) có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật. Tư pháp quốc tế được coi là nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế hay là trong hệ thống pháp luật quốc gia. Theo quan điểm của nhiều tác giả như: S.B Krulov; M.A Plokin; S.A Golunsky; M.S Strogovich; B.E Graba; A.M Ladưzinsky; I.P Blisenko; L.N Talenskaia... Các quy phạm của Tư pháp quốc tế nằm trong Luật quốc tế với nghĩa rộng của nó. Quan điểm này được các tác giả xây dựng dựa trên cơ sở theo đó giữa Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế có mối quan hệ về bản chất nội dung, có họ hàng gần gũi, có sự thống nhất về nguồn luật và được các tác giả coi sự thống nhất này có ý nghĩa quyết định. Trong giáo trình Luật điều ước quốc tế, xuất bản năm 1930 - S.B Krưlov viết: "Cần phải xem xét nội dung chủ yếu của Tư pháp quốc tế... thực sự đó là việc nghiên cứu các điều ước quốc tế mang nội dung của Tư pháp quốc tế"1. Quan điểm này dựa trên lý luận cho rằng trong các quan hệ của Tư pháp quốc tế mặc dù đó là các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động giữa các thể nhân và pháp nhân nhưng có yếu tố nước ngoài nên nó có sự liên quan chặt chẽ đến quan hệ giữa các quốc gia, theo đó mọi tranh chấp, xung đột trong mọi lĩnh vực pháp luật dân sự giữa các công ty riêng biệt, ngay cả xung đột về ly hôn giữa công dân của các quốc gia khác nhau cũng có thể phát sinh thành xung đột giữa các quốc gia.

1.2. Một trường phái khác do L.A Luns đứng đầu và được các tác giả khác như A.B Gureev; K.Ph Egorov; V.P Zvekov; S.N Lelegev; A.L Makovsky; G.K Matvev; N.V Orlova; V.S Pozniakov; M.G Pozenberg; A.A Rubanov; O.N Sadikov... ủng hộ. Trong bộ giáo trình Tư pháp quốc tế (3 tập) của mình L.A Luns cho rằng để xem xét bản chất nội dung của các quy phạm Tư pháp quốc tế trước hết cần phải xem xét đến tính chất của các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của nó, mà trước hết các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là các quan hệ mang tính chất dân sự. Do vậy Tư pháp quốc tế trước hết nó là một bộ phận của pháp luật dân sự quốc gia. Khoa học Tư pháp quốc tế là một bộ phận của khoa học pháp luật dân sự2.

Trong nhiều công trình về Công pháp quốc tế nhiều tác giả như I.I Lukasuk; E.T Usenko; A.P Movchan... cũng có quan điểm cho rằng xét về nội dung của các quy phạm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh thì Tư pháp quốc tế là một bộ phận của của hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau.

1.3. Trong khoa học pháp lý Tư pháp quốc tế ở Việt Nam mặc dù còn non trẻ chưa có nhiều công trình nghiên cứu lớn và chuyên sâu trong lĩnh vực này, "ngay cả trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời kỳ này (1945-1975) cũng rất hiếm khi đề cập đến các quan hệ Tư pháp quốc tế"3. Nhưng bước đầu Tư pháp quốc tế ở Việt Nam cũng đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu như: Trong giáo trình Tư pháp quốc tế của trường Đại học Luật Hà Nội của tập thể tác giả do tiến sĩ Bùi Xuân Nhự chủ biên cho rằng "Tư pháp quốc tế là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, mặt khác trong khoa học nói chung nó lại là một ngành khoa học độc lập mà đối tượng nghiên cứu của nó là lĩnh vực quan hệ pháp luật dân sự, phát sinh trong đời sống quốc tế.... Điều này khẳng định rằng: Thứ nhất Tư pháp quốc tế nghiên cứu các quan hệ pháp luật dân sự"4. Trong giáo trình Tư pháp quốc tế của Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội của tập thể tác giả do tiến sĩ Nguyễn Bá Diến chủ biên cũng cho rằng "Nhờ mang tính chất tài sản, nhân thân và có yếu tố nước ngoài mà đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế đã góp phần khẳng định rằng: Tư pháp quốc tế là một ngành luật riêng biệt, không những độc lập với các ngành luật khác thuộc hệ thống pháp luật quốc gia, mà còn độc lập với luật quốc tế"5. Trong sách tham khảo Một số vấn đề lý luận cơ bản của Tư pháp quốc tế của tiến sĩ Đoàn Năng lại cho rằng "Hiện tại Tư pháp quốc tế tồn tại độc lập với Công pháp quốc tế và cả với pháp luật quốc gia như là một tiểu hệ thống nằm giữa hai hệ thống, nhưng liên quan, gắn bó rất chặt chẽ với cả Công pháp quốc tế và Pháp luật quốc gia"6.

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Dec 29, 2009 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

TPQT NHIỆM VỤWhere stories live. Discover now