Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc ở nước ta hiện nay
Nước ta là một trong những quốc gia đa dân tộc, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai địch hoạ và dựng xây đất nước. Các dân tộc nước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng; cư trú xen kẽ và phân tán trên mọi vùng miền với cơ cấu dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều; bản sắc văn hoá từng dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hiến Việt Nam. Bình đẳng, đoàn kết các dân tộc là đường lối của Đảng ta đã xác định ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Dựa trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc với những nội dung cơ bản: "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển".
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng về vấn đề dân tộc, trong mục XII "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân" đã ghi:
"Đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; làm tốt công tác định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới. Quy hoạch, phân bổ, sắp xếp lại dân cư, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân sĩ, trí thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi thực hiện "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng nói của đồng bào", làm tốt công tác dân vận. Chống kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc".
Dự thảo lần này có sửa đổi, bổ sung rõ, cụ thể và đầy đủ hơn về vấn đề dân tộc và định hướng chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một số câu chữ và trình tự của các vấn đề đặt ra, chúng tôi có vài ý kiến tham gia như sau:
- Vấn đề "Đại đoàn kết toàn dân tộc" đã được xác định ở đầu mục XII, do đó trong đoạn này cần nhấn mạnh "Vấn đề dân tộc" như đã ghi tại Văn kiện Đại hội IX. Nay tiếp tục khẳng định "Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta".
- Nội dung mang tính nguyên tắc của đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, xác định tiếp theo "Vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài" là "Chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc cực đoan và kỳ thị, chia rẽ dân tộc; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc" cùng với cụm từ "Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ".