Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cải biến nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mức sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng – an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Đại hội X xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
b. Quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công nghiệp hóa XHCN là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là một quan điểm cơ bản của Đảng về công nghiệp hóa, được nêu ra từ Đại hội III. Những quan điểm mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII nêu ra và được phát triển, bổ sung qua các Đại hội VIII, IX, X của Đảng gồm:
Một là, công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Đại hội X nhận định: trong thế kỷ XXI “khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”. Đất nước phải đi tắt, đón đầu, tiến hành CNH rút ngắn thời gian khi biết lựa chọn con đường phát triển kết hợp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Đại hội X chỉ rõ: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong nền kinh tế tri thức, những ngành kinh tế có tác động to lớn tới sự phát triển là những ngành dựa nhiều vào tri thức, dựa vào các thành tựu mới của khoa học, công nghệ.
Hai là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là việc riêng của nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, tất yếu phải hội nhập và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
Ba là, lấy phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho đất nước phát triển nhanh. Trong các yếu tố tham gia vào quá trình phát triển đó, yếu tố con người luôn được coi là yếu tố cơ bản.
Nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững trong quá trình CNH, hiện đại hóa vì con người là yếu tố duy nhất có khả năng sáng tạo, con người tạo ra các yếu tố khác và sử dụng chúng vào sản xuất và đời sống.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ, khoa học quản lý và đội ngũ công nhân lành nghề giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Bốn là, khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khoa học và công nghệ có vai trò quyết định đến năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, lợi thế cạnh tranh và tốc độ phát triển kinh tế nói chung. Tiềm lực khoa học và công nghệ của một quốc gia suy cho cùng là tiềm lực trí tuệ và sự sáng tạo của cả dân tộc.
Đại hội X của Đảng khẳng định phải: “nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của khoa học và công nghệ” và nêu mục tiêu tổng quát là: “phấn đấu đến năm 2010, năng lực khoa học và công nghệ nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên một số lĩnh vực quan trọng”.
Năm là, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Xây dựng CNXH ở nước ta thực chất là nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết kinh tế phải phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Vì vậy cần “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”.
Sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững có quan hệ chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.