Kính thưa quý khách, tôi rất hân hạnh là người bạn đồng hành cùng quý khách trong chuyến thăm lăng Tự Đức hôm nay. Sau khi qua cửa Vụ Khiêm Môn – quý khách tập trung ngay tại sơ đồ tổng thể lăng. Xin quý khách vui lòng xếp theo hình vòng cung về phía tay trái tôi để tiện quan sát sơ đồ công trình Lăng. Vâng thưa quý khách nhìn trên sơ đồ sau khi qua Vụ Khiêm Môn, đi theo con đường lát gạch sẽ dẫn chúng ta vào khu vực khuôn viên của lăng, về phía bên trái con đường là khu vực xung quanh hồ Lưu Khiêm, đi tiếp theo con đường sẽ gặp khu mộ Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu, vợ vua Tự Đức – cùng với lăng Vua Kiến Phúc vị vua thứ 7 Triều Nguyễn là con nuôi vua Tự Đức. Qúy khách hãy quan sát trên sơ đồ, có những điểm chín đen và chín đỏ, những điểm đen là những công trình đã bị phá hủy bởi thời gian và chiến tranh và những điểm đỏ là những điểm còn được lưu giữ tới ngày nay. Theo dự kiến buổi thăm quan sẽ diễn ra trong vòng 2 giờ đồng hồ, bây giờ là 9h có nghĩa là 11 giờ quý khách có mặt tại điểm này để gặp lại hướng dẫn suốt tuyến của quý khách và tiếp tục hành trình tới điểm tham quan khác trong chương trình.
Trước tiên đoàn chúng ta sẽ thăm khu vực quanh hồ Lưu Khiêm sau đó là khu vực lăng mộ vua và cuối cùng là khu tẩm điện. Bây giờ mời quý khách đi theo tôi để bắt đầu chuyến thăm quan, vâng thưa quý khách, nơi đoàn chúng ta đang đứng đây là khu vực hồ Lưu Khiêm, ngay gần Dũ Khiêm Tạ và để tiện quan sát xin đoàn vui lòng đứng về phía tay trái tôi, mặt hướng về phía hồ.
Như quý khách đã biết triều đại Nhà Nguyễn trải qua 143 năm, với 13 đời vua. Trong số 13 đời vua đó nhưng chỉ có 7 lăng tẩm được xây dựng bởi những lý do về lịch sử. Lăng Tự Đức mà chúng ta thăm hôm nay là 1 trong số 7 lăng đó và đây là một lăng đẹp, đồng chất thơ, chất mộng, nó phần nào thể hiện được tính cách và tâm hồn của ông vua thi sĩ – Tự Đức.
Mỗi một vị vua sau khi lên ngôi đều nghĩ đến việc tìm đất xây dựng ngôi nhà vĩnh cứu cho mình, và vua Tự Đức cũng vậy sau khi lên ngôi ông cũng sớm nghỉ tới việc xây dựng lăng tẩm cho mình bởi theo quan niệm triết học phương đông "Sinh Ký tử quy" sống gửi thác về cuộc sống trần thế này chỉ là sự tạm bợ, cái chết về với thế giới bên kia mới là cõi vĩnh hằng. Điều đáng nói ở đây trong số 7 lăng thì có tới 6 lăng còn dở dang hoặc chưa được xây dựng khi các vua đã qua đời riêng vua Tự Đức sau khi hoàn thành lăng cho mình ông còn sống tới 16 năm nữa.
Trước khi tìm hiểu về kiến trúc lăng, tôi xin giới thiệu khái quát về cuộc đời, sự nghiệp cũng như bối cảnh lịch sử giai đoạn ông trị vì.
Vua Tự Đức tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm – sinh năm 1829 là con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Ngay từ thuở nhỏ Hồng Nhậm được mẹ dạy bảo nghiêm khắc từ cách đi đứng đối ứng đều hợp với nghi thức cung đình, với tư chất đi đứng đối ứng đều hợp với nghi thức cung đình, cộng với tư chất thông minh ham học hỏi rèn luyện bản thân nên được vua cha rất mực yêu thương tin tưởng. Năm 1848 Hồng Nhậm lên ngôi vua theo di chiếu của vua cha, lấy niên hiệu là Tự Đức – vị vua thứ 4 Triều Nguyễn và là vị vua trị vì lâu nhất trong số 13 vua, 36 năm (1848 – 1883). Theo quan niệm phong kiến con trai cả sẽ là người kế vị vua cha, điều này được thấy rất rõ ở các vương triều Trung Hoa, nhưng với Triều đình nhà Nguyễn, đây không phải là một nguyên tắc bắt buộc. Nếu là một con người thông minh, lanh lợi, tài trí hơn người, được vua cha tin yêu dù là con thứ vẫn có thể được chọn làm người kế vị và vua Tự Đức cũng vậy ông là một trường hợp như thế.
BẠN ĐANG ĐỌC
Bài thuyết minh Lăng Tự Đức
Randomtrong quá trình thu thập thông tin còn nhiều sai sót, kính mong quý độc giả góp ý cũng như tạo điều kiện để tìm ra những kiến thức còn giới hạn trong bài.