Thèm

24 6 1
                                    


"Cảm giác sống là gì?" Nó từng tự hỏi mình như vậy. Là không ngừng vận động, không ngừng cố gắng; là được theo đuổi ước mơ, cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội? Nếu là nó trước đây thì đã chẳng để ý gì đến vấn đề này. Với nó, "sống" và "tồn tại" cũng giống nhau mà thôi, đơn giản chỉ là hít vào thở ra, ai mà chẳng thế, được sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lập gia đình rồi chết đi. Không thể "sống" theo đúng cách thì sao chứ, không thể theo đuổi ước mơ thì sao chứ, chỉ "tồn tại" thì có vấn đề gì? Mọi người vẫn phải tuân theo quy luật đó mà thôi. Không "sống" cũng chẳng bao giờ đủ là lí do để ai đó chết đi cả. Nhưng rồi nó lại nghĩ đến một câu hỏi vô cùng phổ biến khác, một câu hỏi mà từ lúc còn học mẫu giáo đến khi trở thành sinh viên đại học, năm nào mỗi người cũng được hỏi ít nhất cả chục lần:


"Sau này em muốn làm nghề gì?"


Nó không biết. Nó chưa bao giờ có đam mê hay bị thu hút với bất kỳ nghề nghiệp nào cả.


"Em có dự định làm gì trong tương lai không?"


Không có. Nó chỉ đơn giản tiếp tục làm những gì mình vẫn luôn làm. Buồn chán sao? Đương nhiên là có, nhưng nó vẫn chịu được, cho đến bây giờ là vậy. Rồi nó lại tự hỏi: "Chỉ "tồn tại" như thế thật sự đủ sao? "Tồn tại" có thể làm cho nó cảm thấy vui vẻ?" Không phải chỉ cười, đó là việc hằng ngày, không đáng nhắc tới. Vui vẻ mà nó nói ở đây là cái cảm giác đam mê yêu thích một cái gì đó kìa, cái cảm giác làm mà không thấy mỏi mệt ấy. Nói một cách khác, đó là cảm giác khi mình vẫn còn hữu dụng, không cần với người khác, chỉ cần với bản thân thôi là đủ rồi. Không cần làm cho người khác hạnh phúc, chỉ cần đáp ứng yêu cầu của chính mình thôi. Nhưng rồi nó nghĩ lại. Hình như, trong "tồn tại" không có cái được gọi là niềm vui đó.


Không chỉ có đam mê yêu thích, dù là hoạt động thường ngày cũng thế, mọi tình cảnh nó nghĩ ra, dù bế tắc như thế nào cũng không hề khiến nó có cảm được muốn lưu tâm. Nếu như có ai đó nói ngày mai nó sẽ chết, hay bị người ta bắt cóc, mổ nội tạng, và làm cả đống trò kinh khủng mà trên phim ảnh vẫn hay đề cập đi chăng nữa, nó cũng không nghĩ mình sẽ để tâm. Thực tế, nếu điều đó có xảy ra thật, nó cũng sẽ tự nhủ: "Thật tốt, mai sẽ có chuyện thú vị xảy ra rồi!" Như thế, không phải nó sẽ có lý do chờ mong ngày mới đến sao? Dù sao đi chăng nữa, hậu quả lớn nhất chỉ là chết thôi.Và nó giật mình, từ khi nào, cái chết đối với nó chẳng còn đáng sợ nữa. Nói thật, nó không coi cái chết là điều gì đó quá nghiêm trọng. Trong "tồn tại", chết chẳng qua chỉ là một giai đoạn mà thôi, vạn vật sinh ra rồi chết đi là chuyện bình thường. Nhưng nhắc đến cái chết và thực sự chết là hai chuyện khác nhau, cũng giống như mấy nhân vật trong các bộ tiểu thuyết thường nói ấy: "Ta không sợ chết, ta chỉ là không muốn chết." Họ nói thế vì còn có nhiều lưu luyến, quá nhiều thứ phải làm, quá nhiều điều muốn hưởng thụ nên không muốn chết, không thể chết được. Nó có mấy thứ đó sao? Có chứ, có rất nhiều thứ nó muốn hưởng thụ, cùng không ít người nó muốn quan tâm. Nó có người thân thương yêu nó, tin tưởng nó; nó có bạn bè, dù ít, nhưng vẫn bên cạnh nó. Thế nhưng nó lại nghĩ: "Bỏ lại những điều ấy thì đã làm sao?" Sẽ có người đau lòng? Theo thời gian cũng dần phai hết thôi. Với gia đình, nó không phải con một, cũng không là con nối dõi. Với bạn bè, vị trí của nó đảm bảo còn dễ thay thế hơn. Có nhiều điều muốn làm? Làm xong rồi thì sao, muốn tiếp theo như thế nào? Không có. Ngược lại sống còn nặng nhọc hơn nhiều, dù là với mình hay với những người xung quanh. Nói như thế là ích kỷ, không quan tâm đến cảm xúc của người khác? Nó chính là một người vô cùng ích kỷ, nếu không ích kỷ thì làm sao có thể có những suy nghĩ này. Càng nghĩ như vậy, cái từ "chết" đối với nó lại càng mất đi cái ý nghĩa đáng sợ vốn có.


Hơn nữa, không phải người ta đã từng nói, khi đối mặt với cái chết, khát khao sống của con người ta mới càng mãnh liệt hơn sao? Thế nên nó tự hỏi, một khi giọt nước tràn ly, liệu mình có không nhịn được mà thực sự đi kiểm nghiệm xem cái lý thuyết đó có đúng là thật hay không. Thử đặt tình huống xem. Ngày mai nếu nó muốn nhảy lầu từ tầng chín, lúc bước lên chắc chắn sẽ thấy sợ, nó vốn vẫn sợ đau. Nhưng nhỡ đâu đau lại khơi lên cảm giác muốn sống bên trong nó thì sao? Nó thực sự muốn trải nghiệm cái cảm giác được "sống" ấy. Cái cảm giác phải bám víu để giành giật từng hơi thở chắc hẳn phải vô cùng tuyệt diệu. Sẽ có người hỏi: "Sao không rạch tay? Đó là phương pháp vô cùng phổ thông với mọi người mà." Nó có nghĩ qua rồi, nhưng nó cũng nói rồi đấy: Nó sợ đau. Hơn nữa rạch cổ tay chắc gì đã chết, nó từng gặp không dưới một người cắt cổ tay tự sát mà hiện giờ vẫn sống nhăn răng, cắt động mạch cổ nghe có khả thi hơn nhiều. Thực ra, nó còn có thể cố tình bị tai nạn khi băng qua đường, nhưng chuyện này cũng có vấn đề. Tai nạn bị thương thì dễ nhưng chết thì khó lắm, đầy người muốn tự sát bằng tai nạn giao thông cũng đâu có được, vấn đề giải quyết về sau càng khó chịu hơn. Hơn nữa cái chướng ngại lớn nhất là xung quanh nó lúc nào cũng có người, bất kì khi nào cũng sẽ có kẻ ngăn cản nó tìm đường chết. Cái chết thường ngày hay được nhắc tới, điều mà tưởng như vô cùng gần gũi, lúc nào cũng có thể xảy ra với mỗi người, nay lại trở nên càng lúc càng xa vời hơn.


Kể ra, nếu thực sự muốn chết thì có nhiều cách thức lắm, quan trọng là mình có đủ quyết tâm thực hiện và chịu hậu quả nếu tự sát không thành không thôi. Nhưng mà nó đâu có ý định muốn tự sát, nó thèm muốn cái cảm giác sống đó chứ. Vì không tìm được nên nó mới nghĩ đến cái chết như một giải pháp cuối cùng. Xét cho cùng, một cái xác trống rỗng, không có mục đích sống, vô dụng với người khác, cũng không có tác dụng gì cho chính mình, ngoài việc lãng phí tài nguyên ra thì còn có thể làm gì? Cái xác đó vì sao lại được sinh ra? Đã không có lí do để sống, liệu cái xác kia có nên biến mất luôn đi không?


Liệu nó, có cần thiết phải tồn tại nữa không?


ThèmNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ