Mua la rung

1.4K 0 0
                                    

BI KỊCH GIA ĐÌNH TRONG TÁC PHẨM

MÙA LÁ RỤNG TRONG VƯỜN CỦA MA VĂN KHÁNG

Mùa lá rụng trong vườn được Ma Văn Kháng viết xong tháng 12 năm 1982, xuất bản lần đầu năm 1985. Từ đó đến nay tác phẩm được tái bản nhiều lần. Năm 2001, nhà biên kịch Đặng Minh Châu chuyển thể Mùa lá rụng trong vườn và Đám cưới không giấy giá thú thành kịch bản văn học; đạo diễn Quốc Trọng dựng thành phim nhiều tập Mùa lá rụng.

Với vai trò là một trong những cuốn sách "tiền trạm" của Đổi mới mà ở đó chứa đựng nhiều dự báo sáng suốt, ngay khi vừa ra đời,Mùa lá rụng trong vườn đã được độc giả đón nhận một cách nhiệt tình. Chỉ trong hai năm 1985 và 1986 đã có hàng chục bài báo viết về tác phẩm này; báo Người Hà Nội đã tổ chức thảo luận bàn tròn về tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn; Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B về văn xuôi cho Mùa lá rụng trong vườn. Đã hơn hai mươi năm trôi qua, trong khi biết bao tác phẩm một thời được coi là tiếng nói của thời đại, là "sách gối đầu giường" đã vơi cạn sức hút, Mùa lá rụng trong vườn vẫn còn được tìm đọc và còn gợi được nhiều suy nghĩ.

Mùa lá rụng trong vườn viết về đề tài gia đình, một đề tài không mới trong văn học Việt Nam hiện đại. Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ XX, nhiều sáng tác của Tự lực văn đoàn đã khai thác đề tài này. Các tiểu thuyết Đoạn tuyệt, Lạnh lùng (Nhất Linh);Nửa chừng xuân, Thừa tự, Gia đình, Thoát ly (Khái Hưng); Gánh hàng hoa (Nhất Linh - Khái Hưng)... đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng cá nhân, đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho quyền sống của người phụ nữ chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến trong đại gia đình phong kiến. GS. Trương Chính đã đánh giá rất cao đóng góp của Tự lực văn đoàn trên vấn đề kêu gọi giải phóng phụ nữ và tự do hôn nhân (dĩ nhiên là bằng văn học và theo kiểu của văn học). Ông viết: "Các nhà văn Tự lực văn đoànđã công kích nhiều mặt của chế độ phong kiến, đặc biệt là luân lý phong kiến đối với phụ nữ. Họ chủ trương tự do hôn nhân, tự do yêu đương xây dựng hạnh phúc gia đình trên tình yêu đôi lứa. Họ căm thù cảnh mẹ chồng nàng dâu, họ chủ trương đàn bà trẻ được tự do cải giá, họ vạch bộ mặt giả dối, xảo quyệt của những người mẹ ghẻ. Họ đứng về phía những người chống lại lớp người cũ. Họ đứng về phía cá nhân chống lại chế độ gia đình" [3, tr. 15]. Từ sau 1945, đất nước phải trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Lúc này vận mệnh dân tộc được đặt lên hàng đầu. Vấn đề cá nhân, gia đình trở thành thứ yếu. Theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh, các nhà văn thời kỳ này "chủ yếu làm công việc đốt lửa nhiệt tình trong độc giả bằng cách mô tả và ngợi ca những tấm gương chói lọi trong chiến đấu, hy sinh... Những tác phẩm viết về sản xuất hay những đề tài khác cũng thế, vấn đề đặt ra chủ yếu cũng là vấn đề ý chí cách cách mạng, nhiệt tình cách mạng [4, tr. 460]. Mặt khác, một thời do nhận thức rằng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa không có bi kịch nên người ta nghĩ là có thể bỏ qua việc nghiên cứu các quan hệ gia đình, cho rằng các quan hệ cha con, vợ chồng, anh em... hình như chẳng có gì phải bàn bạc nữa. Mọi người đều đặt quyền lợi của tập thể, của dân tộc lên trên hết. Cả dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trong các sáng tác lấy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm bối cảnh, nếu có miêu tả xung đột gia đình, các nhà văn thường khai thác mâu thuẫn nảy sinh giữa lớp trẻ sục sôi nhiệt huyết, say mê lý tưởng với các thành viên thủ cựu trong gia đình (thường là ông bố - kẻ đại diện cho quyền lực của chế độ gia trưởng) để khẳng định con đường làm ăn tập thể, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Riêng với những tác phẩm viết về đề tài "chiến đấu", gia đình lại được nhìn nhận như một "tổ chức" thống nhất, tất cả mọi người đều ủng hộ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc của tập thể, của xã hội. Đó là gia đình chị Tư Hậu (trong Một truyện chép ở bệnh viện - Bùi Đức Ai), má Bảy (trong Gia đình má Bảy - Phan Tứ), chị Út Tịch (trong Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi)... Một cách nhìn nhận, thể hiện như thế về gia đình là do yêu cầu lịch sử, do quy định của hoàn cảnh, nên khó có thể khác được.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Mar 04, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Mua la rungNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ