Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống
Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống
GS. Hoàng Tụy
Mấy năm nay trong xã hôi ta thường nghe nói đến các lỗi hệ thống. Và trong năm 2011 cụm từ tái cấu trúc được nhắc đi nhắc lại với tần số kỷ lục trong các giải pháp vượt qua khó khăn kinh tế gay gắt hiện nay. Không hẹn mà gặp, các từ này đã trở thành những từ khoá trong phần lớn các nghiên cứu về quản lý kinh tế xã hội trong cả năm 2011. Cho nên có lẽ cũng là tự nhiên nếu câu chuyện đầu năm xoay quanh tái cấu trúc và lỗi hệ thống.
Một hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi mục tiêu, thành phần, cơ chế hoạt động và cấu trúc các mối quan hệ giữa các thành phần của nó với nhau và với môi trường bên ngoài.
Trong quá trình hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu của nó, một hê thống phức tạp, dù là một doanh nghiệp, một ngành kinh tế, văn hoá, xã hội hay những hệ thống lớn hơn, đều không tránh khỏi lúc này lúc khác có trục trặc. Nếu chỉ là trục trặc trong vận hành bình thường thì có thể dựa theo cơ chế phản hồi để phát hiện và điều chỉnh. Nhưng nếu trục trặc lớn, kéo dài thời gian lâu, thì thường có thể do mục tiêu sai, hoặc cấu trúc của hệ thống có vấn đề, có khuyết tật cơ bản, hoặc cả mục tiêu lẫn cấu trúc đều có chuyện. Khi đó, nếu chỉ xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt, theo phương thức sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt được truc trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm những rối ren, phức tạp mới, làm bất ổn gia tăng, đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Giải pháp đúng đắn trong tình huống đó chỉ có thể là dựa trên phân tích hệ thống, xét lại toàn bộ tổ chức, từ mục tiêu đến cơ chế hoạt động và các mối quan hệ trong nội bộ hệ thống với nhau và với môi trường, để thấy rõ và tìm cách sửa chữa những khuyết tật cơ bản của hệ thống, tức là các lỗi hệ thống, theo cách nói quen thuộc gần đây.
Đó là ý nghĩa các phạm trù “lỗi hệ thống” và “tái cấu trúc” mà gần đây đã được sử dụng khá phổ biến trong các câu chuyện chính trị và kinh tế, xã hội.
Thực tế xây dựng đất nước hơn ba mươi năm qua đã dạy chúng ta một bài học đắt giá: chỉ trong vòng mười năm sau ngày thống nhất Tổ quốc, đất nước đã đứng trên bờ vực sụp đổ, buộc chúng ta phải tỉnh giấc, nhìn thẳng vào những thất bại gây nên do những lỗi lầm hệ thống tich luỹ trong quản lý kinh tế xã hội, từ đó mới có công cuộc đổi mới mà nhờ đó đất nước đã vượt qua khủng hoảng để hồi sinh kỳ diệu trong thập kỷ 90.
Ngày nay, éo le lịch sử lại đặt thế hệ chúng ta đứng trước tình huống tương tự như 25 năm trước. Bên cạnh những thành tựu bắt nguồn từ đổi mới, trong thời gian 5-7 năm gần đây đã xuất hiện nhiều sai lầm, thất bại đưa đất nước đến những khó khăn hết sức nghiêm trọng. Những gì tich cực mà đổi mới có thể đem lại đều đã đạt tới giới hạn. Nhiều lỗi hệ thống ở tầng sâu trước đây còn khuất nay bắt đầu lộ diện, khiến chúng ta đứng trước sự lựa chọn mới: hoặc tiếp tục làm ngơ với các lỗi hệ thống đó, chấp nhận đối mặt với nguy cơ trì trệ, thậm chí lụn bại và chuốc lấy nguyền rủa của đời sau, hoặc chịu đau giải phẫu và cắt bỏ những mầm bệnh mà thật ra đã ủ sẵn trong cơ thể từ nhiều thế hệ trước, và dũng cảm thay đổi tư duy một lần nữa, mở ra một thời kỳ khai sáng mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của các thế hệ tiền bối và không thẹn với những hy sinh mất mác to lớn của cả dân tộc qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc.